Nhà 'ma ám' hàng chục năm không tìm được chủ ở Hong Kong
Căn hộ nơi phát hiện thi thể Abby Choi và những ngôi nhà từng xảy ra các vụ án rúng động không thể tìm thấy người mua, bất chấp chủ nhà giảm giá mạnh.
Đầu tháng 2, chủ căn hộ nhỏ ở ngôi làng yên tĩnh Lung Mei Tsuen (Tai Po, Hong Kong) đã tìm được một người thuê nhà sẵn sàng trả 10.000 HKD (1.273 USD)/tháng.
Gần hai tuần sau, tin tức về vụ sát hại dã man người mẫu Abby Choi Tin-Mung (28 tuổi) đã lan truyền khắp nơi. Các chi tiết kinh hoàng, như thi thể bị chặt thành nhiều mảnh, khiến cư dân mạng khiếp sợ.
Xương người và dụng cụ đồ tể được tìm thấy tại căn hộ trong làng cho thấy đây là nơi thi thể Choi bị phân nhỏ để phi tang. Chồng cũ của Choi, anh trai và cha mẹ của hắn đều đã bị bắt vì liên quan đến vụ giết người.
Trong khi dân làng Lung Mei Tsuen tổ chức cầu nguyện để xoa dịu linh hồn Choi, một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu có ai còn dám sống ở trong căn hộ đó hay không?
Theo SCMP, ở Hong Kong, những bất động sản liên quan đến giết người, tự tử và các vụ bi kịch thường được gọi chung là "ngôi nhà ma ám". Tiếng tăm về chúng tồn tại trong một thời gian dài, không chỉ làm giảm giá thuê, giá bán tiềm năng mà còn ảnh hưởng đến các căn hộ lân cận.
Ám ảnh mãi mãi
Joseph Ng Goon-lau được mệnh danh là "vua của những căn hộ ma ám" vì đã mua và bán hàng chục bất động sản liên quan đến những cái chết bất thường kể từ năm 1993. Joseph Ng cho biết chủ nhà không thể làm gì để thay đổi những thiệt hại đã xảy ra.
"Mọi người đều có một ký ức sống động về một vụ giết người. Nó sẽ tồn tại mãi mãi", nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu nói.
Joseph Ng nói rằng ông tránh những căn hộ có liên quan đến vụ án giết người vì chúng khó bán nhất. Đối với các bất động sản "ma ám" khác, đây là công thức của ông: "Đầu tiên, bạn giảm mức giá. Sau đó, chờ người đến chọn nó".
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu gần 900 ngôi nhà có người chết bất thường, phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian 16 năm, giá trị của chúng giảm trung bình 25% mà không có dấu hiệu phục hồi.
Kiểm tra các giao dịch bất động sản từ năm 2000 đến 2015, họ phát hiện các căn hộ khác trên cùng một tầng đã giảm giá trị 9% và những ngôi nhà trong cùng tòa nhà có thể mất giá 6%.
Vincent Cheung Kiu-cho, giám đốc điều hành của Vincorn Consulting and Appraisal, cho biết các căn hộ "ma ám" thường được bán với giá chiết khấu cao 30% so với giá thị trường, những căn hộ liên quan đến tội phạm khét tiếng hơn có giá giảm một nửa.
"Nói chung, những căn hộ có lịch sử ít kinh khủng hơn có thể được bán sau vài năm. Những nơi xảy ra vụ án chấn động cũng có thể được bán, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn", ông nói.
Phải mất 10 năm sau vụ án giết người vào năm 1998, căn hộ tư nhân ở Vịnh Kowloon mới được bán. Một căn hộ Kornhill ở Vịnh Quarry có liên quan đến vụ án giết người những năm 1980 đã đổi chủ trước năm 1990, nhưng sau đó không có người mua.
Các căn hộ lân cận đã được bán dưới giá trị thị trường ngay cả trong những năm gần đây.
Can đảm để có món hời
Người mua cần can đảm để đạt được một món hời.
Sammy Po Siu-ming, Giám đốc điều hành bộ phận dân cư của Midland Realty tại Hong Kong và Ma Cao, cho biết các ngân hàng thận trọng khi cho vay đối với những bất động sản như vậy vì rất khó để bán ra nếu thu hồi căn hộ.
Nhà đầu tư Joseph Ng cho biết sau khi bị ngân hàng từ chối cho vay, ông đã chuyển sang giao dịch chỉ nhận tiền mặt khi mua. Ông kể một lần ngân hàng cho vay thế chấp, ông phải xuất trình giấy chứng tử để chứng minh một người tự tử đã chết trong bệnh viện chứ không phải tại căn hộ mà ông đang mua.
Ông cho biết những căn hộ mình cho thuê không thiếu khách vì luôn giảm giá. Họ bao gồm những người Hong Kong không phải là người gốc Trung Quốc, người nước ngoài và sinh viên Trung Quốc đại lục.
Một trong những người thuê nhà của Joseph Ng, người chỉ tiết lộ họ của mình là Chan, biết rằng đã có một vụ tự tử tại căn hộ ở quận phía đông mà anh và gia đình chuyển đến.
Giảm giá tiền thuê nhà là một lợi thế lớn, nhưng Chan thừa nhận đã có những nỗi sợ hãi khi mới chuyển đến.
"Có lần mấy cánh cửa sổ tôi nhớ đã đóng bỗng mở ra, còn những cái đang mở thì đóng sầm lại. Sau đó tôi mới phát hiện là thời tiết gió mùa gây ra. Hóa ra tôi đang tự dọa mình", Chan kể, nói rằng đã gạt bỏ những nỗi sợ của mình về căn nhà.
Những với những căn hộ cộng đồng cho thuê có lịch sử đen tối, câu chuyện hoàn toàn khác. Khi những người đăng ký thuê phải đợi tới 5,5 năm để có được một căn hộ tính đến tháng 12/2022, không thiếu những người sẵn sàng nhận.
Các căn hộ cho thuê bỏ trống có lịch sử xảy ra “những sự cố khó chịu” - bao gồm giết người, chết tự nhiên, đòi nợ và gây phiền toái - được cung cấp cùng với những căn hộ kém hấp dẫn khác theo Chương trình Phân bổ Căn hộ Nhanh.
Một số căn hộ được giảm giá thuê nửa tháng trong một thời gian nhất định.
Có 1.156 căn hộ như vậy vào năm ngoái, trong đó có 6 căn hộ liên quan đến các vụ giết người. Họ đã thu hút hơn 40.000 đơn đăng ký vào tháng 9/2022, theo Bộ Nhà ở.
Nhân viên nội thất Zack Chan (32 tuổi) đã tìm được một căn hộ ở Tsz Wan Shan sau 10 năm xếp hàng chờ đợi, với tư cách là người nộp đơn sống một mình và không phải là người lớn tuổi.
Các quan chức nhà ở nói với anh ta rằng ai đó đã treo cổ tự tử trong nhà vệ sinh của căn hộ, nơi được sửa sang lại hoàn toàn khi anh chuyển đến vào tháng này.
Chan cho biết lịch sử không làm anh bận tâm vì đức tin Cơ đốc giáo và anh cũng từng sống gần nghĩa trang. Anh ấy thích căn hộ vì vị trí của nó ở Kowloon và diện tích lớn hơn một chút.
"Căn hộ hoàn toàn mới với nước sơn và những cánh cửa được thay thế. Nếu bạn không nói với mọi người những gì đã xảy ra ở đây, bất cứ ai bước vào sẽ nói điều này thật tuyệt", Chan bày tỏ.