Đặc sắc chương trình nghệ thuật 'Âm vang Mê Linh'

Chương trình nghệ thuật 'Âm vang Mê Linh' được tổ chức mở màn tại Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra sáng 3-2 mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tôn vinh mảnh đất Mê Linh - nơi khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức tại Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Tuyền

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức tại Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Tuyền

Sáng 2-2, thông tin từ UBND huyện Mê Linh cho biết, Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025 diễn ra sáng 3-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng.

Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ: Tổ chức kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dâng hương, mít tinh kỷ niệm Ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.

Tại lễ hội, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức mở màn vào sáng 3-2 mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tôn vinh mảnh đất Mê Linh - nơi khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Chương trình nghệ thuật tái hiện sinh động câu chuyện lịch sử của Hai Bà, từ tuổi thơ học chữ, luyện võ... đến khi nuôi chí lớn, tạo sự kết nối từ những giá trị truyền thống đến tinh thần quật cường của dân tộc.

Hình ảnh đoàn rước kiệu tại Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Thanh Tuyền

Hình ảnh đoàn rước kiệu tại Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Thanh Tuyền

Trước đó, từ ngày 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi).

Từ trong sân đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là "giao kiệu".

Cùng thời điểm này, từ đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành Hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung - một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi đi đến ngã tư cổng đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về đình làng (với ý nghĩa: Hai Bà Trưng kinh lý về thăm quê hương). Đoàn rước kiệu về đến cổng đình làng thì kiệu bà Trưng Nhị dừng lại sang bên phải đường để kiệu bà Trưng Trắc đi vào sân đình trước (giao kiệu).

Trong quá trình lễ rước kiệu, nhiều lần đội hình rước kiệu dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả bốn cỗ kiệu. Động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu của bốn cỗ kiệu được thực hiện không đồng thời mà tiếp nối nhau, nên nếu nhìn tổng thể sẽ thấy hình ảnh các cỗ kiệu nhấp nhô tựa thân hình con rồng đang uốn lượn, hòa quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng của dàn nhạc bát âm cung đình rộn rã và uy linh.

Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra từ ngày 3 đến hết ngày 7-2 (từ ngày mùng 4 đến hết mùng 10 tháng Giêng) với hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao phục vụ nhân dân, du khách tham quan...

Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dac-sac-chuong-trinh-nghe-thuat-am-vang-me-linh-692111.html