Nhà thơ Vương Trọng: Chiêm nghiệm về đời sống nhân sinh
Nhà thơ Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh ngày 1/8/1943 tại Đô Lương, Nghệ An, còn có bút danh Dương Nguyên, Đồ Nghệ. Ông tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đi nhập ngũ, phục vụ ở Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi làm giáo viên Trường Văn hóa quân đội, đồng thời sáng tác thơ, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Vương Trọng theo học Trường Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 1964, ông làm biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Các tác phẩm đã xuất bản gồm 30 đầu sách, trong đó có gần 20 tập thơ và trường ca: "Thơ người ra trận" (thơ in chung, 1972); "Khoảng trời quê hương" (thơ, 1979); "Những ngày xa" (thơ, 1986); "Về thôi nàng Vọng Phu" (thơ, 1991); "Đảo chìm" (trường ca, 1994); "Hồn quê" (truyện ngắn, 1994); "Mèo đi câu" (thơ thiếu nhi, 1996); "Cánh chim Phay Khắt" (truyện thơ). Các giải thưởng văn học: 2 lần được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993 và 1996); 5 lần được Giải thưởng của Bộ Quốc phòng; Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007.

Nhà thơ Vương Trọng.
Nhà thơ lục bát lão thành có nhiều độc giả
Nói đến nhà thơ Vương Trọng là phải nói đến thơ lục bát và "Truyện Kiều". Ông là một cây thơ lục bát lão thành có khá nhiều độc giả theo phong cách của một "Ông đồ xứ Nghệ", và có nhiều nhận định rất sâu sắc về thể thơ truyền thống này.
Ông nhận xét: "Thơ lục bát là hơi thở tự nhiên của dân tộc ta, đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử. Khi người Việt có ngôn ngữ, tức tiếng nói, là thơ lục bát hình thành. Thuở sơ khai chắc chỉ những câu đơn lẻ, chưa có luật lệ, dần dần phát triển thành cặp câu, luật về vần và điệu mới ra đời. Trong quá trình truyền miệng, thơ lục bát hầu hết dưới dạng ca dao, tục ngữ ngắn gọn. Khi có văn tự mới có thể lưu giữ được những bài dài hơi. Thơ lục bát một thời xuất hiện trong các truyện thơ với thế mạnh của tự sự, tức kể chuyện. Bên cạnh đó, thể lục bát tạo điều kiện thuận lợi cho con người thể hiện tình cảm của mình như thương nhớ, yêu đương, gần gũi với ngôn ngữ dân gian…".
Từ nhiều năm trước đây, nhà thơ Vương Trọng đã đến với người đọc qua bài thơ lục bát nổi tiếng "Bên mộ cụ Nguyễn Du". Qua thời gian, bài thơ vẫn là tiếng nói có sức rung động đi cùng năm tháng: "Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây/ Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi tay nắm bàn tay của mình/ Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề/ Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi/ Lặng im bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm/ Không cành để gọi tiếng chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời/ Không vầng cỏ ấm tay người/ Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu/ Thanh minh trong những câu Kiều/ Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân/ Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần riêng ai/ Bao giờ cây súng rời vai/ Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên/ Trái tim lớn giữa thiên nhiên/ Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa".
Bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du" của Vương Trọng không chỉ là một bài thơ tưởng nhớ Đại thi hào, thể hiện sự chiêm nghiệm nhân sinh mà còn là một tác phẩm chứa đựng những suy tư sâu sắc về kiếp người, về thời gian. Sử dụng biểu tượng thơ mạnh mẽ và nghệ thuật lục bát tinh tế, tác giả đã khéo léo kết nối giữa không gian hiện tại với quá khứ, giữa con người với thiên nhiên, giữa nỗi buồn và sự kính trọng, tạo nên một bức tranh thi ca đậm chất triết lý và nhân văn. Những câu thơ lục bát của Vương Trọng không chỉ mang tính nhạc điệu mà còn thể hiện sự tinh tế trong việc lựa chọn ngôn từ, thể hiện sự giao hòa giữa quá khứ và hiện tại. Nghệ thuật thơ lục bát trong bài thơ có tính thiền, giống như một dòng suy tưởng, một nỗi niềm chiêm nghiệm về cuộc sống, về cái chết.
Nhận định về thế mạnh của thơ lục bát, Vương Trọng cho rằng: "Muốn thơ mình có ích, muốn tư tưởng, tình cảm của mình có thể đến với người đọc, thì ít ra, thơ cũng cần dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ viết ra để bạn đọc đọc rồi mà không thể nhớ tý gì, thì thơ đó có cũng như không! Lục bát là thể thơ giúp bạn đọc dễ thuộc, dễ nhớ hơn tất cả những thể thơ khác".
Thơ sinh ra không để "chơi chữ" mà để chuyển tải nỗi lòng
Không chỉ sâu sắc, tinh tế trong thơ lục bát, ở các thể loại khác, nhà thơ Vương Trọng những thập niên qua đã gây được sự chú ý của số đông người yêu thơ. Qua các tập thơ của ông có thể thấy được sự lao động nghiêm túc trong nghệ thuật, mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ nỗi đau của những phận người, cái mà chỉ ít năm trước đây, người làm thơ thường né tránh.
Thơ của ông dường như nghiêng về sự cảm thông những nỗi niềm, những cảnh đời đơn lẻ, mất mát đau đớn trong thân phận của người phụ nữ. Từ nỗi đau của người đàn bà không chồng, muốn được làm mẹ đã từng xa xót: "Đêm về khuya cả phòng lặng ngủ/ Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con/ Mặc người đời gọi con ngoài giá thú/ Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn/ Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ/ Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường/ Nửa làm máu nửa chia ra làm sữa/ Hạnh phúc nào bằng san sẻ yêu thương/ Thôi nhắc chi những năm dài trống trải/ Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu/ Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải/ Pháo cưới người như đốt để trêu nhau…" (Với đứa con ngoài giá thú-thơ Vương Trọng).

Bìa tập thơ "Về thôi nàng Vọng Phu" của nhà thơ Vương Trọng.
Đến cái chết bi thảm của công chúa Mỵ Châu đã từng làm đề tài cho thơ ca bao thế kỷ. Một lần nữa trở lại với tình sử này, Vương Trọng đã đứng về phía tình yêu để cởi án cho nỗi oan khiên còn day dứt muôn đời: "Khi quay lại chém con sau yên ngựa/ An Dương Vương, người đã nghĩ suy gì?/ Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã/ Và nghe lời mách bảo của Kim Quy…/ Lông ngỗng rơi, lông ngỗng rơi trắng lối/ Dứt áo ra như dứt thịt da mình/ Phút ly loạn, chàng ở đâu chẳng tới/ Trọng Thủy ơi, thiếp đã chạy xa thành…/ Đã là vua lại có thần mách bảo/ Tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi/ Mà người chết, không hiểu sao mình chết/ Thì hồn oan còn đập cửa muôn đời/ Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi/ Lúc yên bình và cả khi giặc giã/ Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa/ Yêu chân thành, thật có tội gì đâu?".
Bài thơ "Mỵ Châu" của Vương Trọng là một tác phẩm đầy cảm xúc và sâu sắc, khai thác câu chuyện bi kịch của công chúa Mỵ Châu, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, với sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử và các góc nhìn nhân văn. Vương Trọng đã khéo léo thể hiện bi kịch của Mỵ Châu qua những hình ảnh mạnh mẽ và đầy biểu tượng, đồng thời thể hiện sự đau đớn của cô gái yêu chân thành, bị định mệnh và những yếu tố ngoài tầm kiểm soát làm cho cô phải chịu cái chết oan nghiệt, đây còn là một bài học sâu sắc về sự đau đớn của tình yêu, sự sai lầm trong sự phán quyết của quyền lực, thể hiện thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu và số phận.
Có lẽ, trong đời thơ của mình, nhà thơ Vương Trọng đã dành cho những thân phận phụ nữ xót xa những bài thơ hay nhất của mình với sự lặng lẽ đồng cảm thấm đẫm tình người và nhân thế. Nhà thơ đã chạm tới được cõi thẳm sâu của tâm linh, không phải bằng sự phá vỡ ồn ào sắc cạnh của lý trí mà bằng cảm xúc của trái tim. Đã bao năm chiến chinh đi qua với hình tượng người vợ hóa đá chờ chồng, nỗi đau thăm thẳm đã khắc tạc nơi đá ấy trong lời đối thoại của Vương Trọng với các nàng Vọng Phu, cũng chính là: "Người đời biết thân ta hóa đá/ Nhưng hay đâu ta hóa đá niềm tin/ Hóa đá nỗi cô đơn/ Và thời gian chờ đợi/ Ta hóa đá đợi triệu lần nỗi đợi/ Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong" (Trò chuyện với Vọng Phu - thơ Vương Trọng)
Không chỉ viết về những nỗi đau, những bài thơ viết về tình yêu của Vương Trọng với những thoáng kỷ niệm say đắm, xúc động lại mang đến cho người đọc một cách nhìn tươi mới, giàu sức sống giữa tình người và tình thiên nhiên: "Cái thời bến có con đò/ Tán cây biết tỏa bóng cho mái đầu/ Cái thời mơ ước thì cao/ Bầu trời cũng đẹp, ngôi sao cũng gần/ Cái thời người ấy chớm xuân/ Ta vừa lớn dậy mới lần đầu yêu". Thể lục bát truyền thống viết hay được vốn rất khó. Cái mạch trữ tình trong thơ Vương Trọng cứ lặng lẽ bày tỏ, lặng lẽ bộc bạch để đưa sự cảm thông đến với người đọc những rung động sâu xa mà không dễ mấy người làm thơ có được.
Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Vương Trọng cho biết: "Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương. Bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn, đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận. Đừng đối lập sự trong sáng, dễ hiểu với sự sâu sắc "Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu. Dòng suối cạn muốn dọa người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục. Nông, sâu là ý tứ. Trong, đục ấy ngôn từ".