Nhà sử học Dương Trung Quốc: Kỷ nguyên mới - tầm nhìn quá khứ và đương đại
Nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai 4 nhiệm kỳ (từ khóa XI đến khóa XIV), đã có cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần bằng việc nhắc lại sự kiện trong các năm có số '5 đuôi'.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Đó là năm 1925 ra đời những tổ chức tiền thân cho sự lãnh đạo của đất nước như một nhân tố đầu tiên xuất hiện trong lịch sử dân tộc, trong đó ngày 21-6-1925 ra số đầu tiên Báo Thanh Niên và được chọn làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Năm 1945, Việt Nam mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc, trở thành nhà nước Dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1995, hội nhập với thế giới và nay là năm 2025 thực sự là một cuộc “lột xác” tạo ra một sức sống mới thể hiện qua nguồn nhân lực lãnh đạo gương mẫu, sáng tạo cùng cỗ máy tinh giản nhưng hiệu quả, cùng một xã hội kỷ cương sẽ làm cho kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trở thành một hiện thực đối với mọi người.
* Thưa ông, dưới góc nhìn một nhà sử học, kỷ nguyên mới nên hiểu một cách cơ bản như thế nào?
- Trong khoa học lịch sử, ý niệm về một sự thay đổi có tính đột biến tạo ra những chuyển đổi về chất theo dòng chảy của thời gian, cũng có nghĩa là nó tạo ra một cái mốc để người đời sau có thể nhận biết trong tiến trình lịch sử ấy, thường được gọi là kỷ nguyên. Ý niệm về kỷ nguyên luôn hướng đến sự thay đổi tiến bộ và mang ý nghĩa của một giai đoạn phát triển khá dài và bền vững.
* Ông có thể minh họa rõ hơn những mốc thời gian trong lịch sử hiện đại?
- Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta thì ý niệm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đương đại khởi đầu từ cái mốc mà chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 80 năm cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945. Kỷ nguyên đó được định danh là kỷ nguyên độc lập mang quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tiêu ngữ mang giá trị cốt lõi của quốc gia, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và được một Quốc hội đầu tiên xác lập trong bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) - một văn kiện lập hiến đạt tới trình độ tiên tiến của thế giới đương đại.
* Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những thăng trầm của đất nước từ những năm khởi đầu kỷ nguyên độc lập 1945 đến nay?
- Đúng vậy. Ngay trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên độc lập ấy, từ súng kíp, tầm vông, nhân dân ta lần lượt đương đầu với hai đế quốc lớn ròng rã ba thập kỷ (1945-1975). Đạt được mục tiêu thống nhất đất nước bằng một cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm đầy gian khổ và hy sinh, chưa kịp tận hưởng hòa bình, tiếng súng đã vang trên hai đầu biên giới và ngoài Biển Đông, cùng với mọi xáo trộn bàn cờ quốc tế.

Dự án Khu dân cư theo quy hoạch 92,2 hécta tại xã Long Đức, huyện Long Thành (Dự án Gem Sky World). Ảnh: Hoàng Lộc
Chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của độc lập tự chủ; đồng thời phải tự thay đổi để tìm con đường đi tiếp kỷ nguyên mới bằng chính Đổi mới trước hết là tư duy (năm 1986). Những cuộc tập dượt “đổi mới”, “cải cách”, “phá rào” ấy song hành với những thay đổi lớn trong trật tự thế giới và chưa đầy một thập kỷ sau (năm 1995), dường như vận hội đã đến khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc khi quốc gia này bắt đầu bước vào cải cách, trong khi Liên Xô tan rã và Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi vòng vây cấm vận và đạt được một bước đi quan trọng là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (năm 1995); nay đã nâng lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Những năm có con số “5 đuôi” đánh dấu những thời kỳ lịch sử quan trọng: 1945-1975 - 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 20 năm 1975-1995 bảo vệ lãnh thổ và thoát dần sự lệ thuộc về mọi mặt để tự mình đổi mới, tự chủ trong sự lựa chọn con đường để hội nhập với thế giới...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ý này như một cẩm nang: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “bất biến” chính là mục tiêu kỷ nguyên mới, lấy nhân dân là gốc, thúc đẩy chúng ta vươn lên không chỉ với hoàn cảnh của thiên hạ và trước hết của chính mình. Người khai sinh ra nước Dân chủ cộng hòa đã từng xác tín: Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc là vô nghĩa. Mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cũng chính là nền móng và định hướng cho con đường xuyên suốt phấn đấu cho một kỷ nguyên mới.
* Vấn đề cốt lõi hiện nay, theo ông là gì?
- Là người hoạt động về khoa học lịch sử, tôi rất chú ý đến cách tiếp cận và những kết luận rút ra được trong tiến trình lịch sử ông cha ta đã bao lần cải cách, duy tân hay đổi mới. Chính nhu cầu thực tiễn, đôi khi mang tính sống còn của chế độ là phải tập trung vào con người mà trước hết là đội ngũ đầu não, tiên phong của nó. Đó có thể là nguồn lực phát triển mạnh nhất, nhưng cũng có thể là nguồn gốc của sự suy thoái không có gì cứu vãn nổi.
Chính những gì mới và đang diễn ra thật dồn dập, với một cường độ khác thường và thậm chí có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử, làm cả thế giới sửng sốt, khởi đầu bằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng không nhượng bộ để phát hiện ra những điểm nghẽn khiến con đường phát triển gắn với cuộc cạnh tranh toàn cầu trên cả hai lĩnh vực song hành kinh tế và công nghệ. Một xã hội mà trên thì gương mẫu, dưới có kỷ cương được xem là một mặt bằng lý tưởng nhất cho kỷ nguyên mới thành tựu.
Nhìn xa hơn một chút, kỷ nguyên vươn mình thể hiện trong ngôn ngữ biểu tượng đang là một sự khích lệ, một hiệu lệnh để chúng ta hy vọng vào kỷ nguyên mới đã được khởi đầu 80 năm trước và đang hướng tới mốc 100 năm, 1945-2045.
* Xin cảm ơn ông!
Trần Chiêm Thành (thực hiện)