Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long: Người của những khoảnh khắc lịch sử
Trong cuộc đời mình, tôi luôn ghi nhớ và trân trọng những kỷ niệm về nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - một đồng nghiệp đàn anh, một nhân cách, một tài năng lớn. Hình ảnh ông luôn để lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi.
Ông là con người của những khoảnh khắc lịch sử, của những hình tượng có sức khái quát cho cả một thời kỳ. Hai trong số những khoảnh khắc ấy đã giúp ông có hai tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng là “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”. Đây là hai tác phẩm ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, năm 1996.

Bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long.
Về bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn”, tôi đã được nghe chính nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long kể lại khi chúng tôi cùng nhau rong ruổi nhiều ngày trong mùa Xuân 1975. Bức ảnh ấy được ông chụp vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, năm 1961. Hôm ấy, tại công viên Bách Thảo diễn ra chương trình hòa nhạc chào mừng Đại hội. Khi Bác Hồ xuất hiện cùng các vị khách quốc tế, mọi người đều rất vui mừng hồ hởi. Lâm Hồng Long kể rằng: “Khi Bác Hồ bước lên bục, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, người cầm máy nào cũng biết đây là một cơ hội tuyệt vời. Tất cả các phóng viên đều tìm chỗ đứng ở cùng phía với các nhạc công để chụp Bác. Ở góc ấy, hình ảnh Bác rất sinh động và có nhiều thời khắc bấm máy. Nhưng góc chụp ấy có một nhược điểm là ngoài hình ảnh Bác ra, trong khuôn hình chỉ thấy được phía sau các nhạc công”.
“Vì muốn trong khuôn hình có Bác và có cả gương mặt các nhạc công, tôi di chuyển ra phía sau lưng Bác và hy vọng vào khoảnh khắc nào đó Bác sẽ quay lại. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, tính toán khuôn hình, đèn máy sẵn sàng. Và khoảnh khắc ấy đã đến. Bác quay lại phía tôi, gương mặt tươi cười, đũa chỉ huy vung cao. Cùng với hình ảnh Bác là gương mặt các nhạc công đang trong giây phút biểu diễn thăng hoa nhất. Tôi bấm máy và với linh cảm của một người làm nghề, tôi tin rằng mình đã có một hình ảnh tuyệt vời” - nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long kể.

Bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long.
Quả đúng như vậy. Bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã trở thành một biểu tượng lịch sử về hình ảnh lãnh tụ vĩ đại, có sức khái quát lớn và trường tồn với thời gian. Tài năng, kinh nghiệm, sự linh cảm và cả sự may mắn đã giúp ông đón được khoảnh khắc tuyệt vời mà trong đời cầm máy không mấy ai có được. Tác phẩm ấy đã ghi tên tuổi Lâm Hồng Long như là một nhà nhiếp ảnh bậc thầy.
Mùa Xuân 1975, tôi có dịp cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long vào Huế và Đà Nẵng ngay trong những ngày đầu tiên giải phóng. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.
Chúng tôi đã có mặt ở Huế trong ngày đầu giải phóng. Nhìn thấy Phu Văn Lâu, sông Hương, cầu Tràng Tiền... trải ra trước mắt, tôi cứ nghĩ như trong một giấc mơ. Mọi người chia nhau đi các hướng, đến chợ Đông Ba, chạy dọc hai bờ sông Hương, rồi vòng về khu An Cựu, qua khu Vĩ Dạ, ngược lên phía cầu Bạch Hổ rồi vào thành nội... Vừa đi chúng tôi vừa chụp ảnh, phỏng vấn và dừng lại những điểm cần thiết để có thêm tư liệu. Về đến Phu Văn Lâu, tôi ngồi ngay trên bậc thềm viết bài “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay”. Trong khi ấy, Lâm Hồng Long tiếp tục chụp ảnh ở khu vực Ngọ Môn. Những hình ảnh và bài viết của tôi kịp thời chuyển về Đông Hà, rồi chuyển ra Hà Nội. Đó là những thông tin đầu tiên về Huế giải phóng.
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam quyết định thành lập Tổ phóng viên mũi nhọn, tiếp tục đi theo cánh quân phía Đông vào phía Nam. Tổ trưởng là nhà báo Vũ Tạo, một phóng viên ảnh giàu kinh nghiệm. Trong tổ có các phóng viên ảnh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái và tôi. Chúng tôi đi dọc miền Trung theo bước chân thần tốc của các chiến sĩ, vừa hành quân vừa chụp ảnh, viết bài, phát thông tin về Hà Nội. Chúng tôi đi. Một chuyến đi có một không hai trong đời người.
Sau giải phóng ít ngày, Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng cử Lâm Hồng Long và tôi đi Vũng Tàu. Các chiến sĩ từ nhà tù Côn Đảo vừa được đón về đấy. Chúng tôi cần có mặt ngay. Cuộc gặp gỡ các chiến sĩ từ Côn Đảo trở về rất xúc động. Tôi tìm hiểu kỹ quá trình nổi dậy của các chiến sĩ trên hòn đảo trở thành một nhà tù khét tiếng này và viết bài “Nổi dậy từ hầm sâu Côn Đảo”, phản ánh sự dũng cảm, mưu trí của hàng ngàn tù nhân, chủ động vừa đấu tranh, vừa thuyết phục các binh lính Sài Gòn, đứng lên làm chủ Côn Đảo khi lực lượng từ đất liền còn chưa ra đến nơi.
Chúng tôi ở ngay trong những lều bạt dựng cấp tốc để đón các chiến sĩ Côn Đảo. Một buổi trưa, tôi đang ngồi ghi chép những tư liệu thì Lâm Hồng Long từ ngoài lều chạy vào, gương mặt rất xúc động, phấn khích. Ông nói với tôi không giấu được niềm vui: Mai Hưởng ạ, mình vừa chụp được một cảnh hai mẹ con tử tù gặp nhau, rất xúc động!
Sau đó, tôi hỏi chuyện thì biết ông đang đi trong khu đón tiếp với chiếc máy Rolleiflex, loại máy ảnh ngắm thẳng với phim cỡ 6x6. Rất bất ngờ ông gặp cảnh một bà mẹ miền Tây tìm gặp được con mình là tử tù Côn Đảo vừa trở về. Anh Lê Văn Thức là một chiến sĩ hoạt động bí mật, bị giam ở Côn Đảo đã mấy năm. Nghe tin Đài phát thanh có đoàn tù từ Côn Đảo trở về, mẹ anh từ Bến Tre lặn lội ra Vũng Tàu tìm con. Sau bao năm cách biệt tưởng không còn gặp lại, mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc. Giây phút xúc động của bà mẹ gặp lại con đúng là lúc nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long có mặt. Không chần chừ, ông bấm luôn một lúc cả 12 kiểu phim từ các góc độ khác nhau. Bức ảnh nổi tiếng, là biểu tượng cho Mùa xuân sum họp, Mùa xuân thống nhất 1975 được chọn ra từ trong 12 kiểu phim đặc biệt đó. Lịch sử cũng đã trao cho ông, một người phóng viên quê hương miền Nam, sau bao năm xa cách trở về quê hương có cơ hội ghi lại hình ảnh đó.

Nhà báo Lâm Hồng Long (giữa) và các nhà báo Trần Mai Hưởng (trái), Hoàng Thiểm qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, 29/3/1975.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1925 tại Phước Lộc, thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận ), mất ngày 21/3/1997 tại TPHCM. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở miền Nam từ khi còn trẻ, từng bị bắt và tù đày. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Lâm Hồng Long là một nhà báo, một nghệ sĩ lớn. Ông cũng là một người hết mực khiêm nhường, đức độ, một gương mặt nổi bật trong đội ngũ những nhà nhiếp ảnh tài năng, tâm huyết của Thông tấn xã Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của ông cho sự nghiệp thông tấn, nhiếp ảnh báo chí nước nhà.