Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang biến tấu nhạc dân gian với 'Về Kinh Bắc'
Buổi diễn 'Về Kinh Bắc' được đạo diễn và sản xuất bởi nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, biểu diễn bởi nhóm nhạc Thiên Thanh, trong đó chất liệu dân gian sẽ được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.
Chiều 16/4, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang tổ chức họp báo giới thiệu đêm nhạc "Về Kinh Bắc" sẽ diễn ra vào tối 27/4 tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội.
“Về Kinh Bắc” sẽ được trình diễn bởi nhóm nhạc Thiên Thanh gồm 9 thành viên chính với các nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: Đàn Bầu, Đàn Nhị, Sáo Trúc, Tiêu, Đàn Nguyệt, Đàn Tam Thập Lục, Đàn Tranh và Bộ Gõ dân tộc không định âm. Ngoài ra 9 thành viên chính, chương trình còn có thêm 2 khách mời: Beatboxer / Nghệ sĩ truyền thông mới Trung Bảo và Nghệ sĩ Cello người Mỹ Bryan Charles Wilson. Họ sẽ tham gia vào phần trình diễn của nhóm nhằm tạo cầu nối văn hóa âm nhạc và sự hứng thú đối với người nghe. Các nhạc khí và sự tương tác này sẽ hòa quyện để tạo nên không gian âm nhạc Việt đầy tính bản địa, sáng tạo, và giao thoa quốc tế. Nhóm nhạc Thiên Thanh được thành lập bởi nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vào năm 2024.
Trong đó có 7/12 tác phẩm thuộc về dân ca Quan họ Bắc Ninh, 2 tác phẩm nhạc Xẩm, 1 tác phẩm hát Văn và 2 sáng tác mới của nhạc sĩ Ngô Hồng Quang. Các tác phẩm này đều được Ngô Hồng Quang phối âm lại theo hình thức diễn tấu mới; đề cao tính diễn xướng, hòa tấu có nhịp điệu và ngẫu hứng của các nhạc cụ với tinh thần gìn giữ những nét tinh túy nhất của âm nhạc truyền thống đồng bằng Bắc bộ.
Với không gian diễn xướng âm nhạc này, người yêu nhạc trong và ngoài nước sẽ được thưởng thức và trải nghiệm văn hóa âm nhạc Việt Nam với những cung bậc cảm xúc khác nhau. “Về Kinh Bắc” không chỉ đưa người nghe về với miền ký ức đậm chất văn hóa Việt để họ thêm yêu âm nhạc truyền thống mà còn kích thích sự quan tâm, tìm hiểu những không gian văn hóa đương đại của Việt Nam.
Tư duy âm nhạc mới xuyên suốt trong các tác phẩm sẽ trình diễn của “Về Kinh Bắc” là đề cao tính nhịp điệu, hòa âm, cách tổ chức âm thanh của các nhạc cụ hài hòa, đủ biên độ âm sắc và luôn có sự đa dạng về trạng thái âm nhạc trong một tác phẩm. Điều này sẽ làm đẹp hơn và tăng tính hấp dẫn cho các làn điệu dân ca.
Sinh ra từ miền quê Bắc bộ, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang luôn trân quý và dành tình cảm đặc biệt cho những nhạc cụ dân tộc mộc mạc và các làn điệu dân ca. Với mong muốn lan tỏa những âm sắc ngũ cung Quan họ và phát triển tác phẩm theo hướng hiện đại, dự án “Về Kinh Bắc” được hình thành với hình thức trình diễn hòa tấu có giọng hát theo một lối hòa âm mới mẻ, đặt vai trò trình tấu của các nhạc cụ lên một tầm cao mới; đề cao vai trò độc tấu, tính ngẫu hứng và sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ biểu diễn.
Xuất thân trong một gia đình có ông nội là người chơi Đàn Nhị nên những âm thanh dân tộc đã chảy trong tâm hồn nghệ sĩ Ngô Hồng Quang ngay từ những ngày còn thơ. Tình yêu mãnh liệt đó tiếp tục được nuôi dưỡng trong suốt 11 năm học âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội, nơi anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác nhau của Việt Nam cũng như đa dạng văn hóa âm nhạc trên thế giới. Đó là những nền tảng quan trọng đưa anh đến với con đường quảng bá âm nhạc dân tộc của Việt Nam ra thế giới.
Sau 4 năm du học tại Nhạc viện Amsterdam và Nhạc viện Hoàng Gia Den Haag - Hà Lan, Ngô Hồng Quang đã tốt nghiệp xuất sắc. Nghệ sĩ đã chọn cho mình con đường sáng tác và biểu diễn độc lập, chu du khắp các nước trên thế giới, mang văn hóa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới và đến với môi trường nghệ thuật đương đại. Sự đa dạng về tài năng của Ngô Hồng Quang được thể hiện qua giọng hát cũng như thể hiện các nhạc cụ diễn tấu đơn âm, đa âm như Đàn Nhị, Đàn Bầu, Đàn K’ny, Đàn Môi, Đàn Tính…
10 năm trước, chặng đường nghệ thuật của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đa phần chỉ có những người bạn đồng hành tuổi tứ tuần, trung niên. Nhưng giờ đây, niềm đam mê và nỗ lực của anh đã bắt đầu đến được với nhiều người nghe hơn, đa dạng lứa tuổi hơn và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi giờ đây những tâm tư tình cảm, sự sáng tạo của anh có cơ hội được đến với thế hệ mới, góp phần đóng góp vào âm nhạc và văn hóa Việt Nam, tạo ra một môi trường âm nhạc đương đại giàu căn tính Việt cho tương lai.
“Trong quá trình học tập và làm việc tại các nước Châu Âu, tôi thấy mình đã có ích, đóng góp được phần nào công sức của mình trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước thông qua âm nhạc” - chia sẻ bởi nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, anh cho biết thêm: “Điều này thực sự là đáng làm, và tôi luôn mong muốn mở rộng những hướng đi tới thế hệ kế tiếp, đặc biệt là những bạn trẻ cũng đang theo đuổi con đường mà tôi đi”.
Đề cao tính nhịp điệu trong âm nhạc truyền thống, mỗi tác phẩm được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang phối khí lại hoặc sáng tác mới sử dụng chất liệu dân gian sẽ được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.