Nhà trường càng kỳ thị LGBT, học sinh càng mù mờ về giới
Việc chia tách học sinh LGBT với các học sinh dị tính sẽ khiến các em học sinh nhóm LGBT ngày càng gặp nhiều khó khăn, trong khi học sinh dị tính thiếu sự giáo dục về giới.
“Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”, đó là tin nhắn được cho là của bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP.HCM), gửi đến các giáo viên trong trường.
Trao đổi với Zing, bà Trúc xác nhận có tin nhắn như trên. Tuy nhiên, bà từ chối thông tin thêm về tin nhắn này, chỉ cho biết đã báo cáo sự việc lên Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM.
Tin nhắn làm dấy lên lo lắng về việc các học sinh thuộc nhóm LGBT có gặp trở ngại và bị cô lập trong môi trường học đường hay không. Trao đổi với Zing, một số chuyên gia còn nêu vấn đề các học sinh trung học nói chung, không riêng cộng đồng LGBT, đang bị thiếu sự giáo dục về giới và đa dạng tính dục, điều có thể gây ra những hậu quả trong tương lai khi các em vào đời.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho hay phát ngôn nói trên, dù vô tình hay cố ý, có thể làm tổn thương các em học sinh thuộc giới LGBT. Tin nhắn cũng đặt ra câu hỏi rộng hơn là liệu trường học liệu có là nơi an toàn cho các học sinh này hay không.
Theo ông Chu Thanh Hà, Giám đốc điều hành tổ chức IT’S T TIME về quyền bình đẳng giới, phát ngôn trên hàm ý rằng các học sinh LGBT là "có vấn đề", không hề bắt nguồn từ căn cứ khoa học mà xuất phát từ nhiều nỗi sợ. Một trong số đó là việc nhiều người vẫn xem LGBT là bệnh và có thể lây lan - nỗi sợ phổ biến không chỉ ở Việt Nam.
“Nhiều bạn bị xem như một con cừu đen, bị dán nhãn xấu, tách biệt như một nhóm học sinh hư, làm nhiều điều sai trái trong trường học. Các em không xứng đáng bị đối xử như thế”, ông Hà cho rằng nguyên nhân của sự việc này là mọi người vẫn còn nhầm lẫn LGBT thành căn bệnh tâm lý hoặc một căn bệnh có thể lây lan.
Do nhiều người lớn còn có cái nhìn khắt khe không chỉ về vấn đề LGBT mà còn nhiều vấn đề về giới khác, học sinh tại Việt Nam bị hạn chế khám phá, tìm hiểu cũng như thể hiện bản thân rất nhiều. Việc này có thể đem lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng không chỉ ở các bạn thuộc giới LGBT mà còn ở các bạn dị tính, vì giáo dục giới không chỉ là dạy học sinh "biết cách tôn trọng giới của những người xung quanh" mà còn để "các em hiểu rằng mình có quyền tự do khám phá chính mình".
Trong khi đó, bà T.H (47 tuổi, phụ huynh của một học sinh lớp 12 và cũng là một giáo viên) cho rằng tin nhắn của vị hiệu trưởng này là "chưa phù hợp" vì nó hầu như sẽ không giải quyết hay hạn chế những mối quan hệ trên mức bạn bè giữa các em. Tuy nhiên, bà H. cho rằng hiệu trưởng đang lo lắng quá đà, dễ gây hiểu lầm cô đang phân biệt đối xử.
"Bản thân mình cũng đã từng dạy một số lớp có các em có xu hướng giới tính không giống đa phần các bạn trong lớp. Tôi không muốn phân biệt giới tính các em nên chỉ luôn dặn các em đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và tôn trọng những người xung quanh", bà H. cho hay.
Học sinh bị hạn chế khám phá bản thân
Ông Hà lấy dẫn chứng về nhiều trường hợp sau khi lập gia đình mới hiểu thêm được một khía cạnh khác của bản thân.
“Liệu người này trong quá khứ đã tìm hiểu kỹ về bản thân chưa hay chính xã hội cho rằng LGBT là bệnh nên tước đi cơ hội để người ta khám phá chính mình?”, ông Hà cho rằng không chỉ riêng vấn đề giới tính, nhiều người trẻ Việt khi gặp các vấn đề khác cũng thiếu sự khuyến khích được trao đổi thông tin.
Các bạn ở độ tuổi dưới 18 đều có mong muốn tìm hiểu và khám phá bản thân rất mạnh mẽ. Do đó, các bạn cần những hỗ trợ cẩn thiết và giáo dục toàn diện về giới để hiểu bản thân mình.
Bên cạnh đó, ông cho hay kiến thức về giáo dục giới tính toàn diện ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. Nhiều nơi, những giờ học ngoại khóa bổ sung kiến thức này còn thiếu, không được tích hợp vào những môn học, giờ học hoặc bị kiểm soát.
Đồng ý với ông Hà, chị Phương cho rằng giáo dục giới tính ở Việt Nam còn thiếu sự chân thành, cởi mở và lắng nghe. Mặc dù hiện tại cha mẹ, thầy cô ngày nay đã chịu khó chia sẻ với con em mình về vấn đề giới tính hơn trước, họ vẫn cần lắng nghe một cách cởi mở để thế hệ trẻ có thể yên tâm bộc bạch các góc nhìn của mình về chủ đề này hơn.
Nhiều bạn trẻ thường không dám đối thoại với người lớn về giới tính, vì sợ mình sẽ bị chỉ trích, phán xét, bị áp đặt một góc nhìn theo quan điểm của thế hệ trước hơn là được hiểu và chấp nhận.
“Điều còn thiếu trong giáo dục giới tính ở Việt Nam không phải là chúng ta nên 'dạy' chủ đề gì, mà là chúng ta có cho các em một không gian đủ chân thành, cởi mở để mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ của mình về các chủ đề đó hay không”, chị Phương cho hay.
Trường học đã an toàn chưa?
Chuyên gia Uyên Phương cho rằng thiệt thòi lớn nhất mà học sinh trong cộng đồng LGBT đang gặp phải là các chính sách được đưa ra trong trường học chưa cân nhắc đến sự đa dạng về giới. Ngoài ra, học sinh LGBT cũng thường là đối tượng của bạo lực học đường; các em dễ bị bắt nạt bằng ngôn ngữ, bằng bạo lực nhưng gần như chưa có chính nào đề cập thẳng thắn đến việc bảo vệ học sinh LGBT khỏi sự kỳ thị.
"Rất nhiều báo cáo đã chỉ ra các em bị bạo lực học đường về thân thể và lời nói do giới tính của mình", chị cho hay.
Theo báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thực hiện đã chỉ ra những học sinh tự coi là LGBT (bao gồm cả các học sinh không theo chuẩn mực giới) có nguy cơ dễ phải trải qua các hình thức bạo lực học đường đáng kể so với các bạn học khác. Trong nghiên cứu, 71% học sinh LGBT đã trải qua bạo lực thể chất, 72,2% bạo lực lời nói, 65,2% bạo lực tâm lý xã hội, 26% bạo lực tình dục và 20% bạo lực liên quan đến công nghệ thông tin.
Ông Hà lưu ý tại trường học và cả trong gia đình, cộng đồng người chuyển giới (trans) còn gặp nhiều khó khăn hơn các bạn đồng tính nam/đồng tính nữ. Các bạn bị bắt thay đổi về ngoại hình, biểu hiện về giới tính; cảm thấy khó chịu khi phải mặc đồng phục được quy định cho giới nam hoặc giới nữ, không được thoải mái lựa chọn giới tính mình mong muốn; và không thoải mái khi sử dụng phòng thay đồ và nhà vệ sinh.
"Một học sinh chuyển giới nam (từ nữ sang nam) sẽ không thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh nữ, do biểu hiện giới của bạn ấy là nam. Nhưng khi bạn ấy sử dụng nhà vệ sinh nam, bạn lại dễ bị trêu chọc", ông Hà lấy ví dụ và cho hay đây là vấn đề chung của người chuyển giới tại nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông Hà có 2 đề xuất cho các trường học để hạn chế tình trạng phân biệt ở học sinh thuộc giới LGBT.
Các trường học cần xây dựng cơ chế báo cáo, bảo vệ nhân chứng những vụ bắt nạt đồng thời xây dựng các phòng tham vấn tâm lý cho các em ngay khi gặp vấn đề.
Chị Phương cho rằng để hạn chế tình trạng phân biệt ở học sinh thuộc giới LGBT, mọi nhà trường nên giáo dục học sinh của mình về ý thức tôn trọng sự khác biệt.
"Đây là tư duy nền tảng có thể hóa giải mọi vấn đề phân biệt và kỳ thị", chị nói.
Không phải lỗi của thầy cô
"Rất nhiều thầy cô đã sống phần lớn đời mình trong một thế giới với những quan niệm cổ điển về giới tính. Vì thế, việc yêu cầu thầy cô phải chấp nhận ngay một cái nhìn hoàn toàn mới về giới tính thật sự là một thách thức lớn đối với họ. Họ cần thời gian và sự giải thích để có thể chuyển đổi góc nhìn của mình”, chị giải thích.
"Truyền thông vẫn lựa chọn hình ảnh đại diện cho các bạn LGBT sai lệch so với thực tế. Hình ảnh LGBT được mô tả chủ yếu theo hướng ưa 'làm lố', đanh đá, ẻo lả… Điều này thật sự không công bằng với họ", chị cho hay.
Các thầy cô giáo lớn tuổi hiểu về cộng đồng LGBT thông qua những hình ảnh một chiều như vậy, nên thay vì chỉ trích họ cổ hủ, cần chia sẻ, giải thích về các xu hướng tính dục cho họ một cách kiên nhẫn và tích cực hơn.
Là một giáo viên và là một người mẹ có con gái, chị H. cho hay có tìm hiểu kiến thức về giới cũng như sức khỏe, an toàn tình dục cho lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, vì nguồn tiếp cận còn hạn chế nên lượng kiến thức chị biết được không nhiều.
"Mình rất tin tưởng con gái biết chọn những gì tốt nhất cho mình. Nếu sau này, con mình thay đổi, đó vẫn là con mình, mình vẫn sẽ yêu con, nhưng tất nhiên, mình cần thời gian để chấp nhận", chị H. thừa nhận.
Ông Hà đề xuất các kiến thức về giới cũng như sức khỏe, an toàn tình dục nên được đưa vào chương trình giáo dục giới tính tại các trường học.
"Những kiến thức này giúp học sinh bổ trợ những kiến thức về giới tính, đa dạng giới, biết cách tôn trọng giới của những người xung quanh cũng như để các em hiểu rằng mình có quyền tự do khám phá chính mình", ông nói.
Ngoài ra, trường học cũng nên kết hợp với các tổ chức về các vấn đề giới, bình đẳng giới tổ chức các hoạt động tại trường để kết nối và chia sẻ thông tin. Điều này không chỉ giúp giảm tải gánh nặng truyền đạt thông tin cho nhà trường mà còn giúp học sinh có được kiến thức về giới một cách toàn diện nhất.