Nhà ở xã hội cũ tại Hà Nội bất ngờ tăng giá hàng tỷ đồng
Nguồn cung khan hiếm đã khiến giá phân khúc nhà ở xã hội đã qua sử dụng tại Hà Nội có xu hướng tăng cao.
Chị Trần Thị Minh (sinh sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mức lương hiện tại của cả hai vợ chồng chị vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Do đó phải tích lũy rất nhiều năm, vợ chồng chị mới có thể mua được một căn nhà ở xã hội thời điểm này.
Cũng theo chị Minh, một căn hộ rộng 67m2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm (quận Hoàng Mai) năm 2015 mở bán chỉ khoảng 1 tỷ đồng/căn, tương đương với khoảng 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên sau 9 năm, nhiều căn hộ tại đây đang được rao bán với mức giá hơn 50 triệu đồng/m2 khiến nhiều người choáng váng.
"Mức lương hiện tại của vợ chồng tôi hiện khó có thể mua được một căn nhà ở xã hội, nếu muốn mua thì phải vay mượn thêm bạn bè, người thân. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi giá căn nhà ở xã hội đã sử dụng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang rao bán hơn 50 triệu đồng/m2, ngang ngửa chung cư thương mại" - chị Minh nói.
Cũng bất ngờ vì giá nhà ở xã hội tăng cao, anh Nguyễn Hồng Quang (sinh năm 1989, quê ở Hà Nam) cho biết, năm 2022, gia đình anh có mua căn hộ cũ 67m2, 2 phòng ngủ tại dự án nhà ở xã hội cũ The Vesta Phú Lãm (Hà Đông) với giá 23 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay nhiều căn nhà ở xã hội cũ tại đây đang rao bán từ 35-45 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Anh Quang chia sẻ thêm, năm 2018, dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm mở bán chỉ có giá khoảng 15 triệu đồng/m2. Tính từ đó đến nay, giá căn hộ ở đây đã tăng hàng tỷ đồng/căn.
Thực tế việc giá nhà ở xã hội tăng cao sau nhiều năm sử dụng cũng xuất hiện tại nhiều dự án khác trên địa bàn Hà Nội. Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 quy định, người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Hơn nữa, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định, sau thời hạn 5 năm kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, bên mua nhà ở xã hội được bán lại theo cơ chế thị trường cho đối tượng có nhu cầu nếu đã được cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 cho thấy, tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, giai đoạn đến năm 2025.
Có thể thấy số lượng nhà ở xã hội hoàn thành mới đạt mức thấp so với mục tiêu đặt ra. Chưa kể từ nay đến năm 2025, Hà Nội dự kiến hoàn thành thêm 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu của người dân.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhấn mạnh, để gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường, cần phải có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội.
Từ đó, khắc phục bất cập trong quy trình xử lý thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia, đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội.
Chuyên gia cho rằng, các nhóm đối tượng như cán bộ, công chức, công nhân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và những người lao động tại đô thị là những đối tượng có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, cần được ưu tiên hàng đầu về nhà ở.