Sơn tra, biểu tượng sức sống mãnh liệt của người vùng cao Yên Bái

Cây Sơn tra còn được gọi là cây táo mèo, là loài cây có sức sống mãnh liệt, dù sống trong điều kiện vùng đồi núi cao, thời tiết khắc nghiệt.

Tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái nổi bật vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng của hoa sơn tra mỗi độ xuân về.

Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4, những cánh rừng già trên dãy núi Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu bừng sáng bởi sắc trắng tinh khôi của hoa táo mèo.

Những cụm hoa nhỏ nhắn mọc xen kẽ giữa tán lá xanh rì, rung rinh trong gió như những bông tuyết giữa bầu trời. Màu trắng tinh khôi hòa quyện cùng màu xanh của núi rừng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng.

 Hoa Sơn tra rực rỡ mỗi khi vào mùa.

Hoa Sơn tra rực rỡ mỗi khi vào mùa.

Hương thơm thoang thoảng của hoa táo mèo nhẹ nhàng lan tỏa, mang theo hơi thở của núi rừng Tây Bắc, khiến bất cứ ai đặt chân đến đây cũng mê đắm.

Mùa hoa táo mèo không chỉ mang đến cảnh đẹp say đắm lòng người mà còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân vùng cao. Mùa hoa táo mèo chỉ kéo dài khoảng 2 tháng.

 Sơn tra là biểu tượng, cũng là tiềm năng phát triển kinh tế của người dân vùng cao Yên Bái.

Sơn tra là biểu tượng, cũng là tiềm năng phát triển kinh tế của người dân vùng cao Yên Bái.

Hiện tại, một trong những nơi được mệnh danh là "thiên đường" của hoa táo mèo chính là huyện Mù Cang Chải. Nơi đây sở hữu những thửa ruộng bậc thang vô cùng đẹp mắt, xen kẽ là những cây táo mèo rực rỡ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ.

Khi đến đây, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn, chụp ảnh lưu niệm và hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Ngoài ra, cũng có thể khám phá những bản làng người Mông ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn - nơi có những vườn táo mèo cổ thụ rợp bóng.

Mùa hoa táo mèo đã và đang góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy du lịch vùng cao phát triển và nâng cao đời sống người dân.

 Vẻ đẹp của hoa Sơn tra khiến nhiều du khách mê đắm và yêu thích.

Vẻ đẹp của hoa Sơn tra khiến nhiều du khách mê đắm và yêu thích.

Trước đây, sơn tra là loài cây mọc tự nhiên, còn nay đã được người dân tập trung đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn đất, tạo môi trường sinh thái bền vững, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

 Sơn tra mang lại thu nhập cho người dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Sơn tra mang lại thu nhập cho người dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 10.000 ha cây sơn tra, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Trung bình mỗi năm, người dân ở 2 huyện vùng cao này thu hái được từ 3.000 - 4.000 tấn quả, mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Tết Độc lập 2/9 năm 2024, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về cây Sơn tra, sản phẩm đặc sắc của địa phương.

Đức Hạnh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/son-tra-bieu-tuong-suc-song-manh-liet-cua-nguoi-vung-cao-yen-bai-post697853.html