Nhà Trắng phản ứng mạnh trước quyết định hạ tín nhiệm của hãng Moody's
Ngày 17/5, Nhà Trắng đã chỉ trích quyết định hạ xếp hạng tín dụng của hãng Moody's đối với Mỹ và coi đây là một quyết định mang tính chính trị.

Trang web của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Bloomberg, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Steven Cheung, người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, đã chỉ đích danh ông Mark Zandi, một nhà kinh tế của Moody's Analytics. Theo đó, ông Zandi bị cáo buộc thường xuyên đưa ra những chỉ trích đối với các chính sách của chính quyền Mỹ.
"Không ai coi trọng 'phân tích' của ông ấy. Ông ấy đã bị chứng minh là sai hết lần này đến lần khác", ông Cheung tuyên bố.
Trước đó vào cùng ngày 16/5, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, đánh dấu một động thái mang tính bước ngoặt làm dấy lên nghi ngờ về vị thế của Mỹ với tư cách là quốc gia vay nợ có độ tin cậy cao nhất thế giới. Cơ quan này đã hạ xếp hạng của Mỹ từ AAA (cao nhất) xuống AA1 và trở thành tổ chức xếp hạng thứ 3 cùng với Fitch Ratings và S&P Global Ratings đưa ra động thái tương tự đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố hôm 16/5, Moody's cho biết: "Mặc dù chúng tôi thừa nhận sức mạnh kinh tế và tài chính đáng kể của Mỹ nhưng chúng tôi cũng tin rằng những sức mạnh này không còn đủ sức bù đắp hoàn toàn cho sự suy giảm trong các số liệu tài chính".
Giải thích cho quyết định này, chuyên gia thẩm định tín dụng của Moody’s nhấn mạnh rằng trong hơn một thập kỷ qua, "nợ liên bang của Mỹ đã tăng mạnh do thâm hụt tài chính liên tục" và đề cập đến áp lực từ lãi suất cao hơn.
Ông Joe Lavorgna, cựu kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, cho rằng thời điểm công bố quyết định hạ tín nhiệm của Moody’s là "rất kỳ lạ". Trong cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Television vào hôm 16/5, ông cho biết về mặt doanh thu, các giả định về tăng trường của Moody's là "quá bi quan".
"Chắc chắn những người theo chủ nghĩa diều hâu về tài chính sẽ lấy đây làm lý do để thận trọng hơn về triển vọng", ông Lavorgna lưu ý.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục bảo vệ chương trình nghị sự kinh tế của mình khi tập trung vào việc cắt giảm thuế, nới nỏng các quy định và áp dụng thuế quan rộng rãi để mang đến nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực sản xuất hơn cho Mỹ, để từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, liệu rằng không rõ việc bị hạ cấp tín nhiệm trên có dẫn đến thay đổi chính sách ở Washington hay không. Động thái này của Moody's diễn ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã lên tới gần 2.000 tỷ USD mỗi năm – tương đương với hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Lãi suất cao hơn trong vài năm qua tại Mỹ cũng đã khiến chi phí trả nợ của chính phủ nước này tăng cao.
Cùng lúc đó, các nhà lập pháp Mỹ đang thảo luận về một gói cải cách thuế quy mô lớn, nhằm gia hạn các khoản cắt giảm đã được thông qua năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và bổ sung các khoản giảm mới mà ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử. Quyết định của Moody’s được công bố chỉ vài giờ sau khi một ủy ban chủ chốt của Hạ viện Mỹ không thông qua được gói thuế mới vì vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ bảo thủ cứng rắn, những người lo ngại về chi phí liên quan của dự luật.
Dự luật thuế trên được cho là sẽ làm tăng thêm thâm hụt trong những năm tới, nhưng đây lại là ưu tiên hàng đầu của ông Trump. Dự luật sẽ bao gồm khoản chi phí 1.500 tỷ USD cắt giảm chi tiêu trong thập kỷ tới nhưng sẽ không bao gồm khoảng 4.000 tỷ USD cắt giảm thuế được nêu trong kế hoạch.
Cùng vào ngày 16/5, Tổng thống Trump đã chỉ trích nhiều nhà lập pháp và thúc giục đảng Cộng hòa của mình nhanh chóng thông qua dự luật thuế. Nhà Trắng cũng lưu ý rằng chính quyền mong đợi các thành viên đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ gói thuế này.