Nhà thơ 'Gửi nắng cho em' và kí ức tháng 5 rực lửa

Nhà thơ Bùi Văn Dung kể lại: 'Cuối năm 1971, tôi được cử đi học tại Học viện Chính trị, cùng lớp với AHLLVT Tô Văn Đực, nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp trong bộ phim 'Địa đạo'. Đầu năm 1975, chúng tôi tốt nghiệp và được bổ sung chi viện cho chiến trường. Chỉ tiếc là do mắc kẹt trên đường nên mãi đầu tháng 5 năm 1975 mới vào đến Sài Gòn'.

Tôi hỏi thêm: "Vào Sài Gòn và đóng quân ở đó. Bác có cảm tưởng thế nào?". Nhà thơ Bùi Văn Dung trả lời: "Cảm nhận đầu tiên là một thành phố quá lớn". Ôi, những tưởng đã từng "tây học" thì sẽ không bị choáng ngợp ánh đèn thành phố, nhưng đúng là tới Sài Gòn rồi, mới thấy thành phố rộng lớn từng được ví là "Hòn ngọc Viễn đông" đã về tay nhân dân trọn vẹn nên cũng có phần vừa lạ lẫm, lại vừa lâng lâng (Bùi Văn Dung, khi mới 15 tuổi được nhà nước ta cho sang Tiệp Khắc học phổ thông theo diện con cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng 8).

Nhà thơ Bùi Văn Dung.

Nhà thơ Bùi Văn Dung.

Ông bảo: "Thành phố tuy mới đến lần đầu nhưng tôi có cảm tưởng như rất thân thuộc. Đi tới đâu và đến những đâu tôi toàn thấy những tình cảm của người dân dành cho bộ đội giải phóng. Tôi có may mắn là được nhiều lần gặp gỡ nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi. Các cô gái Sài Gòn cô nào cũng ưa nhìn và ăn nói dễ nghe. Cô nào tôi cũng có cảm tình bởi các cô ấy rất yêu quý các anh bộ đội.

Tôi nhớ lần đến thăm và nói chuyện ở Trường trung học Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận. Các cô nữ sinh Sài Gòn mặc áo dài trắng rất ngỡ ngàng khi biết tôi đã sống và học nhiều năm ở nước ngoài. Thế mà trước đó các cô ấy bị tuyên truyền là "Việt cộng" gầy đói và ít học. Lần đó tôi còn cao hứng đọc thơ nữa. Các nữ sinh chăm chú nghe thơ của "ông giải phóng" rồi vỗ tay rào rào. Các cháu bảo: "Thơ ông giải phóng hay lắm. Chúng con cứ tưởng các ông chỉ biết bắn súng thôi". Nghe ngộ nghĩnh mà thấy vui vui".

Tuy vào Sài Gòn có muộn vài ngày, nhưng bù lại Thượng úy Bùi Văn Dung được sống những ngày đầu tiên, những tháng đầu tiên trên thành phố Sài Gòn. Chỉ cho tôi xem bức ảnh ông cùng đồng đội chụp trước Dinh Độc Lập tháng 5 năm 1975, ông bảo: "Cũng có chút tiếc là dù có mặt ở Dinh Độc Lập nhưng hôm 15 tháng 5 diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành thì tôi chỉ ở vị trí "quần chúng". Tôi bảo: "Thì hôm đó bác cũng đã gặp và chụp ảnh kỷ niệm với anh hùng Nguyễn Văn Thoa, người bắn rơi 13 máy bay Mỹ bằng tên lửa vác vai A72. Và với anh hùng Bùi Tiến Hợp, người bắt sống xe tăng địch rồi lái xe tăng "chạy" một mạch từ Quảng Đà vào Sài Gòn".

Nhà thơ Bùi Văn Dung sinh năm 1941, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1962. Năm nay ông bước sang tuổi 85 nhưng còn "rắn rỏi" lắm. Được hay: Chiến trường sôi động đã làm "con đường thi ca" của anh lính trẻ Bùi Văn Dung phải tạm ngừng mãi cho tới sau ngày miền Nam được giải phóng thì hồn thơ ấy mới "tái lai". Nghe đâu những năm 1975 - 1978 bút danh B.Văn Dung "tràn ngập" trên Báo Sài Gòn giải phóng.

Tôi đùa thêm: "Đấy. Vừa vào tới Sài Gòn bác đã viết: "Ngày 30 tháng tư em ở đâu?/ Tôi ngớ ngẩn hỏi như người ngoài cuộc/ Đường Trường Sơn dựng lên bằng xẻng cuốc/ Chẳng ngọn cỏ viên sỏi nào còn nguyên/ Bom chờ nổ rơi xuống nằm yên/ Cọc làm dấu xiêu rồi lại cắm/ Làng con gái vẫn dành riêng bến tắm/ Võng các em nằm cứ thấy vợi đi", (Ngày 30 tháng tư em ở đâu).

Nhà thơ Bùi Văn Dung lại gật đầu thú nhận: "Đúng là vào sống ở Sài Gòn hoa lệ tôi lại nhớ những ngày hành quân trên đường Trường Sơn. Ở đó có những cô gái mười chín đôi mươi chịu nhiều thiệt thòi. Mình giờ được sống đầy đủ lại nhớ và thương các cô ấy lắm". Tôi nói chen: "Em thấy bức ảnh bác chụp cùng anh em bộ đội có hình cô bộ đội đứng đằng sau. Cô ấy xinh thật. Bác còn nhớ tên và còn liên hệ gì với cô ấy không?". Nhà thơ Bùi Văn Dung cười: "Cô ấy là nuôi quân của đơn vị. Con gái Khmer đấy, xinh thật đấy".

Vốn làm thơ từ thuở học trò nên dù mang quân phục chiến sĩ nhưng cứ hở ra là Bùi Văn Dung lại làm thơ. Thơ ông như một thứ "ghi chép nhật ký" lưu lại những điều tai nghe mắt thấy trên đường hành quân, khi xung trận và khi đi trên thành phố hòa bình, ông đã viết "Hành trang các em nào có nhiều gì/ Chiếc gương soi cũng vỡ thành nhiều mảnh/ Thì con gái không có giờ làm dáng/ Lính qua đường ầm ĩ nhận đồng hương". Đó có thể là những cảm nhận đầu tiên của Bùi Văn Dung trên "thành phố mang tên Bác".

Ông bảo: "Thời gian đầu mới vào thành phố sinh hoạt rất khó khăn, không có lương. Ăn toàn bo bo. Thỉnh thoảng được cấp mì tôm đường sữa thuốc lá theo cấp quân hàm. Lúc đầu tôi được phân công làm trợ lý kế hoạch tổng hợp. Và hàng tuần cứ sáng thứ 7 có nhiệm vụ ra Hội trường Công binh ngụy cũ gần công viên Tao Đàn, nghe tình hình do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà thông báo. Sau đó về báo cáo với Cục Chính trị Miền".

Anh trợ lý cán bộ Bùi Văn Dung cảm nhận về Sài Gòn rất sâu đậm nhưng lại theo góc độ khác, góc độ tri ân, ông đã viết "Bác ra đi từ Sài Gòn đã hơn sáu chục năm (1911-1975)/ Để hôm nay chúng con về đông đủ/ Buổi đoàn viên triệu trái tim tiếc nhớ/ Sài Gòn chưa được đón Người trước lúc đi xa/ Ham muốn của Người gieo giữa phong ba/ Trái độc lập tự do đã đến ngày chín quả/ Người đem lại hạnh phúc về lớn quá/ Xin kính dâng Người trọn vẹn Việt Nam" (Từ Sài Gòn nhớ Bác). Cảm nhận ấy thực quý trọng bởi được sống nơi thành phố của ngày hòa bình người chiến sĩ vẫn nhớ ơn Bác Hồ kính yêu.

Tôi hỏi thêm: "Thế hoàn cảnh ra đời bài thơ "Gửi nắng cho em" như thế nào bác ơi?". Nhà thơ Bùi Văn Dung thú thực: "Vào Sài Gòn tự dưng lại nhớ vợ đến thế. Hì hì. Đó là bài thơ tôi viết khi nhớ vợ ông ạ". Chao ôi! Nhớ vợ để có được bài thơ để đời thì ai cũng muốn nhớ, nhưng đó lại là một nỗi nhớ chẳng giống ai, một nỗi nhớ đầy trách nhiệm của người chiến sĩ cho dù dịp đó đang sống giữa thành phố hoa lệ.

Bìa tập thơ “Gửi nắng cho em” của Bùi Văn Dung.

Bìa tập thơ “Gửi nắng cho em” của Bùi Văn Dung.

Nhà thơ Bùi Văn Dung bảo: "Tôi tự dưng thấy nhớ vợ nằm mà không sao ngủ được bèn ngồi dậy làm thơ. Không ngờ những câu thơ của tôi "Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam" lại lọt vào "mắt xanh" của nhạc sĩ Phạm Tuyên để rồi ca khúc nổi tiếng "Gửi nắng cho em" ra đời".

Ở Sài Gòn cho tới năm 1977 Bùi Văn Dung chuyển "chỗ ở", ông bảo: "Khi xảy ra vụ Xa Mát năm 1977, quân Khơme đỏ tràn sang tàn sát và cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam bắt đầu. Tôi được cử đi với Cục Chính trị tiền phương Quân khu 7 trụ sở đóng tại Đồng Ban, Tây Ninh. Đối diện với Mi Mốt của Campuchia. Nhiệm vụ của tôi là đi xuống các đơn vị chiến đấu nắm tình hình cán bộ để điều động bổ sung khi thiếu hụt. Cuối năm 1978 được chuyển ra Bắc làm trợ lý cán bộ Quân khu 2. Đến tháng 9 năm 1987 thì tôi về hưu. Thú thực những ngày này lại thấy nhớ Sài Gòn đến nao nao".

Tôi được thế: "Những 50 năm qua rồi. Bác "khai" thật đi. Hồi đó bác có cảm tình với cô nào?". Ông nhà thơ vẫn đậm tác phong "nông dân" cười hồn nhiên: "Cũng có tí ti. Chả là đóng quân ở quận Phú Nhuận nên tôi thường hay đến các chợ ở địa bàn để tìm hiểu đời sống của bà con, ví dụ như chợ An Đông chẳng hạn. Thấy bà con tuy cũng còn thiếu thốn nhưng cứ nhìn vào chợ là biết đời sống của bà con đang dần cải thiện. Và quan trọng là thấy bà con rất yên vui".

Cái gọi là "có ti tí" của ông nhà thơ lính trận này hóa ra là tình cảm với người dân Sài Gòn. Ông bảo: "Người dân Sài Gòn rất hướng về Bác Hồ. Rất có nhiều cảm tình với cách mạng nên bộ đội chúng tôi được bà con quý mến lắm. Thấy bộ đội còn khó khăn khi mới vào thành phố thì bà con cử người đến giúp đỡ. Đi chợ cũng chỉ bảo tận tay. Bà con chỉ lo bộ đội không quen chuyện mua bán thôi".

Cựu Trung tá Bùi Văn Dung chợt chùng xuống. Lâu sau ông đọc cho tôi nghe câu thơ trong bài thơ "Ai có mặt ở Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975", câu thơ đó là: "Tiến vào thành phố/ Bà mẹ mang thai chín tháng mười ngày là đủ/ Nhưng thai nghén một non sông cũng phải rộng dài/ Ba mươi năm để có một ngày/ Dẫu là ngày vui tột cùng ta vẫn trào nước mắt".

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-tho-gui-nang-cho-em-va-ki-uc-thang-5-ruc-lua-i767753/