Nhà văn Chu Lai và ký ức chiến tranh
Xấp xỉ tuổi 80, nhà văn Chu Lai với những bước chân chậm chạp hơn, nhưng vẫn hào sảng khi nói về chiến tranh và những tác phẩm của mình. Vốn là lính đặc công, 10 năm lăn lộn ở chiến trường, đối diện với sự sống và cái chết 'mong manh như làn khói', Chu Lai trở thành một trong số những nhà văn viết hay nhất về chiến tranh. Với ông, 'Số phận con người gắn liền với số phận dân tộc, số phận người lính gắn liền với số phận cuộc chiến'.
Cách đây 1 năm, nhà văn Chu Lai về Hà Nam, làm diễn giả chương trình nói chuyện về sách nhân kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ông kể về hai cuộc chiến chống quân xâm lược của dân tộc thế kỷ XX, trong đó, ông là nhân vật của một cuộc chiến. Vốn là lính đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn những năm chống Mỹ, ông có những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp. Chiến tranh vừa là ký ức đau thương, vừa là đề tài sinh động nhất để Chu Lai viết những tác phẩm văn học để đời như “Ăn mày dĩ vãng”, “Nắng đồng bằng”, “Mưa đỏ”, “Khúc bi tráng cuối cùng”…
Nhiều người có thể chưa đọc sách của Chu Lai, nhưng nghe tên ông và biết ông trên các diễn đàn văn học nghệ thuật. Tại Hà Nam, nhà văn Chu Lai khai mở câu chuyện của mình bằng những cảm nhận chân tình về thành phố trẻ, về những công trình đang làm đổi thay tỉnh Hà Nam. Vùng đất này cũng như nhiều vùng quê khác trên dải đất hình chữ S, cũng hứng chịu bom đạn của chiến tranh, cũng có những gia đình, những bà mẹ cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc những người chồng và những đứa con yêu thương… Ông bảo: “Chiến tranh nó là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật. Nó là đề tài không bao giờ khai thác hết! Số phận con người gắn liền với số phận dân tộc, số phận người lính gắn liền với số phận cuộc chiến”.
Ông nói về tác phẩm “Ăn mày dĩ vãng”. Đến bây giờ, nhà văn đã đưa được tất cả sự trần trụi, hào sảng và lãng mạn của chiến tranh vào cuốn sách. Bởi: “Nếu không có sự lãng mạn cách mạng thì người lính chúng tôi đầu hàng kẻ địch từ lâu rồi. Bởi vì, các bạn hãy tưởng tượng, sông Sài Gòn chỉ cách địch một hơi thở, chúng tôi ngồi trên gốc cây hay có thể trên tấm ván, xung quanh gài mìn, bên ngoài lính tráng đi lại ràm rạp, chỉ cần ho hắng khẽ thôi, chúng sẽ lia tiểu liên vào, chúng tôi sẽ chết hết. Vậy là phải ngồi yên lặng, không phải một, hai ngày, có khi cả tháng, cả năm!”. Trong cuộc chiến khắc nghiệt ấy, điều làm cho nhà văn Chu Lai thấy ám ảnh nhất, động lòng nhất chính là hình ảnh người con gái. Ông bảo, “con gái làm mềm cuộc chiến tranh, làm xanh lại chết chóc, làm tác phẩm nghệ thuật trở nên giàu có cho dù chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau, nhưng chưa đến lượt chôn mình, đấy là một thực tế mà không phải ai cũng chấp nhận được. Dáng hình con gái trong chiến tranh cũng làm mềm đi trận mạc, làm êm đi những khói bụi, tro tàn và nó hà hơi tiếp sức cho chúng tôi tiếp tục hướng về phía kẻ thù”.

Nhà văn Chu Lai và các cháu học sinh thành phố Phủ Lý chụp ảnh lưu niệm sau câu chuyện về chiến tranh và lịch sử dân tộc.
Ông nói với các em học sinh: “Các em đọc sách chú ý, nếu miêu tả chiến tranh như là dàn hàng ngang tiến lên, những người lính ào ào hát vang bài ca khúc quân hành… chuyện đó hoàn toàn không đúng đâu nhé! Chiến tranh là cuộc chiến đấu xảy ra ngay trong mỗi con người, trong mỗi con người tự chiến thắng mình. Cuộc chiến đấu dai dẳng, khốc liệt giữa mình và mình, rồi mới chiến thắng kẻ thù”. Ông kể với các em: Ngày trước tôi có đọc tùy bút của một nhà văn nổi tiếng, viết người lính nằm trên võng, mong trời chóng sáng để ngày mai vào trận… Đọc cái tùy bút ấy nó hào hùng đến nỗi cảm giác như khiến cho các binh đoàn sẵn sàng lao ra phía trước. Nhưng bây giờ đọc lại thấy không ổn, câu văn đó phải sửa là người lính nằm trên võng mong chóng sáng để ngày mai không phải vào trận. Đấy mới là nhân văn! Người lính sinh ra không phải chỉ để đau khổ, chỉ thích trận mạc để mà vung gươm, chĩa súng tới kẻ thù, mà không phải vung đao, không phải nổ súng mới là tốt nhất. Nhưng nếu phải nổ súng thì người lính sẽ nổ như một người anh hùng.
Và, ông khẳng định: Trong chiến tranh, người con trai chịu đựng một phần thì người con gái phải chịu đựng gấp 10 lần và những Mẹ Việt Nam Anh hùng phải chịu đựng gấp hàng trăm lần. Hình tượng các Mẹ Việt Nam Anh hùng là hình tượng thế giới không có. Tôi đã đi suốt từ Nam ra Bắc để viết một cuốn tùy bút về Mẹ chỉ để nói điều này: Con người sinh ra ai cũng muốn lập nên một kỷ lục gì đó để tồn tại, nhưng không một ai dám lập nên một kỷ lục đau thương! Thế mà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã lập nên một kỷ lục đau thương nhất hành tinh, đặc biệt là mẹ Thứ ở Quảng Nam. 12 người con và cháu của mẹ ra đi, không trở về. Khi chúng tôi đến bên mẹ, mẹ móm mém cười, mẹ không nhớ được tên những đứa con của mình, nhưng mẹ đã thay mặt Đảng, Nhà nước gọi những đứa con, đứa cháu của mình là ông, là bà, không gọi là chúng nó! Tôi hỏi mẹ, hôm nay Nhà nước phong mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ thấy thế nào ạ? Mẹ bảo, không thấy thế nào cả, vì không một bà mẹ nào ở Việt Nam sẵn sàng đổi một ngón tay út của mình để lấy một tấm bằng Mẹ Việt Nam Anh hùng, huống hồ lại đổi lấy 12 người con, cháu! Thế nhưng, khi cần thiết đổi thì phải đổi để cứu nước, cứu nhà! Chiều hôm đấy, người con gái còn lại duy nhất của mẹ Thứ đã 75 tuổi dẫn mẹ đi tắm, chúng tôi nhìn theo hai người phụ nữ, hai người mẹ anh hùng đi qua vạt nắng, gợi lên cho nhân gian, cho hành tinh này biết bao nhiêu điều suy nghĩ về sự sống và cái chết, về cái tồn tại và không tồn tại, về cái thiện và cái ác. Chúng tôi lại đi sâu hơn nữa vào Đức Phổ (Quảng Ngãi), lại phát hiện ra chuyện buồn hơn. Trên tường một căn nhà có 6 tấm Bằng Tổ quốc ghi công của hai vợ chồng và 4 người con. Hôm ấy, người mẹ được truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng không ai trong số những người của gia đình này thấy được điều đó, bởi vì, chính người mẹ đã hy sinh!
Chiến tranh đã đi qua rồi, nhưng trong ký ức của Chu Lai vẫn ngồn ngộn hình ảnh về cuộc chiến. Với ông, viết gì thì viết, bao giờ cũng phải lấy tình yêu làm nền. Văn học về chiến tranh phải lấy chiến tranh làm nền để cho tình yêu, tình đồng đội, tình quân dân nổi lên…
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/nha-van-chu-lai-va-ky-uc-chien-tranh-160457.html