Nhà thầu xây dựng 'thắt lưng buộc bụng' trước Tết
Hơn một tháng qua, nhiều nhà thầu đã bắt đầu cắt giảm lương, thưởng và một số chế độ phúc lợi của nhân viên, có đơn vị dồn quà Tết của cán bộ, kỹ sư cho công nhân ở công trường.
Trong thông báo gửi toàn thể cán bộ nhân viên hồi cuối tháng 11, phó tổng giám đốc một tập đoàn xây dựng lớn cho biết đã có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản.
"Tập đoàn cũng không ngoại lệ khi nhiều chủ đầu tư không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn, nhiều công trình phải ngưng hoạt động hoặc giãn tiến độ thi công... Đứng trước những thử thách này, tập đoàn buộc phải áp dụng những giải pháp cấp bách để tồn tại và phát triển, chúng ta phải bắt buộc thay đổi và thích ứng với hoàn cảnh", thông báo nêu rõ.
Giải pháp được đồng thuận là tiết giảm chi phí đồng bộ theo lộ trình, mà theo ban lãnh đạo công ty, đầu tiên là tiết giảm chi phí nhân sự.
Chấm dứt hợp đồng lao động, giảm đến 50% lương
Theo thông báo này, từ ngày 1/12 đến ít nhất hết quý I/2023, toàn công ty tạm ngừng áp dụng một số chế độ phúc lợi, khen thưởng, ngoại trừ phụ cấp tiền cơm trưa và bảo hiểm sức khỏe. Các nhân sự tùy cấp bậc, phòng ban cũng giảm 15-35% tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương.
Riêng khối văn phòng được yêu cầu giảm tối thiểu 15% tổng tỷ lệ hiệu suất công việc và phụ cấp, mỗi phòng ban quyết định giảm tỷ lệ này trên từng người hoặc sàng lọc nhân sự, hoặc áp dụng cả 2 hình thức.
Còn trên công trường của các dự án đang ngưng thi công, hết việc, hết định biên nhân sự, những nhân sự trọng yếu, chủ chốt có năng lực, thái độ vượt trội được ưu tiên giữ lại, điều động, bố trí kịp thời sang các công trường, phòng ban có nhu cầu.
Những nhân sự có năng lực, thái độ tốt nhưng chưa thể sắp xếp công việc hiện tại sẽ được thỏa thuận ngừng việc trong thời hạn tối đa 3 tháng, đồng thời được tham gia đào tạo kiến thức chuyên môn, tiếng Anh... Với số nhân viên còn lại, nhà thầu lớn này sẽ chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước đó, một công ty xây dựng khác cũng thông báo giảm 40-50% đối với phần lương trên 10 triệu đồng của nhân viên khối công trình. Trong khi đó, lương của khối văn phòng có mức giảm 25-50% trên toàn bộ tổng lương.
Tương tự, một nhà thầu ở phía Nam điều chỉnh giảm 3-41% mức lương của những nhân sự có lương từ 15 triệu đồng trở lên. Các cấp có lương càng cao thì mức giảm càng lớn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp cam kết sẽ hoàn lại cho nhân viên khi tình hình kinh doanh ổn định trở lại.
Dồn quà Tết của cả công ty cho công nhân ở công trường
Trong một sự kiện mới đây, bà Nguyễn Trình Thùy Trang - Giám đốc Nội vụ của Coteccons cũng thừa nhận doanh nghiệp đang chịu những tác động không nhỏ từ sự khó khăn chung của thị trường.
Do đó, năm nay đơn vị này quyết định dồn quà Tết của 2.000 kỹ sư nhân viên và 500 đối tác, khách hàng để đổi thành 12.000 phần quà cho công nhân ở 60 công trường.
"Mọi năm công nhân viên nói chung của Coteccons được thưởng Tết rất nhiều, nhưng năm nay có thể sẽ khiêm tốn hơn để chia sẻ với anh em ở công trường. Với khách hàng, đối tác, thay vì tổ chức tiệc tri ân như các năm thì chúng tôi cũng chuyển phần chi phí này cho công nhân, mọi người đều đồng lòng", bà Trang chia sẻ với Zing.
Hiện tại, mỗi phần quà cho công nhân ở các công trường của nhà thầu này trị giá 300.000 đồng. Doanh nghiệp cho biết đang kêu gọi các đơn vị khác cùng hỗ trợ thêm hiện vật để các phần quà có giá trị hơn.
Đồng thời, bà Trang cho hay sẽ sắp xếp để thanh toán lương đúng hạn cho công nhân về quê ăn Tết. Mỗi công trường cũng triển khai một số hoạt động đón Tết khác vào những ngày làm việc cuối năm như cắt tóc tại công trường, chụp hình hay tổ chức những chuyến xe về quê miễn phí...
Một công ty xây dựng khác cũng đã chia sẻ kế hoạch thưởng Tết và lương tháng 13 là Trường Phát. Lãnh đạo đơn vị này cho biết bình quân mức thưởng đối với cán bộ, kỹ sư khoảng 100 triệu đồng trở lên. Đối với các cấp đội trưởng, ban tổng giám đốc quyết định mức thưởng tùy theo mức độ đóng góp.
Ở cấp độ nhà thầu nhỏ hơn, giám đốc một đơn vị cho biết đang cố gắng vay mượn để có tiền thưởng Tết cho nhân viên, đặc biệt là bộ phận kỹ sư và công nhân ở các công trường đang thi công.
"Chúng tôi chỉ còn một vài dự án đang triển khai nên lượng nhân sự không còn nhiều, tôi nghĩ vẫn xoay xở được. Nhưng điều tôi lo nhất là với tình hình ngành bất động sản và xây dựng hiện nay, sau Tết cũng chưa thể gọi anh em quay lại ngay được, hoặc có thì lương thưởng cũng còn bấp bênh, tôi sợ họ sẽ tìm việc mới. Tôi đang tính các phương án đãi ngộ để giữ chân mọi người", ông nói.
Chế độ tiền lương, phúc lợi của công nhân xây dựng cần phải tương xứng và đáp ứng nhu cầu cuộc sống hơn.
Ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ LĐTBXH
Cùng chung trăn trở này, ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM - cho rằng lực lượng công nhân xây dựng chịu tác động rất mạnh bởi những biến động của nền kinh tế nhưng lại chưa được quan tâm nhiều như những ngành thâm dụng lao động khác như dệt may, da giày, chế biến gỗ...
Ông cho biết thu nhập bình quân của người lao động cả nước trong quý III đạt khoảng 7,6 triệu đồng/tháng. Riêng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiền lương của công nhân ở khu vực Đông Nam Bộ cao hơn các khu vực khác.
Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn chưa tương xứng với công sức mà công nhân xây dựng bỏ ra, bởi bình quân mỗi người phải làm việc 8-12 tiếng/ngày và 6-7 ngày/tuần.
Do đó, ông cho rằng chế độ tiền lương, phúc lợi của công nhân xây dựng cần phải tương xứng và đáp ứng nhu cầu cuộc sống hơn, đặc biệt trong bối cảnh lễ Tết khi thị trường còn rất khó khăn như hiện nay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-thau-xay-dung-that-lung-buoc-bung-truoc-tet-post1385020.html