Nhà văn Vũ Tú Nam: Một nhà văn lớn, một lãnh đạo văn nghệ đức độ, khoan dung
Nhà văn Vũ Tú Nam, một trong những người sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam đã qua đời ở tuổi 92 khiến cho giới văn nghệ, độc giả tiếc thương bởi ông là nhà văn có tài, một lãnh đạo đức độ, khoan dung. Sự ra đi của ông là mất mát to lớn đối với nền văn học Việt Nam.
* Nhiều tác phẩm văn học có giá trị
Nhà văn Vũ Tú Nam, một trong số những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, qua đời ngày 9/9/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.
Nhà văn Vũ Tú Nam tên khai sinh là Vũ Tiến Nam, sinh năm 1929 trong một gia đình nhà nho tại Vụ Bản, Nam Định. Cha là một viên chức của Pháp ở Hòa Bình, nên khi còn nhỏ, nhà văn Vũ Tú Nam sống và học ở Hòa Bình, sau đó lên Hà Nội tiếp tục học Trung học. Ông có hai người anh ruột cũng tài hoa trong văn đàn là nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao.
Năm 1947, nhà văn Vũ Tú Nam nhập ngũ và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ khả năng viết văn, ông được phân công công tác tại Báo Chiến sĩ (Liên khu 4). Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950, ông về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, đồng thời cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Năm 1958, nhà văn Vũ Tú Nam chuyển sang công tác tại Báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (nay là báo Văn Nghệ) và là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã có mặt trong Ban chấp hành Hội từ khóa I đến khóa IV. Trong những năm tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Thư ký tòa soạn Báo Văn học, Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội nhà văn). Ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (1989 - 1994) và ông chỉ làm một khóa, cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu. Ông cũng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX.
Trong sự nghiệp cầm bút, nhà văn Vũ Tú Nam để lại dấu ấn cho độc giả qua nhiều tác phẩm tiêu biểu như: "Bên đường 12" (truyện vừa, 1950, Giải nhất văn xuôi Văn nghệ Liên khu 4), "Quê hương" (tập truyện ngắn, 1950), "Nhân dân tiến lên" (truyện, 1951), "Sau trận núi Đanh" (truyện, 1951), "Ngày xuân" (tập truyện ngắn, 1953), "Giành lấy tương lai" (truyện, 1954), "Kể chuyện quê nhà" (tập truyện - ký, 1954), "Thử thách thầm lặng" (truyện, 1971), "Sống vời thời gian hai chiều" (tập truyện - ký, 1983), "Mùa xuân tiếng chim" (truyện ngắn, 1985), "20 truyện ngắn" (1994), "Mây hồng" (1998), "Có và không có" (tuyển thơ dịch, 2003), "Hồi ức tình yêu" (tuyển thư tình, cùng Thanh Hương, 2017).
Trong số đó, truyện vừa “Bên đường 12” của ông được nhiều người yêu thích. Đây cũng là tác phẩm đã giúp ông giành giải Nhất văn xuôi Văn nghệ Liên khu 4 và sau này là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhà văn Vũ Tú Nam từng chia sẻ, mỗi tác phẩm của ông đều ghi dấu một chặng đường. “Bên đường 12” là tác phẩm đầu tay, gắn với lý tưởng vào đời của ông. “Sống với thời gian hai chiều”, “Quê hương” là những tác phẩm mà ông dành nhiều tâm huyết, bởi mỗi tác phẩm đều gắn liền với nơi ông sinh ra, lớn lên với những con người chân chất, hồn hậu, giàu lòng nhân ái.
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương bên đứa con đầu lòng, sau này là họa sỹ Vũ Huy. Ảnh gia đình cung cấp.
Nhà văn Vũ Tú Nam cũng là một cây bút dành nhiều trang viết cho thiếu nhi. Ông đã xuất bản hàng chục tập thơ, truyện cho thiếu nhi và đã ghi dấu ấn sâu đậm trong mảng văn học này. Đặc biệt, truyện “Văn Ngan tướng công” của ông phát hành năm 1963 được nhiều người đón nhận. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của một chú ngan với những tình tiết vui nhộn hài hước, nhưng cũng rất hồn nhiên, để từ đó, mang đến cho độc giả nhí thông điệp về những bài học làm người một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp cận với thiếu nhi. Truyện “Văn Ngan tướng công” của ông đã được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga, xuất bản ở Liên Xô (cũ). Cũng từ tác phẩm này mà ông được mọi người đặt biệt danh “Văn Ngan tướng công”.
* Một nhân cách cao đẹp
Trong ký ức của giới văn nghệ sỹ, những người đã từng gặp gỡ nhà văn Vũ Tú Nam hầu như đều cảm nhận ông là một nhà văn có tài, một con người hiền lành, nhân hậu và là một lãnh đạo văn nghệ đức độ, khoan dung.
Chân dung nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương thời gian gần đây. Ảnh do gia đình cung cấp.
Sinh thời, nhà văn Vũ Tú Nam đã từng nói, ông thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Ông quý sự trung thực và lòng nhân hậu. Có lẽ tin vào những điều tốt đẹp, nên ông luôn sống một cuộc đời đầy trung thực, nhân hậu, vị tha.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, nhà văn Vũ Tú Nam là người đi theo cách mạng từ khi còn rất trẻ. Ông là một chiến sỹ cách mạng, đồng thời cũng là người cầm bút nên tất cả tinh thần những năm tháng thời kỳ đầu của cách mạng dân tộc, đấu tranh chống Pháp, giải phóng đất nước tràn ngập trong những trang văn của ông. Khi là Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, ông đã cho xuất bản những tác phẩm văn học nổi tiếng, xuất sắc nhất giai đoạn đó. Sau này, khi ông được tín nhiệm và bầu là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông được các hội viên luôn tin tưởng, mến phục bởi tâm hồn trong sáng, một con người lịch lãm, điềm đạm và sâu sắc. Ông là một con người khảng khái, rành mạch, luôn cân bằng giữa cá nhân và công việc, giữa một nhà văn với một người lính...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà văn Vũ Tú Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong thời gian là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam đã mang đến một sự đột phá cho văn thơ Việt Nam thời kỳ đó. Ông luôn muốn xóa bỏ và vượt qua những định kiến, chấp nhận tính cách và cả phong cách văn chương khác nhau, miễn sao nó đem lại cho cuộc sống, văn chương những sắc thái mới để hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Ông đã mạnh dạn đấu tranh bảo vệ cho những tác phẩm văn học mới mẻ, sự đổi mới của văn chương và các nhà văn trẻ… Nhờ đó mà nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã được trao giải thưởng, được nhiều người biết đến như “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng hay tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể lại, khi tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1992, thời kỳ đó, việc đổi mới thơ ca còn nhiều vấn đề tranh cãi. Về tập thơ của ông cũng có 2 luồng quan điểm, nửa ủng hộ, một nửa không ủng hộ. Riêng nhà văn Vũ Tú Nam đã đọc, rồi bằng hiểu biết và sự điềm đạm, phân tích sâu sắc, ông đã bảo vệ bằng mọi giá để trao giải cho "Sự mất ngủ của lửa". Sau này, khi gặp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Vũ Tú Nam đã nói, trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” có những bài thơ có thể nói là “tuyệt tác hoàn thiện” như bài “Chuyển động”…
Siêu mẫu Hà Anh đau buồn chia sẻ sự ra đi của ông nội cô - Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Khi nghe tin nhà văn Vũ Tú Nam mất, nhà văn Nguyễn Quang Thiều vô cùng nuối tiếc. “Với tôi, ông như một người cha, rất dịu dàng, mặc dù khi đó tôi là một người trẻ đầy khác biệt, đầy phá phách trong văn chương. Trước ông, tôi lúc nào cũng thấy mình được lắng nghe những điều tốt đẹp, chân thành nhất và những điều sâu sắc nhất từ một người đã từng trải qua cuộc đời, trải qua những năm tháng chiến tranh của đất nước và những trải nghiệm sâu sắc của một nhà văn. Nhà văn Vũ Tú Nam ra đi không chỉ để lại cho đời những tác phẩm văn học giá trị, mà còn để lại một cách sống, một đức hạnh, một nhân cách lớn của trí thức Việt Nam” - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xúc động chia sẻ./.