Kiến tạo môi trường pháp lý phát huy tính sáng tạo của nhà giáo

Ngày 23.8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa, thời gian qua, cơ quan soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, từ dự thảo đầu tiên cho đến dự thảo gần nhất đã có những điều chỉnh lớn, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao từ phía cơ quan soạn thảo, để dần hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo hoàn chỉnh đáp ứng mong muốn, yêu cầu đặt ra.

Tại tọa đàm, các chuyên gia khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, cho rằng đây sẽ là một đạo luật quan trọng, cần thiết, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo. Luật Nhà giáo sẽ tập hợp và thể chế hóa nhiều chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến nhà giáo, giúp việc áp dụng trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo 4 Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới tiến bộ, cơ bản xác định được vai trò, hoạt động của nhà giáo, nêu bật được tính tự chủ của nhà giáo, nhằm chuẩn hóa và tôn vinh nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước.

Nhiều đại biểu góp ý, dự thảo Luật cần phản ánh được sự đa dạng và tính đặc thù của đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên mầm non đến giảng viên đại học; làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật, tiêu chuẩn, tiêu chí và chính sách, cách tiếp cận phù hợp với từng cấp độ, lĩnh vực, điều kiện khác nhau của nhà giáo.

Các chuyên gia cho rằng Luật Nhà giáo sẽ tập hợp và thể chế hóa nhiều chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến nhà giáo

Các chuyên gia cho rằng Luật Nhà giáo sẽ tập hợp và thể chế hóa nhiều chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến nhà giáo

Đặc biệt, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn về quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và quản lý đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh đó, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của nhà giáo.

Đồng thời, cần có các chính sách mới về lương và phụ cấp, được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút và giữ chân nhân tài, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo và các luật khác, cơ quan soạn thảo cần rà soát, bao quát và cân nhắc việc quy định cho phù hợp, khả thi, tránh chồng chéo đối với những quy định liên quan đến nhà giáo đã được quy định trong Luật Viên chức, Luật Giáo dục và các luật khác có liên quan…

Một số chuyên gia cho rằng, việc phân cấp mạnh mẽ, đặc biệt ở cấp cơ sở là nhân tố quan trọng, giải quyết được những vấn đề căn bản nhất của đội ngũ nhà giáo

Một số chuyên gia cho rằng, việc phân cấp mạnh mẽ, đặc biệt ở cấp cơ sở là nhân tố quan trọng, giải quyết được những vấn đề căn bản nhất của đội ngũ nhà giáo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Ủy ban sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu thận trọng các ý kiến để làm cơ sở cho quá trình thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo.

Trước đó, ngày 20.8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức tham vấn chuyên gia về chuẩn chức danh nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Tin: Ng. Phương; Ảnh: Ng. Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/kien-tao-moi-truong-phap-ly-phat-huy-tinh-sang-tao-cua-nha-giao-i385423/