Nha Trang: Phát huy nguồn lực văn hóa

Từ một vùng đất hoang sơ ven biển, TP. Nha Trang đã trải qua bao thăng trầm, biến động để vươn mình phát triển, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hành trình đó, nguồn lực văn hóa chính là sức mạnh nội sinh để bao thế hệ người dân Nha Trang yêu mến, gắn bó, cống hiến hết mình với thành phố quê hương.

Đất và người tạo nên nguồn lực lớn

Hơn 130 năm trước, trong lần đầu nhìn thấy vùng đất Nha Trang, bác sĩ A. Yersin đã phải thốt lên: “Vùng đất này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục...”. Quả thực, người dân Nha Trang bao đời nay vẫn luôn tự hào về khung cảnh thiên nhiên, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nhận được nhiều sự ưu ái từ mẹ thiên nhiên. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong một lần ghé lại Nha Trang cũng đã dành tặng những câu thơ: “Đẹp thay non nước Nha Trang/Người đi hồn vẫn mơ màng đâu đây”. Chính sự đa dạng về địa hình khi có cả đồng bằng, đồi núi, vịnh đảo đã tạo nên những danh lam thắng cảnh vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ của vùng đất này. Sự đãi đằng của thiên nhiên đã giúp người dân Nha Trang có điều kiện phát triển nên một nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Những nghề thủ công truyền thống, những lễ hội độc đáo như: lễ cầu ngư, lễ cúng lăng - cúng đình... đã khắc họa nên nền văn hóa biển, đảo đa dạng, phong phú gắn với sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư. Điều kiện tự nhiên cũng đã hun đúc bản tính của người dân Nha Trang cần cù, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, nhiệt tình, hòa hiếu trong các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Đất và người Nha Trang như thế đã tạo nên nguồn lực để đưa vùng đất này từ một làng chài nhỏ ven biển, cạnh sông dần trở thành một đô thị lớn, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa; là đô thị năng động của vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Trong tiến trình đó, thêm một lần sức mạnh văn hóa lại được nhắc tới. Trong nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng cố gắng để nơi đây trở thành một thành phố du lịch biển nổi tiếng trong nước và thế giới. Lượng khách du lịch nội địa, quốc tế đến Nha Trang cũng ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, Nha Trang vẫn còn lưu giữ những công trình kiến trúc như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang, hệ thống đình làng... Người dân Nha Trang vẫn giữ gìn những lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ, gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ cầu ngư ở các làng biển, lễ cúng đình... Bên cạnh đó, trong hơn 20 năm qua, tỉnh vẫn duy trì việc tổ chức Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa đều đặn 2 năm/lần và gần đây có thêm Liên hoan Du lịch biển. Nha Trang cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024 diễn ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua là một minh chứng.

Tiết mục biểu diễn trong Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024.

Tiết mục biểu diễn trong Chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024.

Đi lên từ động lực văn hóa

Khi bàn về động lực văn hóa đối với tiến trình phát triển Nha Trang, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm rằng, việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa là nguồn động lực to lớn để giúp Nha Trang phát triển đi lên trong tương lai. PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhìn nhận: “TP. Nha Trang được định hướng phát triển thành đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, vấn đề khai thác, phát huy, thúc đẩy giá trị không gian tự nhiên và văn hóa biển, đảo của Nha Trang, nhất là thông qua phát triển kinh tế biển và du lịch biển, đảo cần tiếp tục được chú trọng và thực hiện một cách có hiệu quả hơn bằng hệ thống giải pháp mang tính tổng thể”.

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Nha Trang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; nơi đây cũng là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật của cả vùng. Vậy nên, Nha Trang cần xem công nghiệp văn hóa là bước đi mang tính chiến lược. Muốn làm được vậy, về du lịch văn hóa, du lịch tâm linh cần có sự đầu tư phát triển các sản phẩm liên quan đến biển, đảo, sự kiện lễ hội, các hoạt động trải nghiệm. Song song với đó, thành phố cần đánh giá lại thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời có kế hoạch đầu tư cho công tác bảo tồn, khôi phục, bảo vệ các di sản này; xây dựng các khu làng cổ, làng nghề và khu trải nghiệm văn hóa. Đồng thời, tập trung phát triển ngành công nghiệp điện ảnh để có thể thu hút được các dự án phim độc lập, các nhà làm phim trong nước, quốc tế đến quay tại địa phương; tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc, buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc quy mô quốc gia, quốc tế để thu hút lượng lớn khách du lịch.

Có thể thấy, với những tiềm năng dồi dào, đặc sắc từ văn hóa, Nha Trang đang có được một nguồn tài nguyên để góp phần vào sự phát triển trong thời gian tới. Vấn đề bây giờ là chúng ta nắm bắt, khai thác, phát huy những tiềm năng đó như thế nào để văn hóa trở thành nguồn động lực thực sự cho sự phát triển. Điều này cần những hành động cụ thể, bài bản và đồng bộ.

NHÂN TÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202406/nha-trang-phat-huy-nguon-luc-van-hoa-94a2cae/