Nhà Trắng: Mỹ cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với dòng chảy năng lượng của Nga, nhưng 'chưa phải ngay bây giờ'
Reuters ngày 2/3/2022 đưa tin hôm thứ Tư, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dòng chảy dầu và khí đốt của Nga nhưng việc theo đuổi trừng phạt hoạt động xuất khẩu của Nga hiện nay có thể giúp ích cho Moscow, khi giá dầu tăng lên mức cao mới trong 11 năm và làm gia tăng sự gián đoạn nguồn cung. Vì vậy, Mỹ không muốn thực hiện biện pháp đó ngay bây giờ.
Nhà Trắng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu công nghệ sang các nhà máy lọc dầu của Nga và đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga khi cân nhắc các tác động lên thị trường dầu toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ. Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Người phát ngôn Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có lợi ích chiến lược trong việc giảm cung cấp năng lượng toàn cầu, việc đó sẽ làm tăng giá xăng bán cho người Mỹ.
Phát biểu với MSNBC hôm thứ Tư, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ có thể ngăn chặn dầu của Nga, biện pháp này đang được đặt trên bàn xem xét “nhưng chúng ta cần cân nhắc xem xét tất cả các tác động sẽ như thế nào". Psaki nói Mỹ muốn giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu và tác động của giá năng lượng đối với người dân Mỹ, nhấn mạnh rằng "chúng tôi không cố gắng làm tổn thương chính mình, chúng tôi đang cố gắng làm tổn thương Tổng thống Putin và nền kinh tế Nga." Hôm thứ Ba, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ nhằm giảm nhẹ tác động gián đoạn nguồn cung.
Phát biểu với MSNBC, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Bharat Ramamurti cũng cho biết Nhà Trắng vẫn chưa muốn thực hiện bước đi này. Việc theo đuổi trừng phạt dầu và khí đốt của Nga vào thời điểm này sẽ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và thực sự có thể phản tác dụng đối với việc tăng giá dầu và khí đốt trên thế giới, đồng nghĩa với việc tăng thêm lợi nhuận cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. "Vì vậy, chúng tôi không muốn đi tới biện pháp đó ngay bây giờ."
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà máy lọc dầu của Nga, cấm xuất khẩu các công nghệ cụ thể, một động thái có thể khiến Nga khó hiện đại hóa các nhà máy đó hơn. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Biden vẫn cảm thấy khó nói khi thông báo chưa nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga như một phần trong các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp dụng đối với Moscow. Mặc dù vậy, các thương nhân, ngân hàng Mỹ và phương Tây đã tránh giao dịch các chuyến hàng dầu của Nga qua đường ống và tàu chở dầu, khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Một số nhà lập pháp Mỹ đang thúc đẩy một dự luật mà các nhà phân tích năng lượng cho rằng có thể dẫn đến giá xăng dầu cao hơn. Thượng Nghị sỹ Đảng Dân chủ Joe Manchin và Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Lisa Murkowski trong Ủy ban Năng lượng của Thượng viện đã thông qua một dự luật cấm nhập khẩu dầu thô, nhiên liệu lỏng và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga. Người phát ngôn của Thượng Nghị sỹ Joe Manchin cho biết hai Thượng nghị sĩ này đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ cho dự luật của họ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng các sản phẩm thô và tinh chế từ Nga mỗi tháng trong năm 2021, chiếm khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ.
Giá dầu thô của Mỹ kết thúc hôm thứ Tư ở mức 110,60 USD / thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2011, trong khi giá dầu Brent toàn cầu ổn định ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014, ở mức 112,93 USD. Trong khi đó, tại cuộc họp hôm thứ Tư (2/3), tổ chức các nước xuất dầu và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4/2022./.