Nha Trang mùa cây bàng thay lá

Với nhiều người đã từng sống ở Nha Trang khoảng ba chục năm trước, điều gợi nhớ Nha Trang ngoài biển xanh, cát trắng còn có kiến trúc Pháp và mùa cây bàng thay lá.

Tuổi học trò ai cũng từng một lần làm bài văn tả cây bàng. Tán bàng xòe rộng tỏa bóng mát sân trường, gốc bàng sần sùi với câu văn mẫu thuộc lòng “Cây bàng trường em cành lá to sum suê, ba người ôm không xuể”. Tuổi học trò nào mà không thử đập trái bàng lấy nhân ăn, beo béo, bùi bùi, thơm thơm. Những gói xôi bằng lá bàng của bà bán xôi trước cổng trường là kỷ niệm một thời khó quên.

Cây bàng xưa trên đường Trần Phú. Ảnh sưu tầm

Ngày xưa cơ quan tôi, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Phú Khánh tọa lạc tại 50 đường Trần Phú là một tòa biệt thự kiểu kiến trúc Pháp. Tòa nhà nằm lọt thỏm trong không gian sân vườn rộng, toàn cây bàng cổ thụ, tôi không nhớ có bao nhiêu cây bàng cả phía trước và sân phía sau. Từ bàn làm việc của tôi nhìn ra cửa sổ là thấy biển, những hàng dương thật cao trông hoang sơ, bình yên. Bốn mùa tám tiết, lúc biển êm ngọt ngào, khi ầm ào dữ dội. Nhà tôi ở Thành (huyện Diên Khánh), sáng đi làm mang cơm theo, trưa ở lại cơ quan. Những ngày mùa đông, ăn cơm xong nằm cong như tôm trên bàn vì lạnh, nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm bên kia đường nhiều lúc rung rinh cửa kính luôn.

Cây bàng thay lá trong khuôn viên Thư viện tỉnh bây giờ.

Mùa cây bàng thay lá, sân dày lá bàng, giẫm lên lớp lá bàng nghe lạo xạo nhưng cảm giác rất êm chân. Đến chiều thứ Bảy, mọi người dành một giờ trước khi ra về cùng nhau quét, gom lá thành đống rồi đốt. Trời lạnh, tôi thích nhìn đống lửa chập chờn lung linh và khói bay lên, ấm sực một không gian nhỏ. Hồi đó, Nha Trang còn nhiều ngôi nhà kiến trúc Pháp. Chiều tan sở, tôi thích chạy xe lòng vòng trung tâm thành phố. Khi ấy, Nha Trang còn ít xe, vắng người nên tà tà ngắm phố, ngắm những cây bàng thay lá bên cạnh kiến trúc Pháp, đẹp tuyệt vời!

Cây bàng và chóp chuông Nhà thờ đá.

Lại nhớ Thư viện tỉnh cũng nằm trên con đường biển. Một ngôi nhà kiến trúc Pháp, cũng giữa khuôn viên đầy những cây bàng cổ thụ, quanh năm lộng gió. Vào mùa hè, độc giả đến đây không chỉ đọc sách, báo, học bài, mà còn hưởng gió biển. Hồi đó làm gì có điện thoại để lướt net, chỉ đọc báo in và mượn sách. Phòng đọc báo lúc nào cũng đông bạn đọc. Ở đây có đầy đủ báo, tạp chí trong Nam, ngoài Bắc, báo ngoại văn. Khách đến thư viện đọc báo riết rồi quen nhau, từ cô thủ thư dễ mến đến những chàng sinh viên, bác cán bộ về hưu... Bạn đọc gần như quen mặt nhau và cô thủ thư thuộc lòng sở thích đọc báo nào, thời gian đến thư viện của khách.

Tôi nhớ bác Lê Quang Du - độc giả thường xuyên ở tủ báo ngoại văn. Hầu như ngày nào bác cũng đến đây, đọc hết các báo từ tiếng Anh đến tiếng Pháp. Khi ấy, bác Du là thành viên Câu lạc bộ Những người nói tiếng Pháp ở Nha Trang. Một lần nghe bác kể câu chuyện khá thú vị: Năm 1999, bác nhận được giải nhất cuộc thi thơ bằng tiếng Pháp có tên “Printemps de Poets” (Mùa xuân của các thi sĩ) với một chuyến đi Pháp 3 tuần lễ. Cuộc thi qua nhiều vòng, ở vòng về đích, bác Du làm bài thơ: “Notre Amour” (Tình yêu của chúng ta) trong vòng 15 phút. Bác Du dịch bài thơ ra tiếng Việt, cánh trẻ chúng tôi nghe vỗ tay rào rào vì bài thơ hay quá!

Thành phố nhỏ nhắn và êm đềm, khuôn viên thư viện buổi chiều gió từ biển thổi vào làm hàng cây bàng cổ thụ xào xạc tiếng lá. Hồi đó, tôi thường nghĩ, tuổi già của bác Du thật êm đềm nhưng vẫn thật xanh với tình yêu con người, thiên nhiên hòa vào trong thơ; và tôi hay ví von vui với bác rằng, có một hoàng hôn vẫn còn xanh lắm!

Mùa tháng Chạp, trong thành phố có nhiều cây bàng đang thay lá. Tôi ghé Thư viện tỉnh (giờ đây nằm trên đường Trần Hưng Đạo), trong khuôn viên vẫn còn tòa nhà kiến trúc Pháp bên cạnh có những cây bàng đẹp lãng mạn. Bác Du đã về vui với mây trời từ nhiều năm trước rồi. Tất cả chỉ còn là những vùng ký ức đẹp mỗi khi nhớ lại một thời đã qua, không máy tính, không điện thoại, chỉ có những trang báo in, những cuốn sách vừa mượn và những buổi chiều thật êm đềm ngồi trên ghế đá trong khuôn viên thư viện, nghe tiếng sóng biển. Vào mùa thi, những chàng trai, cô gái ngày ấy vùi đầu vào sách vở giờ có lẽ đã công thành danh toại, có người chắp cánh bay xa vào vùng trời mơ ước và cũng có người ở lại Nha Trang. Tôi hình dung, thỉnh thoảng họ gặp nhau trong cuộc họp lớp chẳng hạn, họ lại nhắc về những kỷ niệm xưa, nơi thư viện ấy và mùa thi. Đó là Nha Trang với những tòa nhà kiến trúc Pháp và hàng cây bàng hết mùa lá chín đỏ, rồi qua Tết âm lịch là đến mùa xuân, những cây bàng lại lún phún lá non xanh… Xuân, hạ, thu, đông…

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202401/nha-trang-mua-cay-bang-thay-la-4e034c4/