Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Hà Tĩnh ơi sâu nặng ân tình!...
Dù cuộc gặp gỡ của tôi với người nhạc sĩ tài ba Nguyễn Văn Tý diễn ra cách đây đã hơn chục năm, nhưng nét cười phúc hậu, giọng nói trầm ấm, nhất là cách kể chuyện chân thật và có duyên của ông khiến tôi nhớ mãi. Tôi chợt hiểu vì sao ông sâu nặng 'tâm tình' với người Hà Tĩnh. Giờ thì ông đã bay về miền cực lạc, chỉ 'dư âm' là đọng mãi trong lòng người ở lại.
Thương con đò vẫn cắm sào đứng đợi
Trong số những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được yêu chuộng hơn 60 năm qua, có đến 4 ca khúc về Hà Tĩnh: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ”, “Đường về Hộ Độ”, “Ba người bạn đồng hành”. Trong đó “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” được nhiều người nhớ đến và thuộc nhất bởi đã khắc họa vẻ đẹp riêng của miền quê Hà Tĩnh: Thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, con người dũng cảm, chất phác, thủy chung. Có một điều đặc biệt là người dân cả nước ai cũng thuộc và thích hát hai bài hát này, còn người Hà Tĩnh khi đi xa mỗi lần nghe nhạc điệu cất lên là nước mắt đã rưng thương quê, nhớ quê, tự hào về miền đất hiếu học, anh hùng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng tâm sự với tôi, quê ông ở Vĩnh Phúc song sinh ra và lớn lên ở TP Vinh (Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Thời trai trẻ ông từng làm Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hoạt động sôi nổi trong phong trào văn hóa, văn nghệ phục vụ kháng chiến ở Nghệ An. Ông cũng có dịp quen biết hai người thiếu nữ ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Những mối tình “như trong mộng” thời trẻ trai dù không nên duyên nhưng cũng để lại những vấn vương, luyến tiếc trong tâm hồn nhạy cảm của nhạc sĩ: “ Khi tôi viết Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh là tôi muốn gửi gắm “chữ thương” và cả chữ “tiếc” với một người con gái làm nghề dệt vải. Cô ấy rất đẹp, vẻ đẹp nông thôn phúc hậu thủy chung. Tôi nhớ, tôi thương cô ấy đã chờ đợi tôi. Tôi nhớ, tôi thương cô ấy nhưng biết làm sao. Cũng chính vì lý do đó mà tôi đã đặt tên bài hát là “Một khúc tâm tình…”.
Ai hôm nay ra khơi buông lưới
Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ
Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa
Thương con đò cắm con sào đứng đợi…
Nghe những lời ca tha thiết ấy, ai cũng cảm nhận được tình thương mến của tác giả với cảnh và người nơi đây. Với người sáng tác, chỉ một cái cớ thôi cũng đủ làm nên cả bản nhạc, huống hồ với ông, con người đa cảm như dây đàn dễ ngân rung. Hơn nữa, ông đã gắn bó sâu nặng với miền đất này từ những ngày trai trẻ.
"Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" qua giọng hát của NSND Thu Hiền
Trong câu chuyện với tôi năm ấy, ông cũng chia sẻ: Ông thích viết về cái đẹp, về những cảm xúc trước phụ nữ, về tình yêu và gia đình. Cũng nhờ những cảm xúc ấy mà hôm nay chúng ta còn lại những “Mẹ yêu con” “Dư âm” “Bài ca năm tấn” “Dáng đứng Bến Tre”… Giai điệu nào cũng da diết, ngọt ngào, như con thuyền ăm ắp tình yêu thương và không kém phần sôi nổi, chất chứa niềm lạc quan, tiếp thêm tin yêu và nhựa sống cho người nghe.
Hà Tĩnh sâu nặng ân tình
Những ngày nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh Trần Quang Đạt còn sống, có lần trong cuộc gặp gỡ, ông kể với tôi: Trong cảnh chiến tranh bom đạn, dù còn bộn bề công việc nhưng ông đã mạnh dạn mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Tĩnh sáng tác. Ông đã cho xe đưa nhạc sĩ về các miền quê trong tỉnh như Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên để có cảm hứng sáng tác. Chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng “bật mí”: Câu Trâu ơi theo bầy ta về đồng cỏ mênh mông; Đầu cành sim chín chín mọng sườn đồi là viết sau khi ông đi thăm nông trường nuôi trâu ở Kỳ Anh về. Hay câu Ai hôm nay ra khơi buông lưới, mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ là cảm hứng thành nhạc sau khi ông đi thăm biển Cẩm Nhượng...
Thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, con người Hà Tĩnh dũng cảm, chất phác, thủy chung là chất liệu cho những sáng tác của Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Huy Tùng
Sau này, khi phát động xây dựng đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã mời ông về lần hai để sáng tác bài Người đi xây hồ Kẽ Gỗ. Lần thứ ba thì huyện Thạch Hà mời ông về tham quan, Nguyễn Văn Tý sáng tác bài Đường về Hộ Độ (trước là xã Thạch Nam, sau này đổi tên thành Hộ Độ - khi ấy còn thuộc huyện Thạch Hà). Và cuộc gặp gỡ quý báu mà tôi có cơ duyên cũng là nhờ lãnh đạo tỉnh mời ông về thăm Hà Tĩnh. Lúc đó ông đã 83 tuổi. Chị Thái Linh, con gái ông đã đi theo để phục vụ ông. Hôm ấy, ông mệt và nằm trên giường tiếp chuyện tôi.
Ca khúc "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" do ca sỹ Anh Thơ - Trọng Tấn thể hiện
Hơn 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất chủ trương mỗi tháng trợ cấp cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý 5 triệu đồng để an dưỡng tuổi già. Hàng năm lãnh đạo tỉnh đều cử người vào thăm sức khỏe và trao quà động viên nhạc sĩ . Biết ông mất, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất cử người vào thành phố Hồ Chí Minh viếng ông.
Chắc rằng linh hồn nhạc sĩ sẽ ngậm cười bởi cùng với người hâm mộ cả nước, miền quê Hà Tĩnh ông nặng sâu ân tình vẫn mãi còn ân tình sâu nặng với ông, như “khúc tâm tình” tha thiết ông để lại cho đời.
27/12/2019