Nhà giáo cần được bảo vệ danh dự nhưng phải đảm bảo quyền giám sát của cộng đồng

Theo các chuyên gia, nhà giáo cần được bảo vệ danh dự nhưng cũng cần cân nhắc quyền giám sát của cộng đồng, đặc biệt là khi có dấu hiệu vi phạm.

Dự thảo luật Nhà giáo mới nhất (dự thảo lần thứ 5) tại điểm b, khoản 3, Điều 11 quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo: “Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định này cần làm rõ hơn để tránh xung đột với quyền tự do ngôn luận của công dân, nhất là việc phản ánh thông tin của phụ huynh.

Cân nhắc giữa bảo vệ danh dự nhà giáo và quyền giám sát của cộng đồng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Viện trưởng Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học năm 2024 bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng tình với quan điểm không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Điều này nhằm giúp nhà giáo tránh những tác động tiêu cực từ những thông tin chưa xác thực, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội hiện nay lan truyền nhanh chóng, thu hút nhiều người quan tâm nhưng chưa hiểu biết thấu đáo về bản chất sự việc.

Nghề giáo có tính đặc thù cao, không chỉ đại diện cho cá nhân mà mang biểu tượng cho ngành giáo dục. Việc công khai thông tin khi chưa có kết luận có thể gây hiểu nhầm và tạo nên luồng dư luận hiểu sai lệch thông tin, làm tổn hại uy tín cá nhân, tập thể giáo viên, ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh và học sinh vào hệ thống giáo dục”.

 Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học năm 2024. (Ảnh nhân vật từng cung cấp)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học năm 2024. (Ảnh nhân vật từng cung cấp)

Điểm b, khoản 3, Điều 11 trong Dự thảo Luật Nhà giáo giúp bảo vệ danh dự nhà giáo một cách chính đáng, đồng thời giúp xã hội nhìn nhận công bằng hơn về nghề giáo. Việc đảm bảo thông tin được kiểm chứng sẽ góp phần duy trì niềm tin xã hội và tạo điều kiện để giáo viên an tâm công tác.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc nhấn mạnh việc phát tán thông tin chưa được kiểm chứng có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật và gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Bên cạnh đó, những nhà giáo vi phạm cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan, cần xây dựng quy trình rõ ràng và minh bạch trong việc xử lý thông tin, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm khi chia sẻ thông tin. Chính sách này không chỉ bảo vệ danh dự của người lao động trong ngành giáo dục mà còn tạo ra môi trường cho giáo viên có thể làm việc với sự tôn trọng và niềm tin từ xã hội.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, việc công khai thông tin sai phạm khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng không chỉ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân mà còn có thể làm tổn hại đến niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục.

Nguyên tắc cơ bản là chỉ khi có bằng chứng rõ ràng và xác thực mới được phát ngôn về một vấn đề cụ thể. Nếu không có chứng cứ, việc phát tán thông tin sai sự thật không chỉ gây tổn hại đến danh dự cá nhân mà còn vi phạm pháp luật, đồng thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý và xã hội.

Với nhà giáo, việc bảo vệ danh dự và uy tín càng quan trọng hơn, bởi nhà giáo là người đại diện cho ngành giáo dục để truyền tải kinh nghiệm, kiến thức, phẩm chất, đạo đức của xã hội cho thế hệ trẻ. Khi giáo viên bị nghi ngờ về hành vi chưa xác thực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, uy tín, đạo đức của nhà giáo.

Ngoài ra, thông tin thất thiệt chưa có căn cứ còn ảnh hưởng đến nhà trường, làm suy giảm uy tín của cả tập thể giáo viên và môi trường học tập, khiến phụ huynh và cộng đồng xã hội hoài nghi về chất lượng giáo dục mà nhà trường cung cấp.

Không ít trường hợp phụ huynh trong lúc nóng vội đã đưa ra những kết luận vội vàng, thiếu cơ sở, đưa những thông tin chưa đầy đủ hoặc sai lệch lan truyền rộng rãi lên mạng xã hội gây mất uy tín của nhà giáo. Dù sau đó giáo viên có thể thanh minh và làm rõ, nhưng danh dự đã bị ảnh hưởng sâu sắc và niềm tin với học sinh và phụ huynh rất khó có thể lấy lại.

Vì thế, việc bảo vệ nhân phẩm và danh dự của nhà giáo không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên mà còn tránh tác động tiêu cực từ những thông tin chưa được kiểm chứng, qua đó duy trì sự tôn trọng và niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, khi gửi con đến trường, phụ huynh luôn mong muốn con em mình được học trong một môi trường giáo dục tốt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong một số trường hợp, giáo viên hoặc nhà trường có những sai phạm khiến phụ huynh lo lắng.

Khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc trong trường học, phụ huynh cần phản ánh vụ việc đúng quy trình và theo đúng luật. Cụ thể, phụ huynh cần gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tường trình sự việc và nêu rõ thắc mắc. Sau khi tiếp nhận, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh sự việc. Nếu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chưa giải quyết thỏa đáng, phụ huynh có quyền tiếp tục gửi đơn khiếu nại hoặc phản ánh lên cấp trên, như Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

 Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong. Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong. Ảnh: Thùy Linh

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng nội dung trong điểm b, khoản 3, Điều 11 là điểm mới giúp bảo vệ danh dự của nhà giáo khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận. Tuy nhiên, nội dung này vẫn cần quy định cụ thể hơn và cần cân nhắc nguyên tắc minh bạch và quyền giám sát của người dân, nhất là khi nhà giáo có dấu hiệu vi phạm.

Theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng cần được minh bạch. Vì vậy, người dân có quyền tham gia vào quá trình giám sát, phản ánh về những vấn đề trong môi trường giáo dục, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm.

Trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về các vi phạm, vấn đề phát sinh trong trường học như bạo lực học đường, thiếu trung thực trong quản lý,... phụ huynh có thể đề xuất công khai để đảm bảo quyền lợi của các bên và ngăn ngừa những tiêu cực lặp lại. Việc công khai thông tin khi được thực hiện đúng quy trình và cơ sở pháp lý sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của học sinh, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng môi trường học tập an toàn, minh bạch.

Trên thực tế, nhiều trường hợp sai phạm đã được phát hiện và xử lý nhờ sự giám sát của phụ huynh và báo chí. Ví dụ điển hình là hàng loạt vụ việc liên quan đến việc cắt xén khẩu phần ăn của học sinh, những vấn đề này đã được phụ huynh theo dõi, phản ánh. Hay như vụ gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, với hành vi nâng điểm cho 107 thí sinh cùng 309 bài thi được phơi bày cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí trong việc phát hiện và đấu tranh chống sai phạm. Mới đây, vụ việc ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp để lấy 2 bằng cử nhân và 1 bằng tiến sĩ được phanh phui càng khẳng định chức năng và quyền hạn của báo chí trong việc bảo vệ sự minh bạch và công bằng xã hội.

Việc công khai thông tin là cần thiết trong những tình huống cụ thể, song, luật pháp cần quy định rõ ràng để đảm bảo không gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhà giáo và tránh gây ra tác động tiêu cực không đáng có đối với môi trường giáo dục.

Tăng cường đạo đức nghề nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế thông tin thất thiệt

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh rằng điểm b, khoản 3, Điều 11 Dự thảo Luật Nhà giáo nhằm bảo vệ danh dự của các nhà giáo. Tuy nhiên, quy định này có thể vô tình tạo ra lớp "bảo vệ" cho một số cá nhân có hành vi đạo đức kém. Những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo không chỉ ảnh hưởng đến học sinh, nhà trường mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của toàn ngành giáo dục.

Sự suy giảm về đạo đức nhà giáo có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, song song với việc đưa ra các biện pháp bảo vệ danh dự, quyền lợi của nhà giáo cần nâng cao các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát và đánh giá định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi sai phạm. Chỉ có như vậy mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo môi trường học đường trong sạch và lấy lại niềm tin từ phụ huynh, học sinh.

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Nguyên Phương

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc cho rằng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là yếu tố cốt lõi trong việc giảm thiểu các sai phạm và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với giáo viên, đạo đức nghề nghiệp không chỉ là tài sản vô hình quý giá, mà còn là nền tảng xây dựng trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề. Đây là yếu tố hàng đầu giúp giáo viên hoàn thành sứ mệnh “trồng người”, xứng đáng với vị thế cao quý mà xã hội tôn vinh.

Phẩm chất đạo đức không chỉ dừng lại ở từng cá nhân mà còn tác động sâu rộng đến chất lượng giảng dạy và giáo dục. Đạo đức của người thầy ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp và hiệu quả giảng dạy, đồng thời nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập và hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh.

Thông qua gương mẫu trong từng hành động, lời nói, nhà giáo truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về tri thức và đạo đức. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện, góp phần tạo nên một xã hội văn minh và tiến bộ.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nha-giao-can-duoc-bao-ve-danh-du-nhung-phai-dam-bao-quyen-giam-sat-cua-cong-dong-post246813.gd