Nhà du khảo 61 tuổi một mình đạp xe 1.800km từ Bắc vào Nam: 'Đi để thấy Việt Nam mình tươi đẹp'
'Đi để thấy Việt Nam mình tươi đẹp, để cảm nhận sức khỏe mình bền bỉ, để tìm lại những hồi ức ngày xưa mình gìn giữ', nhà du khảo Đào Kim Trang (61 tuổi) tâm sự.
Viết tiếp ước mơ ngày xưa
Lúc chiếc xe đạp lăn bánh vào địa phận TP.HCM, ông Đào Kim Trang (61 tuổi, ngụ TP.HCM) khẽ reo lên: "Mình làm được rồi". Ông đã có hành trình tổng cộng 23 ngày, đi từ Hà Nội vào TP.HCM bằng xe đạp, băng qua con đường duyên hải miền Trung đẹp nao lòng, những cánh đồng lúa chín vàng rực.
Từ khi còn trẻ, ông Trang đã thực hiện rất nhiều chuyến đi khắp mọi miền đất nước, vượt đèo Lò Xo ở Kon Tum, leo đỉnh Phanxipăng, băng rừng Trường Sơn… Những chuyến đi đã mang lại cho ông rất nhiều trải nghiệm, vốn sống, lấp đầy bản đồ du khảo.
"Năm 1990, tôi đã đạp xe đi khám phá miền Tây Nam Bộ, ra thăm Nghệ An. Từ đó, tôi luôn ấp ôm một ước mơ có thể một mình đạp xe từ Bắc vào Nam, ngược lại với lộ trình ngày xưa. Thật may mắn, sức khỏe tôi sau gần 30 năm vẫn cho phép làm được điều đó. Tôi mua vé từ TP.HCM bay ra Hà Nội, vi vu Lạng Sơn, Hà Giang cùng bạn bè tầm 15 ngày. Sau đó, tôi về Thủ đô và mua chiếc xe đạp để bắt đầu hành trình của mình.
Tôi muốn dùng một chiếc xe của người Việt Nam làm ra, để đồng hành cùng nó trong hành trình gần 1800km. Từ Hà Nội, tôi bắt đầu đạp xe hướng ra Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… rồi tiến về phía miền Trung", ông Trang cho biết.
Hành trang ông mang theo là túi đồ 3kg, gồm 4 bộ đồ. Ấy vậy mà nhà du khảo 61 tuổi vẫn khẳng định mình "xài không hết đồ mang theo". Ở mỗi tỉnh, ông đều dừng lại để ngắm cảnh, chuyện trò cùng dân địa phương, tìm nhà nghỉ để giặt đồ.
Trong suốt hành trình từ Bắc vào Nam, trái tim ông đã nhiều lần thổn thức trước bãi biển đẹp như tranh vẽ, làn nước biếc xanh ôm lấy bãi cát trắng phau, những rặng dừa nghiêng che mái nhà nhỏ… Một Việt Nam tươi đẹp hiện lên trước mắt ông.
Ông kể: "Thời còn trẻ, tôi đã luyện tập thể thao rất nhiều nên sức khỏe rất ổn định. Ở những đoạn đường dốc, tôi buộc phải dẫn bộ. Khó khăn nhất là cung đường ven biển miền Trung, nhiệt độ lên đến 38 độ, nắng chiếu thẳng vào mặt cộng với gió thốc làm tôi đạp khá chậm, mất sức phải dừng nghỉ nhiều.
Bên cạnh đó, đoạn từ Đồng Nai vào TP.HCM dài 142km cũng khá vất vả, tôi phải đạp liên tục. Điều đặc biệt là trong suốt hành trình nghìn cây số này, tôi chưa phải sửa xe lần nào. Và may mắn, sức khỏe tôi khá tốt để đảm bảo di chuyển được mỗi ngày".
Một mình nhưng không cô đơn
"Hơn chục năm trước, tôi đi ra Bắc bằng con đường Quốc lộ 1, giờ thì tôi đang ngược lại hành trình ngày xưa của mình. Tôi vừa đạp xe, vừa nhớ lại những kỉ niệm hồi ấy. Tôi ghé viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, dừng chân bên chùa Cầu (Hội An)… Ở mỗi nơi, tôi đều dừng lại để chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ", ông Trang kể.
Dù thực hiện chuyến đi một mình nhưng ông Trang vẫn không hề "cô đơn". "Tôi đã gặp được rất nhiều con người tử tế trên dọc đường mình đi. Có những cô cậu trẻ tuổi khi thấy tôi dắt xe đi bộ trên quốc lộ, đã dừng lại hỏi han, xem tôi có cần giúp đỡ gì không.
Tôi cũng chưa hề bị "chặt chém" giá cả khi ăn uống dọc đường. Ở mỗi tỉnh, tôi đều dành thời gian trò chuyện với dân địa phương hay thăm những người bạn cũ.
Chuyến đi là một "bài kiểm tra" về thể lực tôi dành cho mình, sau gần 4-5 năm không đi xe đạp. Và hơn hết, tôi cho rằng, mỗi lần đi là mỗi lần học. Ở tuổi 61, tôi vẫn học kĩ năng sống, tiếp cận những câu chuyện thực tế, lấp đầy trải nghiệm của bản thân về các vùng đất dọc đất nước".
Được biết, ông Trang đã nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình khi một mình thực hiện chuyến đi xuyên Việt này. Mỗi ngày, ông đều chụp ảnh gửi về hoặc gọi điện thoại cho vợ con ở nhà.
"Qua chuyến đi này, tôi muốn truyền tải thông điệp về sức khỏe, về việc bảo vệ môi trường cho mọi người. Ngoài 60 tuổi, tôi vẫn có thể đi dọc đất nước bằng xe đạp như thời còn trẻ. Để làm được điều đó, tôi đã không ngừng rèn luyện sức khỏe, giữ cho mình một tinh thần lạc quan", ông Trang tâm sự.