Nhà khoa học cần được quyền tự chủ

'Muốn phát huy vai trò then chốt của nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, cùng với chế độ đãi ngộ về tiền lương, thu nhập, cần phải trao cơ chế tự chủ cao nhất cho các nhà khoa học, cả về tài chính, tổ chức, nhân sự', TS. NGUYỄN QUÂN, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, đề xuất.

Mục tiêu cao nhưng khả thi

- Theo ông, đâu là điểm đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57)?

- Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, phát triển khoa học và công nghệ được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Minh chứng điển hình là Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1.11.2012 của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nghị quyết 20) đã xác định khoa học và công nghệ “là quốc sách hàng đầu”; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 tạo hành lang pháp lý cho khoa học và công nghệ phát triển…

 TS. Nguyễn Quân

TS. Nguyễn Quân

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, lần đầu tiên, tại Nghị quyết 57, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được đặt lên ở vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng cùng các giải pháp rất quyết liệt. Chẳng hạn, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử... Đây là mục tiêu rất khó, muốn đạt được đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn.

Bước đột phá thứ hai là Nghị quyết 57 xác định phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Thời gian qua, chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ đều dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc tăng đầu tư theo Nghị quyết 57 sẽ buộc Bộ Tài chính phải cân đối lại ngân sách cho khoa học và công nghệ, qua đó tạo nền tảng cho sự phát triển lĩnh vực quan trọng này.

Đáng chú ý, Nghị quyết 57 đã có đột phá về tư duy trong đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D. Theo đó, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tư duy này đã được đề cập tại Nghị quyết 20, nhưng hơn 10 năm qua gần như chúng ta không làm được điều này. Lần này, Nghị quyết 57 đã quy định rất cụ thể và với sự quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi!

Nghị quyết 57 cũng xác định “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Thực tế ngay với các nước phát triển, các nhà khoa học cũng chấp nhận tỷ lệ thành công chỉ 20 - 30%. Với quy định này chắc chắn sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ khi tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu rất cao; theo ông, cơ sở nào để chúng ta có thể hiện thực hóa các mục tiêu đó?

- Đúng là các mục tiêu Nghị quyết 57 đặt ra khá cao và thách thức, song vẫn có tính khả thi bởi hai lý do quan trọng.

Một là, chúng ta đã có quá trình hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 20 và Luật Khoa học và Công nghệ 2013, tức đã có nền tảng cả về lý luận và thực tiễn; tư duy đổi mới quản lý khoa học công nghệ cũng đã được chuẩn bị và đáp ứng. Một số chỉ tiêu chúng ta đang dần tiệm cận, như với chỉ số TFP hiện đã đạt trên 35%, hay chi ngân sách cho khoa học và công nghệ trên 3% nếu quyết liệt triển khai, chúng ta sẽ đạt được.

Hai là, Nghị quyết 57 nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do trực tiếp Tổng Bí thư làm Trưởng ban; thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta có niềm tin là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ thành công!

Trọng dụng bằng thu nhập là chưa đủ

- Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thể phát triển đột phá nếu thiếu đội ngũ nhà khoa học. Nghị quyết 57 cũng xác định “nhà khoa học là nhân tố then chốt”. Làm thế nào để phát huy nhân tố then chốt này, thưa ông?

- Tôi rất tán thành quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57 khi xác định “nhà khoa học là nhân tố then chốt”, cùng các giải pháp để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai nhiều dự án lớn quan trọng, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khởi động dự án điện hạt nhân, vi mạch bán dẫn, thì nếu không có những nhà khoa học chủ trì để hình thành tập thể khoa học mạnh, chắc chắn chúng ta không thể thành công!

Thực tế, Nghị quyết 20 đã xác định “có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học và công nghệ được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng”. Chính phủ và các bộ liên quan cũng đã có hướng dẫn thi hành, song thực tế chưa làm được, do vướng mắc lớn nhất là bị ràng buộc bởi quy định của nhiều luật khác nhau.

Do vậy, để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ họ tốt hơn. Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng. Song, cần lưu ý rằng, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo (chế độ visa, nhà ở, đi lại cho bản thân họ và gia đình…), tức là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự.

Ví dụ, nhà khoa học được giao chủ trì dự án lớn phải có quyền điều động, thỏa thuận tiền lương với các nhà khoa học trong nước và nhà khoa học là người Việt ở nước ngoài để hình thành tập thể nhà khoa học mạnh; được tham dự các hội nghị khoa học quốc tế, được mua tài liệu, mua công nghệ, mua bằng sáng chế cũng như mua sắm trang thiết bị nghiên cứu phù hợp; được giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, không phải vướng mắc các thủ tục hành chính phức tạp như hiện nay.

Muốn vậy, chúng ta phải rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Viên chức... để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học.

Một việc cần làm ngay để thực hiện cơ chế quỹ là nên dành một tỷ lệ thích đáng kinh phí ngân sách cho hoạt động R&D (ví dụ 10% hoặc 15% trong số 3% tổng chi ngân sách dành cho khoa học, công nghệ) để phân bổ ngay từ đầu năm tài chính cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương mà không yêu cầu phải có danh mục các nhiệm vụ được phê duyệt trước như cách làm hiện nay, qua đó giúp nhà khoa học chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu ngay khi có nhiệm vụ nghiên cứu được đề xuất và đặt hàng.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nha-khoa-hoc-can-duoc-quyen-tu-chu-post400658.html