Nhà máy đường ở miền Tây tiếp tục dừng sản xuất, lỗ 20 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) vừa thông qua phương án tạm dừng hoạt động của nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2024-2025. Đây là niên vụ thứ 2 liên tiếp nhà máy này dừng sản xuất, do thiếu vùng nguyên liệu mía.

Phương án tiếp tục tạm dừng hoạt động Nhà máy đường Phụng Hiệp (TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đưa ra theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, do thiếu nguyên liệu.

Báo cáo kết quả đầu tư nguyên liệu và phương án sản xuất vụ 2024-2025 của CASUCO cho thấy, diện tích mía nguyên liệu theo kế hoạch trong niên vụ 2024-2025 khoảng 700 ha, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 245ha (bằng 35% diện tích kế hoạch).

Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) tiếp tục dừng sản xuất. Ảnh: CK.

Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) tiếp tục dừng sản xuất. Ảnh: CK.

Theo công ty này, nguyên nhân diện tích mía nguyên liệu không đạt kế hoạch do việc người dân trồng mía chuyển dần sang trồng bán nước (bán ép nước mía), thay vì bán cho nhà máy đường như trước. Dẫn tới thời điểm xuống giống dàn trải đều trong năm, không còn tập trung vào một vụ cao điểm như trước đây. Do đó, chính sách đầu tư vụ 2024-2025 ban hành đầu năm 2024 không bao quát hết toàn bộ diện tích trồng mía mới trong vùng nguyên liệu.

Mặt khác, do sản lượng mía ít nên việc huy động phương tiện vận chuyển về nhà máy sẽ gặp khó khăn, không đủ công suất tối thiểu 2.300 - 2.500 tấn mía/ngày, không bù đắp đủ chi phí đưa ghe từ địa phương khác đến chở mía, chưa kể thời gian chờ gom mía. Vụ sản xuất của nhà máy cũng trùng với thời điểm thu hoạch lúa nên việc huy động ghe về hoạt động trong thời gian ngắn cũng rất khó khăn…

Trước đó, tháng 10/2023, CASUCO cũng phải tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2023-2024. CASUCO thực hiện triển khai chính sách đầu tư vụ 2024-2025 để cơ cấu lại vùng nguyên liệu nhằm đưa nhà máy hoạt động trở lại, được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ, nhưng diện tích mía ký hợp đồng nguyên liệu vẫn không đạt mục tiêu. Người dân vẫn ưu tiên bán mía nước, bán cho nhà máy ở Long An, Tây Ninh với mức giá cao hơn.

Theo kịch bản sản xuất vụ 2024-2025, HĐQT CASUCO trình cổ đông công ty 2 phương án. Phương án 1, vẫn duy trì hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2024-2025, giá mía nguyên liệu bằng thị trường (tối thiểu từ 1.430-1.550 đồng/kg), công suất từ 2.300-2.500 tấn mía/ngày; kèm các dự báo về lợi nhuận, giá mua - bán... nhà máy càng hoạt động càng lỗ.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: CK.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: CK.

Với việc chọn phương án 2 là tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2024-2025, CASUCO chấp nhận mức lỗ tối thiểu hơn 20,3 tỷ đồng. Công ty xây dựng phương án tiêu thụ hơn 29.400 tấn mía đã ký hợp đồng đầu tư, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị nhà máy để hoạt động lại ở vụ sau... chi phí ước hơn 5,3 tỷ đồng. Từ phân tích trên, phương án 2 đã được chọn.

Cùng với nhà máy đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trước đây cũng có 2 nhà máy đường khác, nhưng đã đóng cửa nhiều năm. Cây mía từng là cây "xóa đói giảm nghèo" của tỉnh này với diện tích thời hoàng kim lên tới 15.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây mía không còn nằm trong danh mục cây trồng chủ lực của địa phương.

Được biết, trong vụ sản xuất mía năm nay, nông dân trồng mía tỉnh Hậu Giang xuống giống hơn 3.200ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TP. Ngã Bảy, hiện đã thu hoạch khoảng 1.000ha, chủ yếu là bán mía làm nước giải khát, với mức giá dao động từ 1.200-1.500 đồng/kg.

Theo tính toán của nông dân, với năng suất khoảng 100-110 tấn/ha, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận mang về khoảng 30-40 triệu đồng/ha. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đối với cây mía sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, đồng thời, tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp chuyển đổi giống mía có năng suất, chất lượng...

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-may-duong-o-mien-tay-tiep-tuc-dung-san-xuat-lo-20-ty-dong-post1668889.tpo