Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng xác lập kỷ lục Việt Nam

Tối 11/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings tổ chức 'Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam'. Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hòa thượng Tăng Nô - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh; cùng lãnh đạo các ban ngành, cấp liên quan, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức dự buổi lễ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên trình diễn nhạc Ngũ âm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên trình diễn nhạc Ngũ âm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Nhạc Ngũ âm (hay còn gọi là Phlêng Pin Piết) trước đây theo quy định cổ truyền chỉ được đem ra sử dụng mỗi khi có tổ chức đám phước, lễ hội, Tết cổ truyền ở chùa và các đám tang theo nghi thức phong tục truyền thống của đồng bào Khmer, sau đó được cất giữ lại tại chùa. Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, dàn nhạc ngũ âm cũng được mở rộng phạm vi hoạt động; đã xuất hiện và tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp; được kết hợp một số nhạc cụ khác để hòa âm phối khí âm nhạc; sử dụng trong các vở diễn sân khấu dù kê; trong các lễ hội truyền thống… trong cộng đồng người Khmer.

Nhạc ngũ âm của người Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng mang giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng. Đến nay, nhạc Ngũ âm vẫn khẳng định và không ngừng thích nghi để tồn tại và phát triển cho phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên trình diễn. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên trình diễn. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều dàn nhạc ngũ âm hỗ trợ cho các câu lạc bộ, các chùa Khmer trong tỉnh, tổ chức mở nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng con em đồng bào Khmer có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Để ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, sau thời gian truyền dạy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tập hợp, quy tụ trên 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công tập luyện các tiết tấu, bài bản nâng cao; để tổ chức trình diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc này có quy mô lớn nhất Việt Nam. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings xác lập Kỷ lục Việt Nam về “Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam”.

Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam cho rằng, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của nguời Khmer Nam Bộ; trải qua quá trình hình thành tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt. Việc xác lập kỷ lục sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến gần hơn đến du khách trong và ngoài nước. Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận tiết mục có 20 dàn nhạc, với tổng số lượng 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia trình diễn, thỏa điều kiện trong hồ sơ đăng ký xác lập kỷ lục. Kỷ lục sẽ được công bố chính thức vào ngày 13/11/2024 trong khuôn khổ khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202411/nhac-ngu-am-cua-nguoi-khmer-tinh-soc-trang-xac-lap-ky-luc-viet-nam-b910556/