Nhà văn Học Phi với những tác phẩm sân khấu phục vụ ba kỳ đại hội
Trong đời văn nghệ sĩ nói chung và kịch tác giả nói riêng chỉ cần có một vở kịch được phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng là quá vinh dự nhưng nhà văn, nhà viết kịch Học Phi lại chiếm kỷ lục: ba lần Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc có ba vở diễn phục vụ ba kỳ đại hội. Chắc tác giả phấn khởi không chỉ gấp ba lần mà gấp mười lần hơn. Đúng như nhà văn Học Phi đã bộc bạch cảm xúc trên báo Văn nghệ (cơ quan của Hội Nhà văn số 22/6/1996).
"Trong hơn bốn mươi năm làm sân khấu, tôi đã có ba lần có kịch đưa vào phục vụ Đại hội Đảng. Lần thứ nhất phục vụ Đại hội III với vở "Một Đảng viên". Đại hội III là đại hội đầu tiên họp ở Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến mùng 10/9/1960. Đây là vở kịch nói ông viết từ năm 1959 sau chuyến đi thực tế ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nhân vật chính là Minh một đảng viên trẻ hoạt động trong nội thành Hà Nội vào những năm ba mươi của thế kỷ trước.
Kịch "Một đảng viên" được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội để chào mừng Đại hội. Đêm ấy nhà văn Học Phi vừa là tác giả vừa là khán giả lại là dịch giả nữa. Vì dự xem biểu diễn có cả đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp nhân sang dự Đại hội, nhà văn Học Phi thông thạo tiếng Pháp nên dịch cho đại biểu Pháp nghe.
Đại hội Đảng lần thứ IV, họp ở Hà Nội từ 14 đến 20/12/1976 vở chèo Ni cô Đàm Vân được chọn biểu diễn phục vụ Đại hội - đây là Đại hội Đảng sau khi toàn thắng, đất nước thống nhất. Nội dung của vở chèo Ni cô Đàm Vân vẫn là đề tài cách mạng kháng chiến chống Pháp các chiến sĩ cộng sản dựa vào các nhà chùa đóng giả nhà sư đi tu để gây dựng phong trào cách mạng. Bối cảnh xảy ra - chính ở vùng Nam Hưng Yên, quê hương của nhà văn Học Phi.
Sáu năm sau, Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng họp tại Hà Nội từ 27 đến 31 tháng 3/1982, nhà văn Học Phi có hai vở phục vụ Đại hội với vở chèo "Cô hàng rau" và vở kịch nói "Hoàng Lan". Cả hai vở được biểu diễn hai đêm liền ở hội trường Ba Đình, cũng là nơi họp đại hội, có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc tới xem như Trường Chinh, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu.
Nhà văn Học Phi còn cho biết: Đêm ấy khi kết thúc, ông Trường Chinh vào hậu trường bắt tay và thân mật nói với diễn viên "Tôi rất xúc động được sống lại cái không khí hoạt động cách mạng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương. Trong kịch có màn biểu tình ở bến Phà Đen, Hà Nội vào tháng 8/1939, nhân vật diễn thuyết trong vở chính tôi đã diễn thuyết trong cuộc biểu tình này...".
Sau Đại hội, theo yêu cầu của công chúng cả nước, các vở kịch phục vụ Đại hội Đảng của hội nghị phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào buổi tối chương trình sân khấu truyền thanh lần đầu tiên. Tác giả nhà văn Học Phi đã nhận được hơn một trăm lá thư cảm ơn và đề nghị phát lại nhiều lần. Qua ba kỳ Đại hội Đảng từ năm 1960-1982, nhà văn Học Phi đã có tới 4 tác phẩm sân khấu phục vụ trong 3 lần Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Sự thành công và vinh dự ấy thật phi thường đối với nhà văn Học Phi.