Thành tâm hay lãng phí?
Với nhiều người Việt, việc dự trữ quá nhiều thực phẩm trong nhà những ngày Tết để phục vụ cho những lễ cúng, bữa ăn, cuộc nhậu gây nên tình trạng lãng phí, dư thừa thực phẩm.
Sau những ngày tết, có lẽ cảnh tượng quen thuộc thường thấy trong các gia đình người Việt là tình trạng thực phẩm dư thừa. Từ thịt, cá, bánh chưng, rau củ cho đến bánh mứt, hoa quả… đều trở nên thừa thãi. Thứ thì đã được chế biến, bày biện thành mâm cỗ, thứ còn nằm nguyên trong tủ lạnh từ ngày mang ở chợ về.
![Tết là dịp mà các gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm để làm mâm cúng và thiết đãi khách khứa. Ảnh minh họa internet.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_281_51429694/209d5dbd67f38eadd7e2.jpg)
Tết là dịp mà các gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm để làm mâm cúng và thiết đãi khách khứa. Ảnh minh họa internet.
Nguyên nhân của sự dư thừa, lãng phí đó phần lớn xuất phát từ tâm lý mua sắm thật nhiều đồ dùng với mong muốn năm mới được sung túc, đủ đầy, trong nhà không thiếu thứ gì. Với nhiều người, mâm cúng tổ tiên và bữa ăn ngày Tết khá đơn giản nhưng cũng không ít gia đình, Tết là triền miên chuỗi ngày cúng đơm, tụ họp con cháu, họ hàng ăn uống linh đình.
Cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng 3 ngày đầu năm mới… Nhiều người quan niệm lễ vật càng đầy đủ, càng nhiều thì càng chứng minh lòng thành, sự tri ân, ngưỡng vọng của cháu con với tổ tiên, thần linh.
Dẫu rằng những mâm cúng ngày Tết đều mang những ý nghĩa tâm linh tốt đẹp nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác, việc đó chiếm không ít thời gian, công sức và tiền bạc của gia chủ. Dường như, không ít người đang nhầm lẫn giữa lòng thành và sự lãng phí, bởi sau phần lễ, phần lớn các món ăn trong mâm cúng thường không được sử dụng hết.
![Một lượng lớn thực phẩm bị đổ bỏ sau tết gây lãng phí. Ảnh minh họa internet.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_281_51429694/a9bfd89fe2d10b8f52c0.jpg)
Một lượng lớn thực phẩm bị đổ bỏ sau tết gây lãng phí. Ảnh minh họa internet.
Ngoài mâm cúng, các gia đình cũng thường tích trữ đồ ăn để đãi khách khứa, con cháu. Những bữa ăn đoàn viên tuy vui vầy, ấm áp nhưng đồ ăn, thức uống có khi được bày biện quá mức cần thiết.
Thế nên, sau Tết, việc xử lý thực phẩm dư thừa cũng là câu chuyện đau đầu của không ít gia đình. Đổ bỏ thì không nỡ vì nhiều món còn sử dụng được, ăn thì không thể hết, mà mang đi cho thì chẳng ai muốn nhận. Thành ra, thực phẩm cứ dồn ứ rồi lâu ngày bị ôi thiu phải bỏ đi trong sự tiếc nuối.
Có chị lao công thường dọn vệ sinh ở khu phố tôi ở kể rằng, sau Tết, mỗi lần lấy rác cho các hộ gia đình, chị thấy “nóng ruột”, tiếc của vì trong túi rác là cả con gà luộc, những con giò còn nguyên, những chiếc bánh chưng vuông vắn và cả những giỏ hoa quả mà chị biết giá của nó khi mua không hề rẻ.
Mỗi năm Tết chỉ một lần, mua sắm vật dụng, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nhưng giá như, mỗi người, mỗi nhà có kế hoạch mua sắm tiết kiệm, bày biện lễ vật cúng bái hợp lý thì sẽ hạn chế được tình trạng dư thừa, lãng phí thực phẩm sau Tết.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/thanh-tam-hay-lang-phi-post282387.html