Nhà vườn chăm sóc, phục hồi đào cảnh sau tết
Sau tết, không khí làm việc tại các nhà vườn trồng đào lại tiếp tục nhộn nhịp. Những gốc đào mang đi trong năm để tô điểm mùa xuân cho mọi nhà đang được thu về để trồng và chăm sóc. Thời tiết dịp ra Tết Nguyên đán có mưa lạnh nhưng nhiệt độ không quá thấp, thuận lợi cho quá trình 'hồi sinh' của cây đào.
Đến thăm xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố) dễ dàng thấy nhiều chuyến xe chở đầy ắp những gốc đào đã qua “chơi” tết về các nhà vườn. Đây là những cây đào sau khi “hoàn thành nghĩa vụ” làm đẹp cho mùa xuân được trở về chính mảnh đất thân thuộc của mình. Tại đây, không khí làm việc vẫn vô cùng nhộn nhịp; chỗ thì đào hố hạ bồn để tách cây từ chậu xuống đất, chỗ thì trộn đất, ủ đất, xe đất... tất cả đều được các nhà vườn triển khai nhanh chóng, phục vụ cho mùa đào mới.
Đích thân các thợ làm vườn có kinh nghiệm lâu năm sẽ cắt tỉa, tạo dáng cũng như chăm bón cho cây trong vòng 1 năm với giá khoảng vài triệu đồng. Đối với những cây to, thế đẹp ký gửi ở vườn sẽ có mức giá cao hơn. Việc này vừa mang lại thu nhập, vừa thỏa mãn được đam mê chơi cây và chăm cây của các chủ hộ. Để mỗi khi tết đến, xuân về, người tiêu dùng lại có thêm nhiều sự lựa chọn từ những cành đào tô điểm cho ngôi nhà của mình.
Anh Nguyễn Đức An, xóm Nam Phong 2 cho biết: Năm nay, vườn đào của gia đình tôi trồng hơn 400 gốc, may mắn thời tiết thuận lợi nên hoa nở đúng dịp tết, khách hàng vào tận vườn thu mua nhiều. Để có đào phục vụ thị trường năm sau, ngay từ mùng 6 tháng Giêng, tôi tranh thủ thu gom các cây đào đã chơi tết xong của khách quen về trồng.
Theo anh An, việc chăm sóc một cây đào cảnh đã qua đánh gốc, trưng bày khó khăn hơn nhiều so với những cây sinh trưởng nội tại tại vườn. Bởi sau khoảng một tháng đánh gốc, trồng vào chậu và trưng bày chủ yếu trong nhà, những cây đào cảnh khá yếu và nhạy cảm với thời tiết, đất vườn... Nhiều cây dễ bị bệnh chảy mủ thân hoặc chột cành.
Được biết, quá trình chăm sóc đào sau tết rất công phu, đòi hỏi người chăm sóc phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Đối với các gốc đào cũ do trong quá trình chơi tết thường ít được chăm sóc, tưới nước hay cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên việc trồng lại cần phải kỹ hơn. Các chủ vườn phải lấy đất màu mỡ ở nơi khác về vun luống nhằm có đất tơi xốp, nhiều dưỡng chất. Các cây đào sẽ được cắt tỉa lại cành và đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ những ngày đầu để đào phục hồi sau thời gian “căng sức” nuôi hoa cho khách chưng tết. Đến khoảng tháng 8 âm lịch là công đoạn uốn cành để tạo dáng, thế. Gần tết thì tuốt lá, bón phân... để cây nở hoa đúng ngày tết.
Trước tết, các nhà vườn bận rộn với công việc đưa cây lên chậu, chuyển giao cho khách thì sau tết họ lại vận chuyển đào về, đưa ra khỏi chậu, xuống vườn và chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng. Những ngày này, người trồng đào làm việc không ngừng nghỉ và gần như dành hết thời gian cho việc làm đất, chăm sóc cây đào.
Những gốc đào ở các nhà vườn đang bắt đầu vào vụ mùa mới, mang theo nhiều hy vọng của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa và đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nha-vuon-cham-soc-phuc-hoi-dao-canh-sau-tet-3175353.html