Bất động sản công nghiệp 'xây nền' cho chu kỳ tăng trưởng mới
Trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến của các tập đoàn quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì sức hút và vượt lên trong cuộc đua thu hút FDI, đặc biệt lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam không chỉ cần nâng cấp hạ tầng cứng mà còn phải chú trọng cải thiện 'hạ tầng mềm' – từ quy hoạch, thủ tục đầu tư đến môi trường phát triển công nghiệp bền vững.
Đây là nội dung chính được các chuyên gia từ lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ngân hàng nước ngoài và quỹ đầu tư thảo luận tại phiên thứ hai của Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 8-5 tại TPHCM, với chủ đề “Xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới”.

Các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận tại sự kiện. Ảnh: BTC
Vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam
Trong bối cảnh phức tạp về thuế quan và biến động thị trường, các nhà đầu tư như Dragon Capital, bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc Khối Nghiên cứu phân tích – vẫn giữ quan điểm lạc quan về dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Dù còn tồn tại các rào cản về chính sách thuế của Mỹ hay thách thức thương mại toàn cầu, lợi thế về nguồn lao động trẻ, năng động, thích nghi nhanh vẫn là điểm mạnh lớn của quốc gia.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có bước chuyển mình rõ nét trong thu hút đầu tư FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, máy móc, với sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn. Sự dịch chuyển này không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới mà còn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các chính sách của Mỹ như tăng thuế hoặc hạn chế dòng vốn có thể ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam trong tương lai gần. Do đó, các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược, tập trung vào những khu vực có nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh để thích nghi với biến động.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam, cũng nhấn mạnh Việt Nam duy trì các yếu tố vĩ mô tích cực, đóng vai trò then chốt trong chiến lược của ngân hàng này. Thậm chí, UOB đã quyết định tăng gấp đôi vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam, như xây dựng trụ sở chính, cùng với việc hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Những yếu tố này giúp môi trường đầu tư ngày càng ổn định và hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, các yếu tố như chính trị ổn định, chính phủ thân thiện, quản trị hiệu quả, chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi thuế và phát triển các khu công nghiệp mới đã giúp Việt Nam mở rộng hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Trong ngắn hạn, các biến động thương mại toàn cầu có thể gây gián đoạn đầu tư, nhưng về trung và dài hạn, chúng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Hiện tại, các cơ hội quốc tế đang tạo điều kiện thuận lợi để đất nước tiếp tục phát triển và thu hút vốn đầu tư”, ông nói.
Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cũng giữ thái độ lạc quan về khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài dù đối mặt với nhiều biến động. Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành Khối Bất động sản công nghiệp và nhà ở của Frasers Property Vietnam, cho rằng dù có những thay đổi về chính sách thuế hay chiến lược, công ty vẫn duy trì quan điểm tích cực với thị trường Việt Nam và có kế hoạch mở rộng đầu tư dựa trên tiềm năng dài hạn và quỹ đất còn nhiều.
Trong ngắn hạn, ông nhấn mạnh việc theo dõi sát thị trường, đánh giá chính sách và phản ứng của thị trường để điều chỉnh chiến lược phù hợp. Đồng thời, các cơ hội đầu tư mới có thể sẽ dịch chuyển sang các thị trường ngoài Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và tận dụng các lợi thế cạnh tranh khác nhau. Ông tin rằng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất điện tử, giáo dục, nghiên cứu và hợp tác đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư dài hạn, phù hợp với xu hướng toàn cầu và trong nước”, ông khẳng định.
Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc Prodezi Long An, đơn vị sẽ đưa vào khai thác hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tại Long An trong năm nay, cũng cho rằng trong bối cảnh biến động hiện nay, các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng chung, nhưng đồng thời cũng có những cơ hội riêng. Các tác động tích cực vẫn tiếp diễn, thúc đẩy phát triển và tạo lợi ích cho nền kinh tế.
Ông chia sẻ rằng, dù có những biến động về thuế và thị trường, nhiều khách hàng và nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin vào chính sách của Chính phủ Việt Nam. Họ tiếp tục đầu tư và đa dạng hóa thị trường, chú trọng phát triển công nghệ cao, mong muốn Chính phủ có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Sẵn sàng hạ tầng để thu hút dòng vốn chất lượng cao
Tuy nhiên, để duy trì sức hút và cạnh tranh, đặc biệt thu hút nguồn vốn chất lượng và công nghệ cao, các ý kiến cho rằng Việt Nam cần nâng cấp hạ tầng cứng và cải thiện “hạ tầng mềm” như quy hoạch, thủ tục đầu tư và môi trường phát triển bền vững. Các chuyên gia từ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và quỹ đầu tư nhấn mạnh xu hướng phát triển bất động sản xanh, khu công nghiệp sinh thái và tiêu chuẩn ESG nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Các chủ đầu tư như Frasers Property, Prodezi đã chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ số, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải nhằm thích ứng với quy định quốc tế và gia tăng giá trị. Các tổ chức tài chính như UOB, Dragon Capital cũng nhấn mạnh vai trò của dòng vốn dài hạn trong thúc đẩy các dự án xanh, hạ tầng thông minh và chuyển đổi sản xuất.

Các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận. Ảnh: BTC
Theo ông Trương Khắc Nguyên Minh, chính sách bảo vệ môi trường trở thành nền tảng thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy các dự án xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp quốc tế ngày càng ưu tiên các dự án phát triển bền vững, trong khi Việt Nam cần duy trì hệ sinh thái này để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là lý do ngay từ đầu, Prodezi Long An xác định theo mô hình phát triển sinh thái phù hợp yêu cầu quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Các doanh nghiệp lớn thường hợp tác chặt chẽ với các đối tác phụ nhằm mở rộng quy mô, trong đó nhà đầu tư chất lượng cao yêu cầu hạ tầng mạnh mẽ như nguồn nước sạch, năng lượng tái tạo, internet tốc độ cao, vị trí gần cảng, sân bay để tối ưu hóa logistics, giảm chi phí và thời gian. Các yếu tố như nguồn nhân lực, hệ sinh thái xã hội (giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe) cũng đóng vai trò quyết định trong quyết định đầu tư. "Những yếu tố này cần được cân nhắc để thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam", ông nói.
Còn theo bà Phạm Thùy Dương của Dragon Capital, dù lợi thế về lao động trẻ, dễ thích nghi và chi phí hợp lý vẫn còn, để khai thác tối đa cơ hội thu hút FDI, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn. Đào tạo và nâng cấp trình độ lao động là yếu tố then chốt để giữ vững vị thế cạnh tranh và thu hút dòng vốn lớn hơn trong tương lai.
Ông Lim Dyi Chang cũng nhấn mạnh rằng để đáp ứng yêu cầu của ngành công nghệ cao, R&D và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác công tư, liên ngành và quốc tế nhằm nâng cao kỹ năng lao động và cung cấp nhân lực chất lượng cao.
Ông Trương An Dương khẳng định rằng Frasers Property Việt Nam hướng tới phát triển bền vững phù hợp chiến lược chung. Xu hướng toàn cầu đều hướng tới bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu.
Về thu hút công nghệ cao, ông Dương nhận định rằng công nghệ biến đổi nhanh đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện hạ tầng công nghệ, đặc biệt là kết nối internet, năng lượng sạch và năng lực nhân lực phù hợp để bắt kịp xu hướng. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu nền tảng để tham gia sâu vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, dược phẩm, công nghệ sinh học... Cần có các chính sách và đầu tư thích hợp để nâng cao năng lực này.
Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường pháp lý và thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo để khai thác tối đa tiềm năng công nghệ trong tương lai.