Nhà thầu thi công cao tốc trục ngang miền Tây đối phó mùa lũ thế nào?
Miền Tây đang vào mùa lũ, việc thi công các công trình giao thông cũng gặp nhiều khó khăn. Với thế chủ động, các nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang vẫn lên sẵn kế hoạch thi công, nhằm đảm bảo tiến độ.
Phân đoạn để tổ chức thi công
Theo đánh giá từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 sẽ tiếp tục cao hơn so cùng kỳ năm ngoái từ 0,2-0,6m. Đỉnh lũ chính vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10.
Kết hợp với triều cường lên cao hơn trung bình mọi năm có thể sẽ gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp, ngoài đê bao các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như Đồng Tháp và An Giang.
Do vậy, đối với việc thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang, những đoạn không bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ, các nhà thầu đang tăng tốc thi công.
Tại gói thầu số 42, thiếu tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang do đơn vị thực hiện có tổng chiều dài 13,7km. Trong đó, có khoảng 4km nằm trong vùng xả lũ, nguy cơ sẽ bị ngập.
Nhà thầu đã lên phương án phân đoạn thi công những vị trí này trước khi lũ về nhiều để không ảnh hưởng đến tiến độ.
"Hiện tại, đối với những vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng khi lũ về, chúng tôi tập trung bố trí cho công nhân làm việc tại đây. Kế hoạch thi công đến 30/9, nhà thầu hoàn thành kết cấu phần dưới của các cây cầu", thiếu tá Du nói.
Cũng theo thiếu tá Du, việc các phần dưới những cây cầu hoàn thành, khi lũ có về thì phần trên cầu, hạng mục nào thi công được, nhà thầu vẫn cho công nhân làm việc.
Riêng về phần đường, tranh thủ nước lũ chưa tràn đồng, nhà thầu cũng đang tăng cường đưa cát về công trường, đẩy nhanh xử lý nền đường, thực hiện cắm bấc thấm và tổ chức gia tải để có thể rút ngắn thời gian.
"Khi nước lũ ngập nền đường, việc thi công sẽ rất khó khăn. Chính vì điều này, công ty đang khẩn trương thực hiện các phần việc có liên quan.
Đến khi lũ tràn đồng, nhà thầu sẽ điều phối công nhân đến những vị trí đường không bị ảnh hưởng bởi lũ để thi công cho kịp tiến độ", thiếu tá Du thông tin.
Thiếu tá Du cho biết thêm, đến hay, tiến độ thực hiện chung của gói thầu hơn 19%. Để đạt kế hoạch thi công đề ra. Hiện tại, trên công trường, nhà thầu tổ chức cho công nhân thực hiện các phần việc như đúc dầm, làm móng và thi công thân mố trụ cầu…
"Tùy vào tình hình thi công và điều kiện thực tế mà nhà thầu tổ chức cho công nhân làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, có những hôm gấp rút, đơn vị cho công nhân bắt đầu làm việc từ 7h - 24h đêm", thiếu tá Du chia sẻ.
Các cây cầu sẽ xong trong năm nay
Tại gói thầu số 44, anh Võ Đại Thạch, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (nhà thầu thi công) cho biết, gói thầu do công ty thực hiện tiến độ đạt 41,2%, vượt hơn 5% so với kế hoạch.
Hiện tại, trên công trường, công ty bố trí 150 công nhân cùng 50 máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thi công.
"Chúng tôi tổ chức cho công nhân thi công hai ca, thời gian làm việc bắt đầu từ 6h30 - 21h tối. 60% công nhân được công ty tổ chức thi công cầu, số còn lại được chia ra để thực hiện phần đường", anh Thạch cho biết.
Anh Thạch tiếp tục thông tin, hiện mỗi ngày công ty có 2.300m3 cát phục vụ cho việc thi công phần đường. Tuy nhiên, số lượng này cũng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
"Do lượng cát về công trường chưa đủ nên hiện tại nhà thầu mới thực hiện gia tải nền đường được 500m, thực hiện cắm bấc thấm được 20% và thi công cọc xi măng đất được 15%.
Đoạn thi công của đơn vị không ảnh hưởng nhiều bởi lũ nên nhà thầu đã có đề xuất nâng công suất khai thác mỏ cát và tập trung tăng tốc đẩy nhanh tiến độ", anh Thạch cho biết thêm.
Cũng theo anh Thạch, gói thầu do công ty thực hiện có tổng chiều dài 5,4km. Hiện tại, việc thực hiện bốn cây cầu có trong gói đang vượt tiến độ so với kế hoạch thi công.
"Đến nay, nhà thầu đã hợp long ba cây cầu và dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn thành đổ mặt cầu đối với ba cây cầu này. Riêng cây cầu còn lại, nhà thầu cũng đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 9 tới", anh Thạch nói.
Trong khi đó, thiếu tá Du thông tin: "Gói thầu do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đặt mục tiêu trong năm 2024 phải hoàn thành 5 cây cầu".
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) thông tin, đến nay, tổng tiến độ 4 gói xây lắp dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh này đạt 23,03/22,88%, vượt 0,16%.