Nhà thơ Trần Đình Nhân - 'Lấm láp' đời sống vùng than

Trần Đình Nhân tuổi Đinh Dậu, quê gốc Kinh Môn, Hải Dương. Gặp ông là gặp một nhà thơ khật khừ, 'vất vả' khi phát âm. Lý do ông 'khó nói', gần ông mới biết. Khi 11 tháng tuổi, ông bị cảm mạo tưởng chết, may mắn được sống lại nhờ thang thuốc thần diệu của một lang y. Thế nhưng, 'thần chết' để lại dấu ấn theo ông suốt đời, đó là giọng nói như bị 'nghẹn họng'.

Sau khi học xong lớp 7 trường làng, Trần Đình Nhân theo người thân ra vùng mỏ Quảng Ninh lập nghiệp. Những công nhân cùng thế hệ vẫn nhớ đến một người khi có điều kiện thì im lặng lúi húi ghi chép những sự việc quanh mình. Người đó là Trần Đình Nhân. Ông viết bài, nhờ người chuyển cho báo Quảng Ninh nhưng suốt ba năm ròng, không một mẩu tin nào được in cả. Năm 1987, “duyên phận” với ông, bắt đầu từ tờ báo tường do đoàn thanh niên đơn vị phát động nhân dịp thành lập Đoàn.

Nhà thơ Trần Đình Nhân.

Nhà thơ Trần Đình Nhân.

Đơn vị thấy ông hay viết lách nên đã giao cho ông làm chủ bút tờ báo tường. Ông tâm sự “Có lẽ đó là duyên, khi phải chịu trách nhiệm, người ta phải lo toan đến trách nhiệm hay dở của mình”. Ông đã tìm đến những mục cần có trên Báo Quảng Ninh, ở đây ông đã gặp mục “Người chủ vùng than”. Thế là, ông thao tác theo lối viết của tờ báo. Ông cho người viết trên báo tường rồi gửi cho báo Quảng Ninh.

“Hoa đến thì phải nở”, năm 1987, tại căn phòng cấp bốn ở tập thể mỏ Cọc Sáu, ông lần đầu tiên đón tiếp một đoàn văn nghệ sĩ đang đi thực tế sáng tác tại mỏ, gồm cả nhà thơ Trần Nhuận Minh, Thi Hoàng… do nhà thơ Trần Tâm dẫn đến. Ngay sau đó, bài thơ “Đợi” là thi phẩm đầu tiên, do báo Hạ Long đăng tải trên báo số 3 (năm 1987). Nhưng phải đến mười năm sau, năm 1997, ông mới trình làng tập thơ đầu tay, đó là tập “Vàng thu”. Như một duyên phận, cùng năm ấy NXB Kim Đồng đã phát hành tập truyện ông viết cho thiếu nhi “Chú mèo đi hoang” với khối lượng 24.200 bản. Trần Đình Nhân với tư cách một nhà thơ vùng mỏ dần dần xuất hiện. Từ đó đến nay ông đã xuất bản 6 tập thơ, 5 tập truyện cho thiếu nhi và 2 tập ký. Ông cũng “đã kịp” đoạt 14 giải thưởng văn học nghệ thuật cấp ngành và địa phương.

Hôm tôi về Vàng Danh được nghe câu ca cũ: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Vàng Danh”. Thiên nhiên ở vùng mỏ bốn mùa mưa nắng đều khắc nghiệt. Với mùa hè “Có nắng nơi nào như nắng ở đây/ Nắng đến nỗi con ve phải tìm nơi ẩn nấp/ Chẳng dám ngân vang lời cấp tập/ Ngợi ca vẻ đẹp mùa hè” (Nắng hè trên mỏ). Với mùa đông, Trần Đình Nhân khắc họa: “Cái lạnh thấu xương leo lên từ đáy mỏ/ Từ thinh không dội khắp các ngả tầng/ Cái lạnh buốt leo thang từ mọi phía/ Tháng chạp chửa qua rét đậm đã giêng hai” (Mùa đông ở mỏ).

Trong nghề mỏ, thợ lò thường tự nói về mình là những “người trần gian, làm việc âm phủ”... với đầy rủi ro sự cố hầm lò như bục nước, ngạt khí, cháy mỏ, nổ khí mê tan... Tất cả các mỏ than trên thế giới đều thế. Tôi đã xuống hầm lò của mỏ than Mông Dương, Mạo Khê... nên cảm nhận được những rủi ro này. Các đơn vị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hiện nay đều có các quy chuẩn, áp dụng các thành tựu công nghệ, nhất là chuyển đổi số để giám sát an toàn, vệ sinh lao động, nhưng không ai dám chắc chắn sự cố không xảy ra. Mỗi lần vào ca, thợ lò đều được bàn bạc về phương án sản xuất; trước khi vào lò đều nắm tay giơ lên, miệng hô hai chữ “an toàn”; từ lò bước lên “dương gian” bàn giao ca, coi như “nụ cười chiến thắng”. Gần như các cung bậc cảm xúc ấy của người thợ mỏ Trần Đình Nhân đã đưa hết vào trong thơ. Đó là nơi “Bốn mùa chao tiếng than rơi/ Bốn mùa gió với ngập trời nắng mưa”; “Mùa than cũng nhặt cũng thưa/ Cũng chông chênh bão sớm trưa mặt người” (Lục bát mỏ).

Cuộc sống thợ mỏ với bao nhiêu lấm láp, cơ hàn được Trần Đình Nhân khắc họa: “Đêm cuối năm tầng mỏ trắng hơi sương/ Đêm thao thức bốn mùa như trở lại/ Cái nóng vùng than, mồ hôi không kịp chảy/ Cái rét vùng than, rét sẫm bờ lau trắng/ Cơn mưa vùng than thác dội từ trời/ Cái khốc liệt ngấn vàng khóe mắt/ Lo toan dày bàn tay...” (Đêm cuối năm).

Trần Đình Nhân có nhiều đúc kết: “Thợ mỏ ít lời hoa mỹ/ Tiếng thường lớn như chiều động biển/ Thẳng như tiếng búa, tiếng đe...” (Thợ mỏ II). Hoặc: “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Đi tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ.../ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay trước chiều bão giông...” (Thợ mỏ III).

Nhà thơ Trần Đình Nhân dưới hầm lò mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh).

Nhà thơ Trần Đình Nhân dưới hầm lò mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh).

Gian khổ, nhưng với tâm thế “Thợ lò - Chiến sĩ” họ luôn luôn lạc quan, yêu đời. “Làm việc trong lòng đất/ Đầu đội cả vầng trăng/ Đêm ngày trăng tỏa sáng/ Vòm than hóa mênh mang” (Thợ lò). “Mùa than” với thợ lò cũng như mùa vàng với người nông dân bao giờ cũng xốn xang, hạnh phúc. “Mùa than và tình yêu/ Trải qua chiều mưa nắng/ Sau bao nhiêu thầm lặng/ Cập bến đỗ tinh khôi” (Mùa than mới).

Hôm tôi về mỏ Vàng Danh biết được câu chuyện, tìm bạn đời với thợ lò cũng là một điều không giản đơn. Đa số thợ lò đều con em nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, thợ lò sinh ra trên đất mỏ không nhiều. Chính vì thế, từ lâu nay Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp tổ chức các chương trình như “Kết nối trái tim”, “Giao lưu hạnh phúc” cho thợ mỏ. Cũng đã có nhiều đôi lứa nên duyên nhờ chương trình. “Em về phố mỏ làm dâu/ Yêu nhau phải vượt mấy cầu sông quê/ Gió làng thổi tạt bờ đê/ Lấy chồng thợ mỏ em về phố than” (Em làm thợ mỏ). Nhà thơ Trần Đình Nhân đã có những cảm xúc nhân văn về một trong những hoạt động xã hội ý nghĩa của ngành Than.

*

Trần Đình Nhân đã viết về vùng mỏ, về người vùng than với tất cả cảm xúc, trăn trở và suy tư, tự hào và khát vọng. Gần như các mỏ than thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đều có “chân dung thơ” trong “gia tài thơ” Trần Đình Nhân. “Thơ Nhân ít trụ lại ở một nỗi niềm mà thường lang thang qua nhiều trạng thái... tôi đọc và tôi tin”, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh thời nhận xét về các “cung bậc” thơ Trần Đình Nhân như vậy.

Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành Than, Trần Đình Nhân đã cho ra mắt tuyển tập thơ “Tôi và Than”, NXB Văn học. Tuyển gồm 80 bài thơ nói lên vẻ đẹp vùng mỏ và lao động của những người thợ mỏ. Tập sách được đánh giá là “bản sonata” cháy bỏng tình yêu mà ông viết cho mình, dâng hiến cho đồng đội, cũng như mảnh đất, con người vùng than đã cưu mang, bọc đùm ông và gia đình. Tên tập thơ thay lời xác tín.

“Vẫn nồng nàn sắc lửa của than/ Dù sớm trưa nắng mưa tầng mỏ/ Ngày mới đến vẫn dáng hình xứ sở/ Bàn chân người ngược những phong ba”, (Thợ mỏ làm gì cũng được). Trần Đình Nhân luôn tự hào về thợ mỏ - những người đã và đang làm ra nhiều than cho Tổ quốc.

Trần Đình Nhân là người thợ đúng nghĩa. Năm 2003, khi 46 tuổi ông mới có cơ may về tới văn phòng mỏ để chuyên tâm sáng tác. Ông tâm sự: “Cái vất vả, lam lũ là đặc trưng của nghề khai thác mỏ, chính vì thế từ máu đến hơi thở của họ như đã thể hiện ý chí và tinh thần với công việc, với cuộc sống. Nếu không hiểu được tình cảm, bản chất, tinh thần ấy cùng những nhọc nhằn, lo toan của họ thì người sáng tác không thể chạm được vào hồn, cốt của thợ mỏ!”.

Trần Đình Nhân chọn vùng than hay ngược lại? Khó có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng, vùng than đã tạo ra một Trần Đình Nhân với giọng thơ khác biệt. Ông viết để trả nợ, trả nghĩa vùng đất, tôn vinh thợ mỏ. "Mùa than cũng nhặt cũng thưa/ Cũng chông chênh bão, sớm trưa mặt người/ Cũng trong đục cũng khóc cười/ Cũng chờ cũng đợi đứng ngồi với than/ Mùa than sậm cả gió ngàn/ Còn trông sóng cả biển gần sông xa” (Lục bát mỏ).

Nhà thơ Trần Đình Nhân là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trang Thi viện, giới thiệu về ông bằng sự trân trọng với 219 bài thơ. Không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có được “giao diện” tác giả, tác phẩm như Trần Đình Nhân. “Bản thân tôi là thợ mỏ. Vì thế những trang viết trong sáng tác dành cho thợ mỏ chính là tôi viết cho tôi và cho bạn bè tôi”, nhà thơ chia sẻ. Có người ví Trần Đình Nhân là nhà thơ bước lên từ đáy mỏ, văn chương của ông cũng lấm láp đời sống, cất lên tiếng nói, tiếng hát của người lao động.

Tôi cứ nhớ mãi, dáng ông khật khưỡng leo lúc từ đáy moong sâu hút, lúc thì từ hầm mỏ lầm than mà đi...

Hà Nội, ngày 14/5/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-tho-tran-dinh-nhan-lam-lap-doi-song-vung-than-i732188/