Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm lưu giữ ký ức văn hóa Hà Nội

Sống trọn một thế kỷ trong lòng Hà Nội, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm từng được báo giới nhắc đến là 'người lưu giữ ký ức về Hà Nội', 'kỳ nhân tiền cổ Hà thành' và vinh dự được trao giải thưởng 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội'.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (ngồi giữa) vinh dự được trao Giải thưởng Lớn – giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2018. (Ảnh: An Nhi)

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (ngồi giữa) vinh dự được trao Giải thưởng Lớn – giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2018. (Ảnh: An Nhi)

Nhắc đến nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (SN 1922) là nhắc đến một nhân chứng sống mảnh đất Hà thành. Sống trọn một thế kỷ đất Kinh kỳ, ông đã có những cống hiến thầm lặng cho văn hóa, lối sống Thủ đô.

Sau khi về hưu năm 1982, người giáo viên từng dạy sử học trường THPT Phan Đình Phùng rẽ hướng sang nghiệp viết lách, nghiên cứu văn hóa Hà Nội. Hai tập sách “Hà Nội thuở ấy” và “Hà Nội những câu chuyện kể cuối thế kỷ XIX-XX” là minh chứng rõ nét về tình yêu của ông với Hà Nội.

Sinh sống tại con ngõ nhỏ ở làng Mọc (thuộc đường Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trước đây khu vực này từng là vùng trũng với những cánh đồng bát ngát lúa xanh tháng 8 đã gieo vào tâm hồn người thầy dạy sử một tình yêu giản dị, nồng đượm.

Tập sách “Hà Nội thuở ấy” ra đời từ chính những lát cắt về các danh thắng, di tích tiêu biểu của Thủ đô như: hồ Tây, nhà thờ Lớn, sông Tô Lịch, nhà Bác Cổ, trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vườn Bách Thảo, chợ Đồng Xuân… cùng những câu chuyện đời sống vụn vặt nhưng thú vị. Đó là tiếng súng lúc 10 giờ, cách quảng cáo một tối hát tuồng, lối bán dầu tây, nước mắm… hay những sự kiện làm xôn xao TP như vua Thành Thái ra dự khánh thành cầu Dume, người Tàu chạy loạn quân Nhật, những câu chuyện về nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nhà kinh doanh Bạch Thái Bưởi, nhà văn Vũ Trọng Phụng, kỷ niệm gắn bó với danh họa Bùi Xuân Phái.

Tập sách “Hà Nội những câu chuyện kể cuối thế kỷ XIX-XX” như một cuốn phim tư liệu quay chậm về diện mạo của Hà Nội thế kỷ XX.

Cùng với đó là tập sách “Hà Nội ngày ấy” và “Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội” kể về tình bạn với bộ tứ hội họa Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Đó là bốn danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Họ đều là những người bạn tâm giao, kết duyên với ông lúc sinh thời.

Có một điều lạ, người giáo viên dạy sử với vẻ ngoài mực thước và mô phạm nhưng lại kết bạn với nhiều danh họa cùng thời. Cũng bởi sự thân thiết nên nhà giáo Nguyễn Bá Đạm thường được Bùi Xuân Phái chọn làm người mẫu vẽ chân dung nhiều nhất với 242 bức ký họa chân dung đủ các chất liệu. Đặc biệt là bộ tranh chân dung 12 bức ký họa trên hộp diêm.

Bên cạnh sự nghiệp viết lách, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Bá Đạm còn có niềm đam mê sưu tầm tiền cổ. Ông từng được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành” khi có bộ sưu tập khoảng 400 đồng tiền cổ, nhiều mệnh giá, kích cỡ và ở nhiều thời kỳ khác nhau.

Với tình yêu cho văn hóa Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Bá Đạm được trao Giải thưởng Lớn – giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2018.

Ở tuổi bách niên, nhà giáo Nguyễn Bá Đạm vẫn giữ được sự mẫn tiệp hiếm thấy, say mê nghiệp viết lách. Thế nhưng, mỗi cuộc đời đều trải qua quy luật vô thường của đời người “sinh, lão, bệnh, tử”, nhà giáo Nguyễn Bá Đạm qua đời ngày 12/7, hưởng thọ 102 tuổi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, độc giả văn chương.

Giờ đây, những trang sách, bản thảo còn dang dở nhưng tinh thần say mê với văn chương những năm cuối đời của nhà giáo Nguyễn Bá Đạm truyền lửa tình yêu sách cho mọi thế hệ.

Thông tin từ gia đình, tang lễ của nhà giáo Nguyễn Bá Đạm tổ chức vào 8h15 ngày 17/7 tại Nhà tang lễ thành phố (125 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nha-giao-nha-nghien-cuu-nguyen-ba-dam-luu-giu-ky-uc-van-hoa-ha-noi-388050.html