Nhạc trưởng Paolo Olmi và cầu nối văn hóa Việt Nam-Italy
Là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Italy, nhạc trưởng Paolo Olmi sở hữu bề dày thành tựu đáng ngưỡng mộ với nhiều chuyến lưu diễn trải dài từ Á sang Âu, góp phần kết nối văn hóa Italy với bạn bè quốc tế, đặc biệt là Việt Nam.
Ông Paolo Olmi dù đã bước sang tuổi 69 vẫn toát nên khí chất điềm tĩnh đầy luôn cuốn của một vị nhạc trưởng sở hữu sự nghiệp dày dạn kéo dài hơn bốn thập kỷ. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo TG&VN, ông thể hiện rõ niềm yêu mến mãnh liệt và kiến thức chuyên sâu về âm nhạc Italy, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào tiềm năng giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Italy trong tương lai.
Bước ngoặt trong sự nghiệp âm nhạc
Lựa chọn ngành y khi học đại học, nhưng ông lại bất ngờ chuyển sang con đường âm nhạc. Điều gì đã thúc đẩy ông đưa ra lựa chọn này?
Tôi quả thật thích ngành y, nhưng khối lượng công việc của nghề này tương đối nặng bởi phải luôn túc trực trong cơ sở y tế.
Tôi thích lao động trong lĩnh vực âm nhạc và vẫn có thể làm việc, điều khiển dàn nhạc ở tuổi 69.
Song nếu hành nghề bác sĩ ở độ tuổi tương tự, tôi sẽ không thể chịu trách nhiệm thực hiện các ca phẫu thuật, sở dĩ vì nó cực kỳ rủi ro đối với tính mạng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, tôi có niềm đam mê với du lịch và công việc này trao cho tôi cơ hội du ngoạn nhiều quốc gia trên thế giới, gặp gỡ bạn bè quốc tế và giao lưu với đa dạng các nền văn hóa.
Trước đây, tôi là nhạc trưởng người Italy đầu tiên biểu diễn ở Trung Quốc vào năm 1988, ngoài ra còn có những chuyến lưu diễn đáng nhớ tại Cuba và Congo.
Italy luôn được nhìn nhận là trung tâm âm nhạc của châu Âu và là cái nôi sản sinh ra những tên tuổi nổi tiếng. Vậy có nhân vật nào đã truyền cảm hứng cho ông?
Tôi vô cùng mến mộ thế hệ của những nhạc trưởng như Antonino Votto và Gino Marinuzzi, nhưng người truyền cảm hứng cho tôi hơn cả là Victor de Sabata. Phong cách chỉ huy dàn nhạc của ông ấy mang hơi hướng thơ ca và giàu tính sáng tạo.
Trong lĩnh vực của tôi, các nhạc trưởng phải thể hiện sự tôn trọng với nguyên tác. Mặc dù vậy, để nhạc phẩm sống động và trường tồn với thời gian, nhạc trưởng cần thêm thắt một chút yếu tố cá nhân vào trong đó. Điều này tương đối phức tạp và Victor de Sabata là một nhân vật thành công trên khía cạnh này.
Ngoài ra, còn có Claudio Abbado, người sở hữu khả năng điều tiết dàn nhạc tuyệt vời. Thậm chí, cách nhà tôi không xa là nhà của nhạc trưởng Riccardo Muti, nay đã 82 tuổi và là biểu tượng của nền âm nhạc Italy.
Quá trình phát triển của nền âm nhạc Italy luôn chứa đựng thứ gọi là “truyền thống Italy”. Xuyên suốt thế hệ của các nghệ sĩ Giuseppe Verdi, Arturo Toscanini, Antonino Votto cho tới Riccardo Muti, mọi người đều cố gắng học tập kinh nghiệm từ đàn anh đi trước.
Bắt đầu với sự nghiệp nhạc trưởng từ năm 1979, đến nay ông đã lưu diễn tại nhiều nhà hát lớn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Trong những chuyến lưu diễn, ông ý thức gì về việc quảng bá hình ảnh đất nước?
Trên bình diện khoa học và kinh tế, có thể Italy không nổi bật, nhưng tôi tin rằng mọi người đều cảm thấy thú vị khi bình luận về giá trị văn hóa, nghệ thuật và hội họa của mảnh đất hình chiếc ủng.
Đối với người Italy, opera là cầu nối ngôn ngữ để đất nước chúng tôi giao tiếp với thế giới. Nhìn vào bối cảnh hiện nay, những khái niệm liên quan đến máy tính, công nghệ và phần mềm đều được dịch sang tiếng Anh. Nhưng trong âm nhạc, mọi thứ đều được dịch sang tiếng Italy, tất cả mọi người đều sử dụng những từ như piano, forte, adagio, opera.
Vì vậy, tôi luôn khuyến khích chính phủ và các học viện sử dụng opera để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế. Đây là một mục tiêu lớn đối với chúng tôi.
Cầu nối văn hóa Việt Nam-Italy
Tháng 9 năm ngoái, ông đã tham gia buổi trình diễn Italian Night và chương trình giao lưu với sinh viên thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại TP. Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ ấn tượng về chuyến đi ở Việt Nam?
Tôi đã có hai buổi trò chuyện tại trường đại học. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là có tới 200-300 người tham gia và tất cả đều chú ý lắng nghe khi tôi thuyết trình về kiến thức opera. Mọi người đều tỏ rõ niềm yêu thích đối với bộ môn này và tiếp thu bài giảng rất nhanh.
Tuy nhiên, người nghe không nhất thiết phải có kiến thức uyên thâm để hiểu được nhạc opera, bởi thứ chúng ta cần là khả năng cảm thụ. Trong vở opera, nếu có ai nói rằng tôi yêu bạn, bạn có thể cảm nhận ngay rằng người đó có thực sự yêu mình hay không. Đó chính là sức mạnh của âm nhạc.
Nếu như âm nhạc Italy xem giai điệu là trung tâm, thì người Anh và Đức lại coi trọng hòa âm hơn giai điệu. Vì vậy, âm nhạc Italy có cấu trúc theo chiều dọc, còn âm nhạc các nước khác theo chiều ngang. Kỹ thuật thiết kế giai điệu này liên quan mật thiết đến cấu trúc vật lý và sinh lý của đôi tai con người.
Có thể nói, mối quan hệ giữa đôi tai và bộ não giống như những giai điệu, chứ không phải bản hòa âm. Đó là lí do vì sao tôi tin rằng âm nhạc Italy luôn được đánh giá cao.
Tôi thường đùa rằng, khi con người chỉ có 5 phút để gửi thông điệp đến một hành tinh mới, chúng ta phải gửi đoạn băng ghi âm bản nhạc của nghệ sĩ Giuseppe Verdi.
Trong bối cảnh thị trường âm nhạc sôi động trở lại sau ba năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, liệu sẽ có thêm nhiều hoạt động giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Italy trong thời gian tới?
Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa hai bên. Năm ngoái, 18 nghệ sĩ opera và giao hưởng của Italy đã tham gia trình diễn tại Nhà hát Giao thưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh (HBSO). Chúng tôi đã hòa âm thành công với các nhạc sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn (Saigon Philharmonic Orchestra).
Vì đại dịch Covid-19 đã lắng xuống, năm nay chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị hơn. Cuối tháng 9 tới, tôi muốn đưa nhiều nghệ sĩ trẻ tới Việt Nam giao lưu.
Đây là điều mà tôi rất thích bởi vì sau buổi nói chuyện tại trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh vào năm ngoái, nhiều sinh viên Việt Nam đã giữ liên lạc với nhóm nhạc sĩ của chúng tôi thông qua email và WhatsApp. Đây chính xác là những gì chúng tôi hướng đến, mong rằng mọi người sẽ giao lưu với nhau nhiều hơn.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Italy tháng 7 vừa qua đã đánh dấu mốc quan trọng nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng giao lưu văn hóa giữa hai đất nước kể từ dấu mốc này?
Italy và Việt Nam là hai quốc gia sở hữu quan hệ hữu nghị truyền thống từ năm 1973, khi đó nhân dân Italy đã có mối thiện cảm sâu sắc với Việt Nam vì đều trải qua cảnh bom đạn. Giờ đây, âm nhạc có thể là bước đệm đầu tiên cho giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Khi tôi tới Việt Nam, tôi chợt nhận ra nhạc opera của Việt Nam dựa trên trường phái opera Pháp, kể cả nhà hát ở Sài Gòn cũng phỏng theo phong cách Pháp chứ không phải Italy.
Mặc dù vậy, tôi cảm giác rằng trong 20 năm qua, người Việt dần quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc Italy. Điều này không phản ánh ý nghĩa chính trị, mà đơn giản vì opera Italy truyền tải cảm xúc tốt hơn.
Tôi chưa từng nghe nhạc Việt Nam, nhưng chỉ vừa mới hai tuần trước, tôi đã có lần đầu tiên thưởng thức âm nhạc của các bạn trong dịp tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam đến thăm Italy.
Xin nói thêm, tôi vô cùng vinh dự khi được mời đến dự lễ đón thăm với tư cách là một nhạc sĩ, chứ không phải là chính trị gia hay doanh nhân. Tôi hy vọng bản thân có thể làm sâu sắc hơn nữa hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước.