Nhà sản xuất Pháp chia sẻ kinh nghiệm cho cho đạo diễn Việt mới vào nghề
Nhà sản xuất Pháp Leonard Haddad chia sẻ kinh nghiệm về kinh nghiệm thuyết trình phim, thông qua khóa học ngắn dành riêng cho các ý tưởng độc đáo từ Việt Nam, trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng.

Học viên thuyết trình ý tưởng phim tại lớp . (Ảnh: BTC)
Từ dự án trên giấy đến bộ phim hoàn chỉnh là một hành trình dài và nhiều chông gai. Người làm phim không chỉ cần cái nhìn sâu sắc về thị trường, mà còn cả kỹ năng để quảng cáo về ý tưởng của mình.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần 3 có chương trình "Vườn ươm dự án," với lớp Genre Films Project (Dự án phim đa thể loại) dành riêng cho nhà làm phim Việt. Giảng viên là hai nhà sản xuất Pháp và Hàn Quốc, trong đó ông Leonard Haddad từ Pháp đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giới thiệu và phát hành phim châu Á tại nước mình.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc với ông Haddad để hiểu thêm góc nhìn thị trường châu Âu, cũng như những kiến thức giúp đạo diễn Việt tăng cơ hội được đầu tư làm phim và phát hành phim.
Lỗi thường mắc của đạo diễn mới
- Đến với các học viên trong chương trình "Vườn ươm dự án," ông chia sẻ những kinh nghiệm gì?
Nhà sản xuất Leonard Haddad: Tại DANAFF tôi nghĩ mình và nhà sản xuất Kim Young Min từ Hàn Quốc sẽ đưa ra những góc nhìn rất khác nhau, để giúp một dự án Việt Nam đến được với phần còn lại của châu Á hoặc đến châu Âu. Bởi mỗi thị trường có những góc nhìn khác nhau, kỳ vọng khác nhau và hệ sinh thái điện ảnh cũng khác.
Tất nhiên, điện ảnh là điện ảnh, nhưng bạn sẽ có những thứ rất địa phương và những thứ rất quốc tế. Các liên hoan phim ở Pháp hay châu Âu nói chung cũng sẽ có hình dung riêng về điện ảnh châu Á và Việt Nam. Vì vậy tại chương trình này, tôi chia sẻ về chuyên môn của mình về kỹ năng giới thiệu dự án, cách định hình một dự án, đặc biệt là khi còn sơ khởi.

Ông Leonard Haddad tại lớp học của "Vườn ươm dự án." (Ảnh: BTC)
Tôi đã nhiều năm viết về điện ảnh châu Á và hiện đang đứng đầu bộ phận phim châu Á tại Metropolitan Filmexport - một công ty sản xuất và phân phối phim tại Pháp.
Việc của tôi là giới thiệu phim châu Á cho khán giả Pháp. Từ phim Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, bây giờ có thể là phim Việt Nam, chúng tôi đều phải định hình thị trường ở Pháp để mang đến những tiếng nói mới, những tác giả mới, ý tưởng mới và quốc gia mới.
Việc này không đơn giản vì vốn không có nhiều chỗ cho phim Việt Nam. Bạn không thể phát hành 20 bộ phim Việt Nam tại Pháp mỗi năm, vì vậy, cứ hai năm chúng tôi sẽ giới thiệu một bộ phim. Khó nhưng đó là một thử thách thú vị để chinh phục.
Hiện Leonard Haddad phụ trách mua bản quyền và phát triển dự án tại Davis Films (hãng sản xuất các phim "tỷ đô/triệu đô" "Silent Hill," "Resident Evil," "The Crow" remake) và Metropolitan Filmexport (phát hành các tựa trên tại Pháp). Ngoài ra ông đã có hơn 20 năm làm phê bình. Thông qua tiếp cận với dự án tại DANAFF, Leonard Haddad có thể trở thành "cha đỡ đầu" của phim Việt Nam mà ông thấy tiềm năng và phù hợp.
- Đâu là lỗi mà hầu hết các đạo diễn trẻ, đạo diễn mới đều dễ mắc phải khi giới thiệu và chào mời dự án của mình, thưa ông?
Nhà sản xuất Leonard Haddad: Nếu chỉ mới viết dự án trên giấy, bạn không thể biết người khác sẽ hiểu ý tưởng của bạn theo hướng nào. Bởi để hiểu chính ý đồ của người làm phim thông qua ngôn ngữ điện ảnh là điều không đơn giản. Có khi ý tưởng được hiểu theo một cách trái ngược hoàn toàn,
Khi trình bày ý tưởng, tôi không chỉ kể lại câu chuyện. Tôi thể hiện nó. Người nghe cần cảm nhận được cảm xúc và đam mê của tôi dành cho dự án đó.”
Đạo diễn Steven Spielberg (phim Công viên kỷ Jura, Danh sách của Schindler)
Vì vậy khi có một ý tưởng, bạn phải biết cách trình bày và thể hiện nó thật tốt. Và để biết cách quảng cáo thì bạn phải có cảm nhận thật tốt, gần như thành bản năng, về cách mọi người tiếp nhận.
Thậm chí ngay cả việc nói về nó thôi cũng cần được điều chỉnh và trau chuốt để ý tưởng được truyền tải tốt nhất. Bạn với tư cách người thuyết trình phải truyền đạt được suy nghĩ của mình cho các nhà tài trợ, với nhà sản xuất, rồi khi là đạo diễn thì phải truyền tải tới khán giả thông qua bộ phim.
Mọi công đoạn cần được căn chỉnh để nằm trên cùng một đường thẳng, bạn phải làm tốt nhất có thể ở mỗi công đoạn để ý tưởng của mình được truyền tải một cách trọn vẹn nhất. Chúng tôi với nhiều năm của những người làm việc trong thị trường phim ảnh và từ góc nhìn của nhà sản xuất, sẽ cung cấp kinh nghiệm và góc nhìn này.
Dùng điện ảnh xóa bỏ định kiến
- Ông thấy người dân Pháp nhìn nhận như thế nào về điện ảnh châu Á mà cụ thể là điện ảnh Việt Nam?
Nhà sản xuất Leonard Haddad: Tôi rất tiếc phải chia sẻ rằng ở chúng tôi vẫn tồn tại một góc nhìn “hương xa” (exotic) và định kiến về châu Á. Chẳng hạn nhắc tới Việt Nam là chúng tôi nghĩ đến thiên nhiên, nông nghiệp, trang phục truyền thống…
Nó cũng giống như cách khán giả Việt Nam có cái nhìn “hương xa“ tương tự về châu Âu. Chẳng hạn nhắc tới Pháp bạn sẽ lập tức hình dung ngay những con phố Paris với nhạc công chơi đàn accordion hay chủ nghĩa lãng mạn… Sẽ có những hình ảnh được khắc họa thường xuyên, từ năm này qua năm khác, tạo ra một số hình dung cố định ở nhiều thế hệ.

Điện ảnh có thể giúp định kiến nặng nề hơn, hoặc góp phần gỡ bỏ nó. (Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko)
Ở Pháp, chúng tôi rất cởi mở với mọi nền văn hóa, nhưng cùng lúc cũng vẫn rất bảo thủ. Vì vậy chúng tôi với tư cách là nhà phân phối không chỉ cung cấp những gì khán giả thích xem, mà còn nỗ lực để phá vỡ những định kiến và khuôn mẫu sáo rỗng (cliché) sẵn có, cho phép những tiếng nói mới xuất hiện.
- Phải chăng sự đa dạng chính là điều mà ông và đồng nghiệp hướng tới?
Nhà sản xuất Leonard Haddad: Đúng vậy. Là người làm phim, các bạn cũng hãy cố gắng đa dạng nhất có thể.
- Vậy ông có lời khuyên nào cho các các nhà làm phim trẻ và mới tại Việt Nam trên con đường trở thành đạo diễn không?
Nhà sản xuất Leonard Haddad: Tôi nghĩ các bạn cần có hai cách nhìn nhận vấn đề. Một là nghĩ rằng mình có thể nhận được một "tấm vé số" may mắn, tức là cơ hội làm phim. Hai là sẽ có một làn sóng các nhà làm phim mới nổi và tôi nghĩ đây là cách nhìn đáng khuyến khích.

Thị trường địa phương phát triển mạnh mẽ là một lợi thế rất lớn của các bạn. Đừng ám ảnh chuyện phải bắt chước hay trở nên giống như một thị trường nào cả, và cũng đừng cố làm như vậy. Các bạn phải tập trung vào những gì tạo nên sự thèm muốn của khán giả ở Việt Nam.
Hãy tiếp tục phải nói về các vấn đề của Việt Nam, hãy nói về lịch sử Việt Nam, về cách thức, văn hóa, gia đình và truyền thống của người Việt Nam.
Hãy làm theo cách của người Việt Nam và đưa phong cách nhất quán đó vào phim. Nếu có sự nhất quán thì không phải một bộ phim, hai bộ phim, mà là rất nhiều bộ phim mà mọi người sẽ nhận ra sẽ có được cảm nhận về nền văn hóa. Đó là cách chúng tôi bắt đầu dành tình yêu cho điện ảnh Nhật Bản, cho điện ảnh Mỹ, điện ảnh Ý.
Chúng tôi cảm nhận được đất nước và bạn cũng hiểu thêm rất nhiều điều về các quốc gia khác nhau thông qua điện ảnh. Vì vậy, tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra với Việt Nam. Hãy trở nên độc đáo và kể câu chuyện của mình một cách chân thực.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.