Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa
Có người hiểu cụm từ hội nhập quốc tế là hội nhập toàn cầu. Như vậy không phải là hoàn toàn sai, vì trong hội nhập toàn cầu có hội nhập quốc tế, nhưng không phải chỉ là hội nhập quốc tế. Hai cụm từ đồng nghĩa thì hà tất phải tạo ra từ ngữ hội nhập toàn cầu làm gì.
Xuất phát từ kinh tế, có sự phân biệt giữa kinh tế quốc tế và kinh tế toàn cầu. Theo định nghĩa của từ điển Dictionnaire universel francophone, nền kinh tế quốc tế đặt quan hệ giao tiếp giữa các quốc gia trong không gian kinh tế mang tính quốc gia bằng cách trao đổi và đầu tư trực tiếp ra ngoài quốc gia. Còn toàn cầu hóa là sự biến chuyển từ một nền kinh tế quốc tế sang một nền kinh tế toàn cầu, được đặc trưng bởi sự cạnh tranh phổ biến, đối với tất cả các quốc gia, trên cơ sở tư nhân, chứ không phải chính trị, trong không gian kinh tế toàn cầu mà phần nào các quốc gia không kiểm soát nổi. Trước đã có những công ty siêu quốc gia, nay mọi thứ trở thành toàn cầu: thị trường tài chính, ẩm thực, âm nhạc, internet, khí hậu, môi trường, thời trang… Lấy một thí dụ đơn giản: chẳng cần có sự can thiệp của một quốc nào, một bài hát hay bản nhạc tung ra ở một địa điểm, thì lập tức đã phổ biến qua ti vi khắp mọi nơi (toàn cầu hóa).
Về phương diện ngôn ngữ, quốc tế (quốc = quốc gia, nước + tế = giao thiệp với nhau) - là bang giao giữa các quốc gia với nhau. Ngay cả khi một quyết định có sự tham gia của hàng trăm quốc gia, vẫn là bang giao quốc tế, không phải là toàn cầu hóa theo định nghĩa trên.
Vì vậy, cần phân biệt hội nhập quốc tế (Anh: international integration) với hội nhập toàn cầu (global intergration).
Hiểu như vậy thì không phải mãi sau Đổi mới (1986), Việt Nam mới có hội nhập quốc tế: Cũng nên nhớ có hội nhập quốc tế thì luôn kèm theo hiện tượng tiếp biến văn hóa. Khi hai hoặc nhiều nền văn hóa (dân tộc, quốc gia) gặp nhau thì bao giờ cũng có hiện tượng tiếp biến văn hóa, nghĩa là có tác động lẫn nhau và tạo ra những giá trị văn hóa mới cho mỗi nền văn hóa liên quan. Trong trường hợp một nền văn hóa có bản sắc yếu quá, thì phần tiếp thu để tạo ra cái mới cho mình mờ nhạt và rất ít, bị nền văn hóa đối tác át đi (đó là trường hợp một số thuộc địa cũ ở châu Phi).
Có thể hiểu hội nhập quốc tế theo nghĩa hẹp là tham gia một quy ước giữa một số quốc gia về một vấn đề (như Ủy ban quốc tế Hiệp định Genève). Có thể hiểu nghĩa rộng là tham gia một khối quốc gia có nền văn minh chung (như: khối Hồi giáo…), hoặc một hệ thống rộng lớn gồm đa số các quốc gia (như: Liên hợp quốc).
Theo nghĩa này thì cuộc hội nhập quốc tế thứ nhất của ta là văn hóa Việt (hình thành ở Đông Nam Á trong thiên niên kỉ thứ nhất trước công nguyên: văn hóa lúa nước) đã hội nhập và tiếp biến văn hóa với văn minh Trung Quốc khối Đông Á. Thời kỳ này kéo dài hai nghìn năm, bao gồm một nghìn năm Bắc thuộc và 900 năm các triều đại độc lập. Ta vẫn giữ được và làm phong phú bản sắc dân tộc qua tiếp biến văn hóa.
Cuộc hội nhập quốc tế lần thứ hai là với phương Tây, nghĩa là hiện đại hóa qua Tây phương hóa. Quá trình này trải qua nhiều giai đoạn:
1/ Từ thế kỉ XVII tới thời Pháp thuộc, những giáo sĩ Thiên chúa giáo bắt đầu tuyên truyền cho văn hóa phương Tây ở những vùng truyền đạo (trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh và dưới triều Nguyến): tác động phương Tây hạn chế (thờ một thần, đối lập với các quan điểm truyền thống Khổng học).
2/ Giai đoạn Pháp thuộc: tác động văn hóa phương Tây sâu đậm về mọi mặt (bắt đầu khoa học hóa, du nhập ý thức cá thể ngược với ý thức cộng đồng của Khổng học, văn minh vật chất,…). Ta vẫn giữ được tinh thần dân tộc, qua tiếp viến văn hóa, lại làm cho bản sắc phong phú thêm về mọi mặt, do đó, thành công trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Cuộc hội nhập quốc tế lần thứ ba với khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa: 30 năm cách mạng (từ 1945) và chiến tranh. Tác động của chủ nghĩa Mác và tiếp biến văn hóa với các nước xã hội chủ nghĩa, (kể cả văn hóa cổ điển của các nước này như văn nghệ, triết học, phong tục, tập quán).
Cuộc hội nhập quốc tế thứ tư là từ Đổi mới (1986). Từ những năm 1990, hội nhập quốc tế chuyển sang tính chất toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là hình thái mới nhất của quốc tế hóa, mang tính tư bản chủ nghĩa. Do tác động nội tại của nó, không quốc gia nào tránh được. Nhân dân thế giới cần đấu tranh hướng nó theo một con đường nhân văn.
Một nước còn đang phát triển như ta, hội nhập trong hoàn cảnh toàn cầu hóa vừa có lợi vừa có hại đến bản sắc dân tộc. Thách thức lớn nhất là ảnh hưởng phương Tây về chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất tầm thường, cá nhân ích kỷ, thờ phụng đồng tiền đang làm xói mòn những truyền thống tốt đẹp của ta. Bài toán đặt ra là giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế để ra khỏi cái nghèo, nhưng làm thế nào đừng để cuộc chạy đua theo GDP thuần túy hại đến bản sắc dân tộc. Cứ lấy thí dụ Nhật Bản và Hàn Quốc làm gương: hai nước này phát triển kinh tế như vũ bão, chính vì họ giữ được văn hóa dân tộc. Tôi nhớ một chính khách Hàn Quốc nổi tiếng đã từng nhận định: toàn cầu hóa như một buổi hòa nhạc – nếu người Hàn Quốc đóng cửa với các nền văn hóa bên ngoài, thì sẽ không có thể hội nhập vào bản giao hưởng toàn cầu và rất thiệt thòi – nhưng nếu hội nhập mà không có tiếng nói riêng thì có cũng như không.
Qua những lần hội nhập quốc tế trước, ta vẫn giữ được bản sắc mà phát triển, tạo ra cái mới qua tiếp biến văn hóa. Cần rút bài học cho hội nhập toàn cầu hôm nay.