Nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng: Để tà áo dài tung bay nơi đảo xa

Lặng lẽ 'nhặt nhạnh' những gì thuộc về biển đảo quê hương…, đó là ấn tượng ban đầu của tôi về nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng khi được cùng anh tham gia 'Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương' tháng 4 vừa qua.

Anh chọn mang áo dài ra Trường Sa như một cách góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền. Trên tà áo dài ấy thể hiện đất nước và con người Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, với niềm tự hào, thương mến.

Trình diễn Bộ sưu tập áo dài “Tự hào biển đảo Việt Nam” của nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng tại đảo Trường Sa Lớn ngày 1-5-2024.

Trình diễn Bộ sưu tập áo dài “Tự hào biển đảo Việt Nam” của nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng tại đảo Trường Sa Lớn ngày 1-5-2024.

- Thưa nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng, tôi rất ấn tượng với những bộ áo dài anh đã giới thiệu cùng đoàn công tác số 13 và quân dân trên đảo Trường Sa Lớn trong chuyến hải trình ra Trường Sa vừa qua. Anh có thể giới thiệu thêm về ý tưởng ra đời bộ sưu tập “Tự hào biển đảo Việt Nam” này?

- Trong hơn 20 năm làm nghề, tôi đã làm gần 20 bộ sưu tập về biển, đảo như một cách thể hiện tiếng nói về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kêu gọi lớp trẻ có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc bằng những hành động cụ thể.

Trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lần này, tôi có nhiều cảm xúc lắm, có những lúc mình hạnh phúc đến nghẹt thở và mình thấy nếu không có những người thầm lặng, cống hiến thanh xuân của mình để bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta đâu có cuộc sống bình yên.

Trên tà áo dài của bộ sưu tập “Tự hào biển đảo Việt Nam”, tôi đã chọn 3 tông màu chính: Màu trắng của ánh sáng, của chân lý, trắng của sự nhiệt huyết, say mê không toan tính; màu xanh của biển, trời, của hy vọng; màu đỏ của lửa, của sự may mắn… Trên tà áo dài, tôi đã đưa hình ảnh cột mốc chủ quyền, hình ảnh trống đồng, chim lạc, lá cờ đỏ sao vàng với những chiếc tàu đánh cá của ngư dân...

- Năm ngoái, tuy không ra Trường Sa nhưng bộ sưu tập áo dài “Cây bàng vuông” của anh cũng được giới thiệu tới quân và dân Trường Sa. Dường như với nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng, mọi thứ gắn với đảo xa đều trở thành chất liệu sáng tạo?

- Cây bàng vuông là hình ảnh rất riêng của Trường Sa. Giữa biển trời, giữa nắng gió, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cây bàng vuông vẫn vươn lên mạnh mẽ, có những cây rất lớn.

Trước khi rời Trường Sa, các chiến sĩ đã hỏi tôi muốn mang cái gì về đất liền, tôi đã trả lời chỉ muốn mang giống cây bàng vuông về trồng ở nhà. Với bộ sưu tập “Cây bàng vuông” năm 2023, tôi đã sử dụng yếu tố truyền thống, với cách may áo ngũ thân, tên mỗi hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được viết chữ thư pháp bằng tay.

Hình ảnh cây bàng vuông, trái bàng vuông, cảnh sắc, mây trời được lồng ghép trong đó, gợi nhớ lịch sử của những quần đảo này. Tôi muốn chạm tới cảm xúc của mọi người bằng những điều cụ thể, rõ ràng, bằng việc tái hiện hình ảnh cây bàng vuông với sự tinh tế, e ấp của cánh hoa mềm mại, vẻ đẹp của bông hoa khi nở về đêm, thậm chí Việt Hùng còn xếp những hoa bàng vuông đã rụng theo cách nhìn của mình...

Đây cũng là bộ sưu tập được giới thiệu nhiều lần trên sân khấu, khiến cho tôi đã làm thêm phiên bản 2 “Cây bàng vuông” theo phong cách hiện đại, trẻ trung hơn.

- Có lẽ những kỷ niệm tuổi thơ ở quê hương Vũng Tàu cũng đi vào trong những sáng tạo của anh về biển?

- Tuổi thơ của tôi gắn bó với mẹ, với biển. Những ngày được nghỉ làm, mẹ thường đưa anh em tôi ra biển chơi, học bài. Tôi vẫn nhớ mình thường đặt chân xuống nước ngang đầu gối, học bài cho tới khi nào thuộc lại lên trả bài với mẹ.

Vì thế, bộ sưu tập áo dài đầu tiên của tôi có tên “Ký ức biển”. Hồi nhỏ tôi được ra Trường Sa với ba một lần. Sau chuyến đi ấy tôi đã vẽ những gì ấn tượng nhất về Trường Sa, đó là bộ sưu tập “Trường Sa - ký ức tuổi thơ”, với hoàng hôn xuống, với tháp canh, với sóng biển và tôi đã đưa những hình ảnh đó lên chiếc áo dài, hoàn toàn vẽ tay.

Tôi luôn thầm cảm ơn mẹ đã hy sinh cho tôi. Mẹ là người tạo điều kiện, có khi là áp lực mà sau này, càng lớn tôi càng hiểu nếu không có đủ tình yêu, trách nhiệm và sự kiên quyết thì sẽ không có Việt Hùng của ngày hôm nay. Mẹ cũng là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về thời trang.

- Anh có thể đã có nhiều lựa chọn khi đến với thời trang, tại sao anh lại chọn áo dài?

- Tôi đã không ngần ngại chọn áo dài! Tôi cảm thấy đó là sứ mệnh của mình. Tôi yêu áo dài và mong muốn chuyển tải tình yêu đó đến với tất cả mọi người.

Đến Trường Sa lần này, tới những hòn đảo có người dân sinh sống, tôi đều xin lại số đo của các chị rồi về đất liền sẽ may áo dài gửi tặng. Đây là những bộ trang phục mà tôi đã đầu tư, dành tâm huyết để sáng tạo, giống như món quà tinh thần dành tặng các chị. Hình ảnh áo dài nơi đảo xa cũng giống như dòng chữ “Đảo là nhà, biển là quê hương”. Tà áo dài trên đảo cũng chính là tâm hồn Việt Nam.

Chuyến đi Trường Sa này đã cho tôi thêm nhiều chất liệu mới để có thể làm bộ sưu tập mới, có thể chạm đến người xem. Cảm xúc ấy đong đầy, nhiều cung bậc và có cả nước mắt, niềm hạnh phúc, yêu thương, trân quý những con người đã gắn bó với biển. Nếu làm bộ sưu tập áo dài tiếp theo, tôi nghĩ đó là bộ sưu tập cảm xúc chứ không chỉ về cái đẹp đơn thuần.

- Trân trọng cảm ơn nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-thiet-ke-nguyen-viet-hung-de-ta-ao-dai-tung-bay-noi-dao-xa-667575.html