Nhà khoa học Nhật Bản say mê lịch sử Lạng Sơn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Yoshikawa Kazuki (Đại học Kansai, Nhật Bản) đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Anh là một trong những nhà khoa học nước ngoài thường xuyên có các bài viết nghiên cứu về lịch sử trung đại Việt Nam công bố trong các hội thảo, thông báo Hán Nôm và các tạp chí khoa học ở nước ta. Trong số đó có nhiều bài viết tập trung về Lạng Sơn trên các lĩnh vực như: lịch sử chế độ phong kiến, sự phát triển giao thương ở khu vực biên giới, các dòng họ thổ ty... Đó là kết quả của những tháng ngày miệt mài nghiên cứu, tìm tòi đối sánh tư liệu cũng như trực tiếp khảo sát thực địa tại Lạng Sơn của anh.

PGS.TS Yoshikawa Kazuki (thứ 2, từ phải sang) nghiên cứu tư liệu về dòng họ Hà (một trong Thất tộc thổ ty) tại gia đình ông Hà Hồng (thôn Khòn Khẻ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) năm 2023

PGS.TS Yoshikawa Kazuki (thứ 2, từ phải sang) nghiên cứu tư liệu về dòng họ Hà (một trong Thất tộc thổ ty) tại gia đình ông Hà Hồng (thôn Khòn Khẻ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) năm 2023

PGS.TS Yoshikawa Kazuki sinh ngày 1/3/1988 tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo thuộc miền Trung Nhật Bản. Với lòng yêu thích, say mê lịch sử, năm 2006, anh đã thi và đạt được nguyện vọng vào học tại Trường Đại học Osaka, chuyên ngành Lịch sử Phương Đông - một “cánh cửa” bước vào quá khứ của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi học lên cao học, anh vẫn chọn chuyên ngành này với mong muốn được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về lịch sử của các nước phuơng Đông.

Cơ duyên đưa anh gắn bó với đất nước Việt Nam là vào năm 2010, khi đang học thạc sĩ tại đại học Osaka, anh đã được theo các thầy, cô đến nghiên cứu, khảo sát tại một số địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Ít lâu sau, anh được sang Việt Nam học tiếng Việt tại Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ năm 2012 đến năm 2013). Vừa học tiếng Việt vừa nghiên cứu, những tháng ngày du học ở Việt Nam đã giúp anh Kazuki có vốn tiếng Việt rất tốt và phong phú. Anh có thể đọc, viết, nói tiếng Việt thông thạo như người Việt. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho anh trong quá trình học tập, nghiên cứu, khảo sát và công bố kết quả ở Việt Nam. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Osaka năm 2018, Yoshikawa Kazuki trở thành giảng viên khoa Văn hóa Đông Á, Đại học Kansai (Nhật Bản) từ đó cho đến nay.

Tiếp xúc với PGS.TS Kazuki, mọi người dễ nhận thấy anh có những tố chất rất đặc trưng của người Nhật: giản dị, khiêm nhường, chăm chỉ, chịu khó, say mê với công việc... Khi đến Lạng Sơn, nhận thức được vị thế, tầm quan trọng của một tỉnh miền núi, biên giới đối với bang giao, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, phát triển giao thương thời kỳ trung đại, PGS.TS Yoshikawa Kazuki đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này trong hướng nghiên cứu của mình.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Ngoại vụ Lạng Sơn, những năm sau đó anh đã nhiều lần lên Lạng Sơn khảo sát, tìm kiếm, thu thập tư liệu lịch sử. Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Kazuki cho biết: “Hiện nay, tư liệu liên quan đến tình hình miền núi phía Bắc của Việt Nam thời trung đại rất ít ỏi, hạn chế nên việc sưu tầm, nghiên cứu các nguồn tư liệu đang được lưu giữ tại các địa phương như gia phả, văn bia, sắc phong... là điều hết sực cần thiết. Các tư liệu đó lại không tập trung ở một nơi nào mà tản mát ở nhiều cơ quan, cá nhân khác nhau. Vì vậy tôi đã cố gắng đi khảo sát nhiều nơi để sưu tầm, tập hợp nguồn tư liệu quý giá đó một cách có hệ thống”.

Là người thông thạo Hán Nôm, Yoshikawa Kazuki đặc biệt chú tâm khai thác các nguồn tư liệu này của Lạng Sơn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, các điểm di tích, các dòng họ thổ ty…

Trong thời gian học tập và những lần được phép sang Việt Nam nghiên cứu, anh đã dành nhiều thời gian tiếp cận các thác bản (bản dập) văn bia, văn chuông, gia phả viết bằng chữ Hán trong Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Mỗi khi cần nghiên cứu về một vấn đề lịch sử nào, anh thường tìm kiếm các tư liệu Hán Nôm gốc để minh chứng, làm sáng tỏ vấn đề một cách thuyết phục. Khi biết được thông tin về tư liệu nào đó liên quan tới vấn đề cần nghiên cứu, anh đều không nề hà xa xôi, khó khăn đến tận nơi để tiếp cận, khai thác. Có những lần đi huyện gặp mưa gió, đường trơn, xe hỏng nhưng anh vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại để hoàn thành kế hoạch nghiên cứu của mình.

Được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo, cán bộ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển; Bảo tàng tỉnh, PGS.TS Kazuki đã đến nhiều miền quê ở Lạng Sơn để nghiên cứu các tư liệu gốc liên quan đến tổ chức chính quyền thời Lê - Trịnh, chế độ thổ ty và phiên thần như: gia phả họ Hà (Văn Quan), họ Vi (Lộc Bình và Xuất Lễ, Cao Lộc), họ Nguyễn Đình (Văn Lãng); bia cầu đá Dã Nham (Văn Quan), bia Thủy Môn Đình (Đồng Đăng, Cao Lộc); khu mộ tổ họ Vi ở Khuất Xá (Lộc Bình), chuông chùa Hiển Ứng (Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)…

Để phục vụ việc nghiên cứu hoạt động giao thương ở miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc, anh đã trực tiếp nghiên cứu nhiều di tích, di vật quý có văn tự Hán Nôm của Lạng Sơn như: bia hội quán Na Sầm (Văn Lãng), chuông chùa Thành, bia cầu đá Kỳ Lừa, bia công đức chùa Tam Giáo, bia đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn)…

Ngoài ra anh còn tiến hành khảo sát những địa điểm liên quan đến hoạt động bang giao của Việt Nam với Trung Quốc trên đất Lạng Sơn, tập trung khai thác tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia, thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia để tìm kiếm các tư liệu liên quan. Qua đó đã tập hợp được khối tư liệu rất phong phú về lịch sử trung đại Lạng Sơn nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

Trên cơ sở nghiên cứu thực địa, kết hợp nghiên cứu tư liệu lưu trữ, NCS Kazuki đã thường xuyên công bố các kết quả nghiên cứu mới của mình tại các hội thảo quốc tế và Việt Nam. Hằng năm, anh tích cực gửi bài tham dự hội nghị thông báo Hán Nôm do Viện nghiên cứu Hán Nôm tổ chức. Đồng thời thường xuyên cộng tác, gửi bài viết cho tạp chí khoa học của Nhật Bản và Việt Nam như: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Viện Sử học), Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á), Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đông Phương học (Nhật Bản)…

Trong số 19 công trình nghiên cứu quan trọng đã công bố, có tới 16 bài viết liên quan và tập trung về Lạng Sơn. Phần lớn các bài viết đều giàu tính tư liệu, có nhiều phát hiện và kiến giải mới, rất có ý nghĩa trong việc làm sáng tỏ các vấn đề về lịch sử, văn hóa Lạng Sơn thời Trung đại. Tiêu biểu là các bài viết: Hai quả chuông đúc tại Phật Sơn (Quảng Đông) được lưu giữ ở Lạng Sơn và Cao Bằng” (Thông báo Hán Nôm học năm 2015), “Giao thương nội địa của phía Bắc Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XVII: Tập trung vào trấn Lạng Sơn” (Tạp chí Đông Phương học số 134, năm 2017), “Miền núi phía Bắc Việt Nam và chính quyền Lê - Trịnh vào thế kỷ XVIII: Tập trung vào tù trưởng bản địa ở trấn Lạng Sơn” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 57-1, năm 2019), “Tình hình xã hội và Tù trưởng bản địa ở trấn Lạng Sơn vào thế kỷ XVIII” (Tạp chí Hán Nôm số 164, năm 2021), “Chuyển biến của chính sách cai trị của nhà Nguyễn và thổ ty vào nửa đầu thế kỷ XIX: Tập trung vào tỉnh Lạng Sơn” (Tạp chí Nghiên cứu Sử học số 1022, năm 2022)…

“Lịch sử Việt Nam rất hay và còn nhiều điều thú vị cần nghiên cứu. Mỗi lần đi điều tra thực địa ở Lạng Sơn, tôi sưu tầm được rất nhiều tư liệu lịch sử có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu của cá nhân. Có được những kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của rất nhiều người, nhất là các anh, chị ở Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tốt dự án nghiên cứu của mình. Ước mơ của tôi là mãi mãi nghiên cứu về Việt Nam!”.
PGS.TS Kazuki

Những năm gần đây, mặc dù giảng dạy ở Nhật Bản nhưng mỗi khi có dịp là PGS.TS Kazuki lại sang Việt Nam nghiên cứu hoặc tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học. Mới đây, anh đã đề xuất dự án nghiên cứu “Chiến lược của người dân bản địa và chính sách cai trị của nhà nước ở vùng Đông Bắc Việt Nam vào thế kỷ XVIII - XIX” và đã được Bộ Giáo dục Nhật Bản chấp thuận. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2027. Trong khuôn khổ dự án, năm 2023 và 2024 anh đã đến điều tra, khảo sát ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Trong những năm tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Kazuki cho biết: “Lịch sử Việt Nam rất hay và còn nhiều điều thú vị cần nghiên cứu. Mỗi lần đi điều tra thực địa ở Lạng Sơn, tôi sưu tầm được rất nhiều tư liệu lịch sử có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu của cá nhân. Có được những kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của rất nhiều người, nhất là các anh, chị ở Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tốt dự án nghiên cứu của mình. Ước mơ của tôi là mãi mãi nghiên cứu về Việt Nam!”.

Với Lạng Sơn, PGS.TS Kazuki đã dành cho miền đất biên viễn nhiều tâm huyết cùng những tình cảm sâu nặng. Những kết quả nghiên cứu của anh đã cung cấp thêm những tư liệu quý góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Lạng Sơn trong lịch sử phát triển đất nước, từng bước làm sáng rõ nét đặc trưng, khác biệt của lịch sử, văn hóa Lạng Sơn - miền đất “địa đầu”, “cửa ngõ” thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Ngân Hà

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/mot-nha-khoa-hoc-nhat-ban-say-me-lich-su-lang-son-5032535.html