Nhà kinh tế cảnh báo thuế quan của Hoa Kỳ có thể gây ra suy thoái toàn cầu nghiêm trọng
Mỹ tăng thuế mạnh tay, nguy cơ lặp lại Đại khủng hoảng 1930 - lạm phát leo thang, thương mại toàn cầu chao đảo, USD suy yếu.
Việc chính quyền Hoa Kỳ thúc đẩy chính sách “thuế quan đối ứng” có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tương tự như cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Đây là cảnh báo được đưa ra bởi ông Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại ngân hàng đầu tư BOCI China.

Hình minh họa tàu hàng trên biển. Ảnh: Getty
Việc Mỹ đồng loạt tăng thuế nhập khẩu dự kiến sẽ khiến lạm phát tại nước này gia tăng trong ngắn hạn. Về dài hạn, nếu chính sách thuế của Washington kích hoạt một cuộc chiến thương mại toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chững lại", ông Guan nhận định trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với China Daily, chỉ một ngày sau khi chương trình thuế quan mới được công bố.
Ông cũng cảnh báo rằng, sau khi tăng vọt trong ngắn hạn, lạm phát tại Mỹ có thể giảm mạnh, kéo theo tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy yếu. “Trong kịch bản đó, không thể loại trừ khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào tình trạng tương tự như cuộc Đại khủng hoảng hồi thập niên 1930", ông Guan, người từng là lãnh đạo Cục Cán cân Thanh toán thuộc Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, nhấn mạnh.
Nhà kinh tế này đã so sánh động thái hiện nay của Mỹ với Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, vốn đã nâng mạnh thuế nhập khẩu của Mỹ. Đạo luật này sau đó khiến các đối tác thương mại lớn của Mỹ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, dẫn đến sự sụp đổ của thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc Đại khủng hoảng.
Hiện tại, thị trường tài chính cũng đang phản ánh những lo ngại về suy thoái. Ông Guan chỉ ra rằng kỳ vọng của nhà đầu tư về một đợt suy giảm kinh tế tại Mỹ đã khiến đồng USD suy yếu, do thị trường dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, sự biến động của đồng bạc xanh vẫn đang ở mức cao, và đồng USD có thể phục hồi nếu thị trường chuyển hướng quan tâm sang áp lực lạm phát tại Mỹ, từ đó làm giảm kỳ vọng về việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.
Về lâu dài, chính sách “thuế quan đối ứng” của Mỹ có thể làm suy yếu vai trò toàn cầu của đồng USD. “Để cung cấp thanh khoản đồng USD cho thế giới, Mỹ buộc phải chấp nhận thâm hụt thương mại", ông Guan phân tích.
“Nếu Washington tìm cách thu hẹp thâm hụt bằng cách áp thuế, dòng lưu thông USD trên toàn cầu sẽ bị siết chặt, ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của đồng tiền này".
Ông Guan cũng cho rằng niềm tin vào đồng USD đang bị xói mòn. “Năm ngoái, cả vàng và USD đều tăng giá. Nhưng năm nay, vàng tiếp tục đi lên trong khi USD suy yếu. Điều này cho thấy một số đồng minh của Mỹ có thể đang âm thầm điều chỉnh chiến lược tài chính của họ".
Đối với đồng Nhân dân tệ (NDT), ông Guan nhận định rằng dù đã suy yếu sau khi chương trình thuế mới của Mỹ được công bố, đồng tiền này nhìn chung vẫn giữ được sự ổn định so với USD.
Diễn biến của NDT trong tương lai sẽ phụ thuộc vào chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cũng như các biện pháp điều hành tỷ giá của Ngân hàng Trung ương nước này. “Đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đánh giá rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về sự ổn định", ông Guan nhận định.