Nhà tù đế quốc với nhà thơ cách mạng

Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

 Cụm tượng đài di tích Nhà tù Lao Bảo. Ảnh: TL

Cụm tượng đài di tích Nhà tù Lao Bảo. Ảnh: TL

Nhưng tại sao lại là Lao Bảo mà không phải là địa danh khác gợi lên phong cảnh xinh đẹp hay trữ tình trên đất Quảng Trị?

Có lẽ trong tâm tưởng của một người yêu nước, sớm bước chân vào con đường cách mạng thì những tên gọi như Lao Bảo có một ấn tượng lớn. Không chỉ vì thời ấy, đây là một địa chỉ khét tiếng rừng thiêng nước độc mà còn giam giữ nhiều “quốc sự phạm” cả người Việt lẫn người Lào, mà Tố Hữu bằng linh cảm và thực tế đã viết nên một khẳng định bằng thơ trong bài “Trăng trối”: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Nên vào tháng 6/1938, khi mới tròn 18 tuổi, trong một chuyến đi qua Lào trên Quốc lộ 9, nhà thơ đã cảm tác mà viết nên bài thơ mang tên chính là địa danh “Lao Bảo”.

Bài thơ là sự mô tả một Đường 9, một Lao Bảo thật heo hút và dữ dội: “Đèo cao vút vươn mình trong lau xám/Đá uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro/Gió nói gì với rừng sâu u ám/Đường sao run, tê tái cả hồn thơ!

Xe dừng lại! Tường ai xây tháp núi?/Một thành trì đổ nát những ngày xưa/Của một giống dân vùi trong máu bụi/Nay điêu tàn, khối đá đứng chơ vơ?”.

Có chút gì rùng rợn, hoang liêu, thậm chí kinh dị như Chế Lan Viên khi viết “Điêu tàn”. Một khung cảnh cô đơn, ai oán như muốn vây bủa con người: “Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo/Tên đun sôi sùng sục tủy xương tàn/Là nơi đây, nấm mồ bao khối não/Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!/Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ/Nát bầm da quằn quại là nơi đây/Roi đế quốc, báng súng trường quất xé/Thịt hi sinh của những kiếp đi đầy!”.

Những câu thơ xé lòng như là lời ai điếu bi hùng những con người quả cảm đã vị nghĩa vong thân, quên mình nơi ngục thất dù lúc ấy Tố Hữu chưa một ngày bị tù đày. Nhưng kết thúc bài thơ vẫn hào sảng, lạc quan như là sợi dây xuyên suốt nghiệp thơ Tố Hữu. “Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/Cho da tôi dày dạn với ngày mai/Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai!”.

Khi dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng, việc chịu tù đày là điều khó tránh khỏi và Tố Hữu cũng không là ngoại lệ. Và Tố Hữu gặp lại Lao Bảo. Chỉ có điều Lao Bảo không còn hiện lên trong mắt của một người khách qua đường của hai năm trước, cho dù là nhà thơ, mà qua trải nghiệm của người tù mang tên Nguyễn Kim Thành. Lao Bảo cũng như nhiều nhà tù khét tiếng của đế quốc, đều là địa ngục trần gian. Sau này chính Tố Hữu đã nhận xét về chế độ nhà tù: “Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuật, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền Tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất. Song với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhà tù Lao Bảo đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ cộng sản”.

Chính vì vậy mà Tố Hữu cùng các đồng chí của mình phải đấu tranh bằng cách tuyệt thực để phản đối chế độ tù đày hà khắc, man rợ. Bọn chúa ngục bày trò nấu cơm nóng với thức ăn bình dân nhưng là rất ngon với những người tù để dụ dỗ họ ăn mà bỏ quên tranh đấu. Cũng là một thử thách không dễ vượt qua giữa thời tiết lạnh lẽo và những người tù đã nhịn đói dài ngày. Bài thơ “Con cá và chột nưa” ra đời trong hoàn cảnh đó, cuối bài thơ tác giả ghi rõ: “Lao Bảo-trong những ngày tuyệt thực tháng 11/1940”. “Năm sáu ngày mệt xỉu/Thuốc làm khuây mấy điếu/Vài ba hớp nước trong/Suy nghĩ chuyện bao đồng/Vẫn không ngoài chuyện đói”.

Đang lúc như vậy mà cảnh tượng hấp dẫn lại bày ngay trước mắt: “Đầu sân, canh bốc khói/Chén cá nức mùi thơm/Lên họa với mùi cơm/Sao mà như cám dỗ!/ Muốn ngủ mà không ngủ/Cái bụng cứ nằn nì: “Ăn đi thôi, ăn đi”/Chết làm chi cho khổ!”.

Tôi và “Cái bụng” đối đáp nhau chính là cuộc đấu tranh nội tâm trước cám dỗ của một bữa ăn, cũng là mồi nhử của kẻ thù. Nếu cầm lòng không đậu, chỉ một cái tặc lưỡi là xong, cuộc đấu tranh không thể nào thắng lợi và mọi chuyện của chế độ nhà tù vẫn như cũ. Phải kiên quyết vượt qua cám dỗ. Nhưng để theo đuổi chuyện này phải đâu đơn giản... Cuộc chiến nội tâm âm thầm nhưng khốc liệt, vì đó là cuộc chiến tự vượt lên chính mình. Mà người xưa chẳng đã tổng kết: “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”, nghĩa là: tự biết mình là thông minh, tự thắng được mình là anh hùng. Một định nghĩa anh hùng độc đáo.

Cuộc chiến tiếp tục với những ve vãn bất ngờ, hay chính là nội tâm người tù vào những phút giây dao động. Để rồi cuối cùng, người tù yêu nước, người chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng. Một cuộc đấu tranh nội tâm bên trong thật ác liệt, không hề có tiếng súng nhưng rất dễ thương vong.

Nói kĩ về bài thơ này cũng bởi lẽ ngày nay căn bệnh tự diễn biến, tự chuyển hóa có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân cơ bản nhất chính là lòng tham. Vì quá ham muốn vật chất, tiền bạc, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu lòng tự trọng và xem thường danh dự nên nhiều cán bộ, ngay cả những người giữ chức vụ cao cấp đã tha hóa biến chất. Đó cũng những bài học mà “Con cá và chột nưa” đã cảnh báo một cách cụ thể, chi tiết và mộc mạc ngay từ buổi đầu của cách mạng. Bởi vậy cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã từng nhắc nhở: Một tấm gương sống giá trị hơn nhiều bài diễn văn tuyên truyền. Chừng nào mà cán bộ cách mạng biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, biết sống nêu gương thì mọi người hoan hỉ tin tưởng nghe theo, ý Đảng chắc chắn sẽ gặp lòng dân, nhất hô bá ứng, việc dù khó mấy cũng sẽ thành.

Lao Bảo ngày xưa với Tố Hữu chỉ là hình ảnh ngục tù, nhưng đó cũng là trường học cách mạng thật sự quan trọng để hun đúc phẩm giá làm người, đặng sau này hết lòng phụng sự nhân dân và Tổ quốc.

Thạch Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145027