NSND Tự Long: Kịch bản chèo cổ đã thiếu vắng trong nhiều thư viện

Theo NSND Tự Long, nguồn tư liệu về chèo cổ như sách, văn bản lưu truyền đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc bảo tồn là điều cấp thiết để lưu giữ giá trị dân tộc.

 NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Hội thảo "50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất; thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển" do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Quân đội nhân nhân tổ chức, NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - có bài tham luận, đề xuất một số phương án để nghệ thuật chèo ngày một phát triển. Tri Thức - Znews trân trọng giới thiệu trích đoạn tham luận.

Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một số người tha thiết với việc bảo tồn giá trị nghệ thuật chèo, muốn làm công việc mà các thế hệ trước chưa kịp làm nhưng đã gặp phải một số khó khăn lớn như: Do hoạt động dạy theo tính chất trao truyền, mãi đến những năm 40 (thế kỷ XX) mới lác đác có vài cuốn sách có nói về chèo được xuất bản.

Trong các thư viện ngày nay, các kịch bản chèo cổ đã thiếu vắng, thậm chí đến những vở chèo mới được viết từ năm 1945 đến năm 1975 cũng bị thất lạc rất nhiều. Các nghệ nhân, các nghệ sĩ lớp trước đã lần lượt ra đi, mang theo vốn liếng nghệ thuật của cả đời sinh tử vì nghề.

Đặc biệt, những nhà chuyên nghiên cứu về chèo, các nhà chuyên viết kịch bản cho chèo còn lại rất ít. Việc sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật chèo diễn ra trên địa bàn rộng không dễ gì một cá nhân, hay một nhóm người có thể thực hiện được, cùng với những khó khăn về cơ chế hoạt động, kinh phí... Thời đại mới, đòi hỏi tính khoa học, thực tiễn khi nghiên cứu di sản văn hóa vừa là vật thể vừa là phi vật thể như nghệ thuật chèo.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, làn sóng văn hóa nước ngoài qua phim ảnh, một số bộ môn nghệ thuật khác đã lấn át nghệ thuật dân tộc. Một bộ phận thanh niên đã xa rời nghệ thuật dân tộc. Một số nhà sáng tác và diễn viên chạy theo thị hiếu quần chúng đã pha tạp nhiều yếu tố ngoại lai, phần nào đã làm cho nghệ thuật chèo mất đi bản sắc vốn được coi là thế mạnh của chèo, thu hút quần chúng qua nhiều thế kỷ.

Để nghệ thuật chèo ngày một phát triển

Thứ nhất, gìn giữ và phổ biến những tác phẩm chèo có giá trị nghệ thuật, mang tính giáo dục đạo đức xã hội, góp phần phòng, chống xâm lăng về văn hóa.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu chèo, thông qua trò diễn, tích diễn, vở diễn mà trong đó mỗi số phận của từng nhân vật được chuyển tải bằng yếu tố thẩm mỹ, đã góp phần di dưỡng tâm hồn khán giả, lên án cái ác, đề cao sự hướng thiện, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định: Văn học, nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Nằm trong dòng chảy đó, nghệ thuật sân khấu chèo gắn với cuộc sống của thời đại và việc bồi dưỡng đạo đức, năng lực thẩm mỹ cho con người, đem đến cho con người những giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, tạo ra một hệ chuẩn mang tinh thần nhân văn cao đẹp.

 NSND Tự Long trong vở chèo Chu Văn An - người thầy muôn đời. Ảnh: Vietnamnet.

NSND Tự Long trong vở chèo Chu Văn An - người thầy muôn đời. Ảnh: Vietnamnet.

Nghệ thuật chèo chính là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người. Đó là hình tượng anh lái xe dũng cảm, sáng tạo, đại diện cho lớp thanh niên mang phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ" trong Anh lái xe và cô chống lầy, Đường về trận địa; hình tượng bà mẹ trong Những người mẹ...

Thứ hai, xây dựng vở diễn mới có đề tài ca ngợi danh nhân, anh hùng lịch sử của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần nuôi dưỡng, phát triển giá trị phẩm chất đạo đức "Bộ đội Cụ Hồ".

Với đặc thù là "Chiếu chèo chiến sĩ”, xuyên suốt hành trình lịch sử phát triển của mình, Nhà hát Chèo Quân đội luôn ưu tiên dàn dựng đề tài chiến tranh cách mạng với mục đích tôn vinh, ca ngợi, tri ân những anh hùng dân tộc, bộ đội, thanh niên xung phong, những người mẹ, người chị ở hậu phương... đã hy sinh tuổi trẻ, thậm chí là sinh mệnh của mình nơi chiến trường vì độc lập, tự do, vì non sông gấm vóc.

Trong kế hoạch xây dựng vở diễn mới, đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là đối tượng chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa, Nhà hát Chèo Quân đội thấm nhuần đường lối chỉ đạo về văn hóa, văn nghệ của Đảng, của đơn vị trực tiếp quản lý là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chú trọng phương thức nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và phản ánh đúng sự thật, với nhận thức là không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc với việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Với quan điểm mọi hoạt động nghệ thuật phải tính đến hiệu quả xã hội, nhấn mạnh quan hệ chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong chiến lược con người, toàn thể xã hội (trong đó có lực lượng quân đội) đều phải coi trọng văn hóa, với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực mạnh mẽ của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

NSND Tự Long (Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội)

Nguồn Znews: https://znews.vn/nsnd-tu-long-cac-kich-ban-cheo-co-da-thieu-vang-trong-nhieu-thu-vien-post1542891.html