Nhà thơ Hữu Thỉnh: Hy sinh vì Tổ quốc là lựa chọn của mọi thế hệ người Việt Nam
Gặp nhà thơ Hữu Thỉnh (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi như được chạm vào ký ức hào hùng của một thế hệ đã đi trọn vẹn cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông, một cựu binh xe tăng, một nhà thơ, bồi hồi chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên. Niềm tự hào về lựa chọn khoác áo lính Cụ Hồ, nỗi nhớ đồng đội da diết, và những suy tư về trách nhiệm của người cầm bút cứ thế trải dài trong câu chuyện của ông.
Thế hệ đi trọn cuộc chiến
Những ngày này, khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Hữu Thỉnh không giấu được niềm bồi hồi. Ông gọi thế hệ mình là những người đã "đi trọn vẹn cả cuộc chiến – từ những ngày đầu cho đến lúc đất nước hoàn toàn giải phóng", họ vừa là nhân chứng, vừa là tác nhân của thời đại lịch sử ấy.

"Là nhân chứng, bởi vì chúng tôi được chứng kiến tất cả những gì xảy ra trong đời sống chiến tranh, trong hành trình cách mạng của dân tộc. Là tác nhân, vì chúng tôi trực tiếp tham gia vào những biến động lớn lao ấy với tư cách là người lính." - Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong ông là sự vĩ đại của cuộc chiến đấu: "Khi nhìn lại, ấn tượng lớn nhất trong tôi là: cuộc chiến đấu ấy vĩ đại quá. Thực sự, chưa có một kẻ thù nào vừa hung bạo, vừa hùng mạnh như đế quốc Mỹ. Vậy mà, chúng ta đã đánh thắng họ. Đó là chiến thắng mà tôi tin rằng càng nhìn lại, càng thấy kỳ vĩ".
Niềm tự hào vì đã "lựa chọn đúng: khoác lên mình bộ quân phục, trở thành người lính cụ Hồ" luôn hiện hữu. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại quyết định gác giấy báo đại học để nhập ngũ năm 1963, một lựa chọn mà ông vẫn luôn thấy tự hào.
"Phải nói đó là một hình tượng vô cùng đẹp, một vẻ đẹp lớn lao và đầy cảm xúc của cả thế hệ chúng tôi. Tôi nhập ngũ từ năm 1963, lúc ấy chiến tranh chưa bùng nổ ở miền Bắc. Miền Nam khi đó đã có phong trào Đồng Khởi, nhưng miền Bắc vẫn là thời bình. Lính thời bình nên được huấn luyện rất kỹ, chính quy và hiện đại. Nhưng chỉ một năm sau – đến ngày 5 tháng 8 năm 1964, khi Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc – thì mọi thứ đã khác.
Tôi thường nghĩ mình đi trước cuộc chiến đúng một năm. Và rồi sau đó, hầu như tất cả những người thanh niên, sinh viên cùng thế hệ tôi đều lần lượt vào chiến trường cả. "
"Tôi tin rằng, nếu thế hệ trẻ hôm nay sống trong hoàn cảnh ấy, các cháu cũng sẽ có những quyết định giống chúng tôi. Bởi vì, lý tưởng sống vì đất nước, tinh thần 'Tổ quốc là trên hết', không phải chỉ tồn tại ở một thời kỳ, mà đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt Nam."
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhưng niềm tự hào ấy luôn song hành cùng "nỗi nhớ đồng đội da diết, đặc biệt là những người đã ngã xuống". Ông nghẹn ngào: "Càng tự hào bao nhiêu về chiến công vĩ đại của dân tộc, tôi càng tưởng nhớ sâu sắc bấy nhiêu đến những người không bao giờ trở về. Trong số đó có anh trai tôi…".
Anh trai ông hy sinh khi đã 30 tuổi, để lại vợ và ba con nhỏ. Hình ảnh người chị dâu lặng lẽ khóc sau khi tiếp khách đã ám ảnh ông mãi, giúp ông hiểu rằng tầm vóc cuộc chiến còn nằm ở "những đau thương lặng lẽ nơi hậu phương, nơi có những hy sinh không tên, nhưng cũng cao cả không kém". Ông viết về những người vợ bộ đội thủy chung như người "đi giữa vòng vây, như người đi trên chiếc đò đầy sóng dữ mà không để đò đắm".
Chất thép và chất thơ hòa quyện trong tâm hồn người lính, người nghệ sĩ giữa bom đạn. Ông và đồng đội bước vào chiến trường với tâm thế "xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào" nhưng không hề bi lụy, mà "vẫn bước đi rất nhẹ nhàng, thanh thản". Sự lạc quan ấy, như trong thơ Gia Dũng “Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân” hay Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đến từ "một niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng. Dù mình có ngã xuống, thì đất nước sẽ trường tồn." - nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định khẳng định.
"Có người sau này, nhất là một số nhà phê bình không trực tiếp sống trong chiến tranh, không thể hiểu nổi vì sao giữa sống chết, đói khổ, bom đạn mà chúng tôi lại có thể lạc quan đến thế. Nhưng đó là sự thật. Chính vì vậy mà nhà thơ Tố Hữu mới viết rằng Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó thì chưa rõ mình”.
Cũng vì thế mà chúng ta có mắc nợ những ân tình với thế hệ cha anh đã ngã xuống. Đất nước trải qua bao chiến thắng, có được hòa bình như ngày hôm nay, nhưng làm sao để các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh có thể sống lại, làm sao trả được lại con cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Món nợ thiêng liêng và sứ mệnh văn chương
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: "Với các nhà văn, nhà thơ thế hệ kháng chiến chống Mỹ, điều đặc biệt nhất là khát vọng sống vì lý tưởng – mà khát vọng ấy được nuôi dưỡng từ rất sớm, từ những năm phổ thông chứ không đợi đến khi vào đại học. Chính khát vọng, lý tưởng cao đẹp ấy đã tạo nên dấu ấn riêng không thể trộn lẫn của văn học thời kỳ này."
Ông cho rằng, chính những trải nghiệm nơi chiến trường, từ bữa rau rừng, những cuộc hành quân vượt núi, từng trận bom B52, cho đến những giờ phút chiến đấu bên đồng đội đã trở thành "chất liệu sống" và "chất liệu thi ca". Trường ca Đường tới thành phố ra đời sau ngày giải phóng, khi ông đã "đủ vốn sống, đủ tư liệu, đủ tầm nhìn" để kết tinh toàn bộ trải nghiệm về cuộc kháng chiến.
Tác phẩm không chỉ tái hiện không khí hào hùng của cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975 mà còn là nén tâm nhang tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ khải hoàn, những người chỉ cách Dinh Độc Lập vài chục phút nhưng không kịp đi hết con đường ấy.

"Trong trường ca, tôi có viết về rất nhiều người lính đã ngã xuống ngay sát giờ giải phóng. Có những đồng đội của tôi chỉ còn cách đích đến vài chục phút, từ cầu Bình Lợi tới Dinh Độc Lập, nhưng họ không kịp đi hết con đường ấy. Họ đã hy sinh trong những khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh. Những hy sinh đó vô cùng cao thượng, là hiện thân đẹp đẽ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính hình ảnh ấy – những người lính đã ra đi ngay trước giờ khải hoàn, khiến tôi xúc động sâu sắc. Trong trường ca có một chương mang tên Tờ lịch cuối cùng, tôi dành để viết về những giây phút ấy, về những người đã dám hy sinh ngay trước thềm chiến thắng. Đó là những trang viết khiến tôi không thể nào quên." - Nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại.
Nhìn lại 50 năm văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh vai trò của văn chương thời chiến là "trực tiếp tiếp sức tinh thần cho người lính, cho nhân dân". Ông khẳng định, thế hệ nhà văn chống Mỹ có một "món nợ thiêng liêng" là viết về cuộc chiến mình đã trải qua – món nợ với đồng đội, nhân dân, với lịch sử. Đó là "trách nhiệm không thể chuyển giao", bởi chỉ thế hệ họ mới có thể khắc họa chân thực và cảm động nhất. Ông trân trọng từng tác phẩm của đồng đội, bởi chúng được viết nên không chỉ bằng mồ hôi mà "nhiều khi phải đánh đổi bằng máu", như sự hy sinh của Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý.
Lê Anh Xuân hy sinh trên đường tiến vào Sài Gòn, không ai ngờ được. Dương Thị Xuân Quý cũng ra đi vì một bài báo, một bài thơ. Sự hy sinh ấy là minh chứng cao cả nhất cho trách nhiệm và lý tưởng của một người cầm bút, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
“Với văn học hôm nay, trong thời bình, trách nhiệm của người cầm bút vẫn không hề nhẹ hơn. Tôi mong các nhà văn thế hệ mới tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của văn học cách mạng. Những vấn đề như biển, đảo, biên giới hôm nay là mặt trận mới. Dù đã im tiếng súng, nhưng cuộc chiến gìn giữ chủ quyền, bảo vệ biên cương, biển đảo vẫn đang tiếp diễn từng ngày. Hãy viết thật hay cho thời bình như một cách tiếp nối sự hy sinh của những người đã ngã xuống.”
Nhà thơ Hữu Thỉnh.