Nhà Trắng công bố các bước mới để phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Nhà Trắng đã công bố các bước tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn, một động thái đánh dấu một năm kể từ khi Tổng thống Biden ký sắc lệnh điều hành nhằm tăng cường chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Sắc lệnh hành pháp trên được ký một năm trước liên quan đến cách tiếp cận của chính phủ nhằm đánh giá các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, trong đó các quan chức chính quyền cấp cao cho biết xử lý vấn đề chuỗi cung ứng là ưu tiên chính sách của Tổng thống Biden. Các quan chức cũng cho biết, do tập trung vào chuỗi cung ứng, Mỹ sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự gián đoạn nào mà cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Theo kế hoạch, bảy cơ quan nội các sẽ công bố báo cáo xác định những điểm yếu chính trong chuỗi cung ứng, đề ra các chiến lược kéo dài nhiều năm để giải quyết. Nhà Trắng cũng đang công bố một báo cáo cung cấp cái nhìn tổng quan về các hành động chính mà chính quyền Mỹ đã thực hiện. Các quan chức chính quyền gọi báo cáo trên là một “cột mốc quan trọng” và gọi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng là “một ưu tiên lâu dài của quốc gia". Các bước này cũng nhằm mục đích xây dựng Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ hướng tới một chuỗi cung ứng thịt và gia cầm có tính cạnh tranh và linh hoạt hơn, trong đó bao gồm việc cung cấp 25 triệu USD tài trợ cho lực lượng lao động chế biến thực phẩm.
Chính quyền Mỹ cũng mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các nhà sản xuất nhỏ, nâng cao năng lực lãnh đạo công nghệ của các nhà sản xuất, đồng thời đầu tư vào sản xuất bền vững trong nước và chế biến các khoáng sản quan trọng. Ngoài ra, hội đồng quản trị của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Eximbank) sẽ bỏ phiếu về một sáng kiến trong nước mới, bao gồm việc cung cấp ưu tiên tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ hoạt động có lợi cho môi trường.
Chính quyền cũng có kế hoạch ban hành quy tắc "Mua hàng Mỹ" (Buy American), trong đó sẽ tạo ra một danh mục sản phẩm quan trọng mới đủ điều kiện để được hưởng các ưu đãi về giá nâng cao. Quy tắc này cũng sẽ cho phép chính phủ liên bang trả thêm phí bảo hiểm cho các sản phẩm quan trọng sản xuất trong nước cần thiết cho chuỗi cung ứng và cho phép các nhà sản xuất Mỹ có thời gian hơn trong việc đảm bảo các hợp đồng với chính phủ. Bên cạnh đó, quy tắc trên cũng sẽ mở rộng văn phòng Đạo luật Sản phẩm quốc phòng (Defense Product Act) của Bộ Y tế để cung cấp các khoản vay và trợ cấp nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời các nguồn công nghiệp thiết yếu trong nước. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phát triển Văn phòng chuỗi cung ứng năng lượng để đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng cần thiết, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng.
Các quan chức cho biết Đạo luật cạnh tranh Mỹ (America Competes Act), còn được gọi là dự luật cạnh tranh với Trung Quốc, sẽ giúp phục hồi chuỗi cung ứng trong dài hạn. Dự luật này nhằm tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và được thông qua tại cả Hạ viện và Thượng viện, song chưa đạt được sự đồng thuận lưỡng viện để chính thức thông qua.