Nhà giàn DKI: Nơi các anh nằm xuống, 'mầm xương rồng' xanh mãi
Nơi các anh nằm xuống, những nhà giàn DKI – chốt canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc - như những mầm xương rồng kiên cường, xanh mãi giữa biển trời.
Những ngày cuối của hành trình trên biển đến các nhà giàn DKI, sóng và gió vẫn dâng ào ạt xung quanh chúng tôi. Trong sóng gió chông chênh, anh em đoàn công tác đứng sát nhau trên boong tàu. Chúng tôi dành giây phút này để nhớ về các anh, những cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
“Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra
Trong cơn hồng thủy phong ba/DK1- Bản hùng ca lưu đời...
Hương trầm quyện gió tỏa quanh/Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương
Sống không mưu lợi tầm thường/Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng...” - lời thơ được đọc trước phút mặc niệm.
Quyết tâm bám trụ đến cùng
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 5/7/1989, cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (DKI) được thành lập.
Hơn 30 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sỹ hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DKI, Vùng 2 Hải quân, là con em của các gia đình đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gác lại những tình cảm riêng tư, hoài bão, khát vọng tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, thềm lục địa phía Nam, với vô vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và Nhân dân cả nước hết sức quan tâm nhưng vào năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, do khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn, nơi cán bộ, chiến sỹ hải quân chúng ta đang có mặt thực hiện nhiệm vụ.
Khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12, đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12/1990, các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DKI/3 – cụm Phúc Tần, dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, đã ra sức chống chọi với bão tố. Song đêm đến, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển.
Ba đồng chí đã anh dũng hy sinh là Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm Phó Chính trị, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là (Quân Y sĩ) và chiến sỹ Cơ điện Hồ Văn Hiền.
Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò của người Bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất.
Hay như câu chuyện của các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DKI/6 cụm Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn bị nghiêng, rung lắc dữ dội nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy.
Với tinh thần "còn người còn trạm", các cán bộ, chiến sỹ quyết tâm bám trụ đến cùng. Nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng 3 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là Đại úy chuyên nghiệp, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Trung úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An anh dũng hy sinh.
Từ công sức của thế hệ đi trước, các nhà giàn DKI ngày nay ngày càng thay đổi, vững chắc hơn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và Quân chủng Hải quân của các cấp, các ngành, của quân và dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài với tinh thần cả nước hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, nhiều phong trào hành động “cả nước vì Trường Sa”, “chung tay thắp sáng nhà dàn DKI”, “vì biển đảo quê hương”, “vì biên cương Tổ quốc” đã phát triển rất mạnh mẽ, rộng khắp.
'Mầm xương rồng' xanh mãi
“Kính mong các anh yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước, phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi giữ yên biển trời Việt Nam, giữ vững biển đảo, thềm lục địa phía Nam thân yêu của Tổ quốc”, đại diện đoàn công tác phát biểu trong lễ tưởng niệm.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển các nhà giàn DKI, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Vùng 2 và tiểu đoàn DK1 đã luôn không ngại khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh, luôn kiên cường bám trụ, chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Nhà giàn vững chãi giữa biển trời, khiến chúng tôi nhớ đến hình ảnh cây xương rồng mà một người vợ và con gái đã tặng người chồng là cán bộ công tác ở nhà giàn, với lời nhắn: “Mong anh kiên cường, vững chãi như cây xương rồng, bảo vệ hai mẹ con và góp phần bảo vệ quê hương”.
Những nhiệm vụ và sự hy sinh thầm lặng các anh đã và đang làm sẽ mãi là tấm gương và nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Viết trong thư gửi các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn, em Trần Minh Châu, học sinh lớp 12 tại Đồng Nai, bày tỏ sự cảm phục với các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ ở biển xa. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Dù cháu chưa đủ mạnh, chưa đủ kiên cường để can đảm được như các chú, các anh,... để vượt qua những khó khăn, gian lao, ngày đêm bám biển làm nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước... cháu sẽ cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng quê hương".
"Chắc hẳn các chú rất vất vả, rất nhớ nhà nhưng vẫn nở nụ cười trên môi nhỉ?"
"Mong các anh, các chú giữ gìn sức khỏe, tiếp tục nâng cao tinh thần... để bảo vệ non sông Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống ấm no cho đất liền..." - em học sinh viết.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nha-gian-dki-noi-cac-anh-nam-xuong-mam-xuong-rong-xanh-mai-ar852318.html