Nhậm Chính Phi - người nắm giữ mọi thời khắc quan trọng của Huawei
'Đó là một người lớn lên tại thị trấn miền núi Trung Quốc, vốn đã quá quen với nghịch cảnh', tờ SCMP miêu tả về Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập cũng là linh hồn của Huawei.
Năm 2001, phần lớn người Mỹ chưa từng nghe hay biết cách phát âm từ “Huawei”. Hai thập kỷ sau đó, nước Mỹ đặt Huawei lên “bàn cờ thế” của cuộc thương chiến quyết liệt.
Gã khổng lồ được sáng nghiệp bởi Nhậm Chính Phi với số vốn vài nghìn USD, từng bước đạt được những thành tựu và trở thành tập đoàn có sức chi phối ngành công nghệ lẫn kinh tế toàn cầu.
Năm 2005, lần đầu tiên doanh thu ở nước ngoài của Huawei cao hơn thị trường nội địa Trung Quốc. Đến năm 2012, doanh thu và lợi nhuận của Huawei vượt thương hiệu đứng đầu ngành thiết bị mạng, viễn thông lúc bấy giờ. Năm 2014, hãng đạt doanh thu bán hàng kỷ lục 46,5 tỷ USD và lợi nhuận thuần 4,49 tỷ USD, đồng thời viết lại trật tự ngành viễn thông.
Lịch sử của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được viết nên từ những cột mốc của vinh quang, những lần “ngã ngựa", đồng thời, ghi dấu ấn đậm nét của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi - người tạo nên giá trị cốt lõi, các quyết sách quan trọng nhất của Huawei.
“Linh hồn” Huawei
Đối với những nhân viên Huawei làm việc lâu năm, Nhậm Chính Phi chính là linh hồn của Huawei. “Ông ấy là lãnh đạo tinh thần, là biểu tượng của Huawei”, một nhân viên kề cận lâu năm của ông Nhậm nói với tờ SCMP.
Tập đoàn này trải qua không ít thăng trầm, tồn tại và phát triển một cách khôn ngoan, ứng biến khác biệt để trở thành một trong những cái tên có khả năng chi phối ngành công nghệ toàn cầu. Nhiều quyết sách, chiến lược đã được thực hiện trong 3 thập kỷ đổi mới và sáng tạo không ngừng, tạo nên sự phát triển thần tốc của Huawei.
Những giá trị cốt lõi được Nhậm Chính Phi chỉ ra gồm: Rời biên giới quốc gia để trở thành tập đoàn quốc tế, khách hàng là suối nguồn của thành công, cạnh tranh chân chính bằng chất lượng sản phẩm, tập trung R&D, văn hóa xem trọng nhân tài…
Năm 2001, ngành công nghệ thông tin toàn cầu đối mặt với “mùa đông” khắc nghiệt bởi sự kiện bong bóng “dotcom”. Làn sóng phá sản của loạt công ty công nghệ tạo nên cuộc suy thoái lịch sử của kinh tế Mỹ và thế giới. Trong bối cảnh đó, Huawei nổi lên và giành được nhiều hợp đồng viễn thông, khai thác thị trường châu Âu, Trung Á, Nam Mỹ và châu Phi. Tờ Financial Times bình luận về sự kiện này: “Huawei của Trung Quốc đang viết lại quy tắc của ngành viễn thông toàn cầu”.
Để có thể xuất hiện đúng lúc, chớp lấy thời cơ và đủ nguồn lực từng bước chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, Huawei được Nhậm Chính Phi sớm định hướng phải vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. “Chúng ta phải mở rộng cạnh tranh, tiến ra thị trường nước ngoài. Mở rộng thị trường nước ngoài sẽ mở rộng không gian tồn tại”, nhà sáng lập Huawei viết.
Ông Nhậm đặt Huawei cạnh những thương hiệu hàng đầu thế giới để học hỏi, sánh vai và cạnh tranh trực tiếp. Từ đó, mỗi nhân viên được xây dựng tinh thần kỷ luật, không ngừng cầu tiến, không hài lòng với hào quang quá khứ. “Mong các bạn sẽ quên đi những ảo tưởng về thành công chớp nhoáng, hãy học tập tâm lý vững vàng của người Nhật, tinh thần làm việc chuyên nghiệp của người Đức”, ông viết trong Thư gửi nhân viên mới, “chúng ta cần tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi, tư duy tốt, có năng lực hành động và quản lý. Cơ hội sẽ tìm đến những người lao động chân chính”.
Vào năm 2003, công ty Cisco tại Silicon Valley tố cáo Huawei đánh cắp mã nguồn phần mềm dành cho các bộ định tuyến và chuyển mạch mạng. Sự kiện này một lần nữa ghi dấu ấn Nhậm Chính Phi đã lèo lái Huawei vượt bão. “Đây là trận chiến không thể không đề cập đến trong quá trình quốc tế hóa của Huawei. Nhậm Chính Phi đã chỉ huy cuộc 'vây hãm' này suốt một năm dài”, tác giả Hy Văn viết trong cuốn Hành trình lập nghiệp của Nhậm Chính Phi.
Giữa cuộc chiến, ông Nhậm một mặt tìm luật sư hàng đầu, một mặt liên minh với 3Com - công ty đối thủ của Cisco tại Mỹ. Vào thời điểm quan trọng của vụ kiện, Huawei công bố thông tin liên minh quan trọng này. Kết quả, Cisco quyết định hòa giải với gã khổng lồ Trung Quốc, cho thấy cú “phản đòn” hiệu quả từ "nhà cầm quân" Trung Quốc.
Về mặt sản phẩm, ông Nhậm cũng sớm lên chiến lược, xác định lợi thế cạnh tranh một cách khôn ngoan. Theo tờ Washington Post, chiếc P20 Pro đăng bán trực tuyến tại Mỹ năm 2019 có giá 800 USD. Mẫu máy được người dùng xứ cờ hoa yêu thích vì chất lượng ảnh selfie, hiệu năng tốt và có mức giá dễ chịu.
Các mẫu smartphone của Huawei được định hướng có mức giá cạnh tranh so với đối thủ nhưng vẫn đảm bảo tích hợp nhiều tính năng, công nghệ mới và chất lượng ổn định. Với chiến lược nhắm đến tệp khách hàng thu nhập thấp, năm 2013, Huawei tạo được dấu ấn bước đầu tại Mỹ.
“Giá cả, chi phí, chất lượng là ba vấn đề lớn mà chúng ta không thể né tránh. Giảm chi phí không có nghĩa là chất lượng sản phẩm, dịch vụ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta là đặt ra sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn với chi phí thấp hơn, có được lợi thế cạnh tranh mạnh hơn. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự sống còn và phát triển của chúng ta”, Nhậm Chính Phi viết trong lá thư gửi nhân viên.
Huawei chiếm 0,03% thị phần smartphone tại Mỹ - thị trường mà hãng vấp phải nhiều sự kiềm hãm. Tuy nhiên, trên thị trường toàn cầu, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Năm 2018, doanh thu của gã khổng lồ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2017. Gần 50% trong số đó đến từ mảng điện tử tiêu dùng, bao gồm smartphone, còn lại là doanh thu từ thiết bị mạng 5G và dịch vụ điện toán đám mây. Kết quả kinh doanh này của một hãng công nghệ được cho là ấn tượng, thậm chí cao hơn doanh thu hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ, đạt 101 tỷ USD trong năm tài khóa 2018.
Vừa qua, gã khổng lồ này công bố doanh thu 3 quý đầu năm tăng 9,9% so với cùng kỳ, tương đương 98,57 tỷ USD. Theo Reuters, lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh số smartphone, thiết bị viễn thông của hãng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vài tháng qua, nhu cầu tại Trung Quốc tăng vọt giúp hãng lần đầu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
“Huawei không cần có anh hùng”
“Tôi chỉ là một ông già 75 tuổi. Còn điều gì để mọi người nhớ đến tôi? Giờ mong muốn lớn nhất của tôi là đi uống cà phê mà không ai chú ý đến mình”, ông Nhậm nói trong một bài phỏng vấn trên SCMP.
Nhà sáng lập để lại dấu ấn sâu sắc trong mọi quyết sách của Huawei có mong muốn được mọi người lãng quên. Đó tư tưởng độc đáo được ông nhiều lần gửi đến nhân viên toàn tập đoàn.
“Xóa mờ màu sắc anh hùng, đặc biệt là màu sắc ở người lãnh đạo, người sáng nghiệp, chính là con đường bắt buộc để chuyên nghiệp hóa. Chúng ta cần một tổ chức đổi mới với ưu điểm lớn nhất của nó không nằm ở một hành vi anh hùng cá nhân, mà là ở sự đổi mới được chuẩn hóa sau khi tổ chức đã thử nghiệm, đánh giá, phê duyệt”, Nhậm Chính Phi viết.
Trong 10 năm, văn phòng riêng của Nhậm Chính Phi gần như không có cuộc họp nào. Thay vào đó, ông bay đến các nơi để nghe nhân viên báo cáo. “Có lẽ vì tôi ngốc nghếch, không đủ năng lực nên mới trao quyền cho nhân viên đến thế, mới khiến cho sự thông minh, tài trí của những lãnh đạo các nơi phát huy tối đa, mang lại thành tựu cho Huawei”, ông chia sẻ.
Nhậm Chính Phi đưa ra những quyết sách độc đáo, để Huawei không còn là của riêng mình, từng bước trao quyền, xóa mờ màu sắc của chính mình. Từ đó, Huawei là của từng thành viên, khiến mỗi nhân viên tại Trung Quốc hay bên ngoài Trung Quốc đều nỗ lực hết mình với tham vọng phát triển toàn cầu.
Năm 2004, Huawei bắt đầu hệ thống chủ tịch luân phiên. Đến nay Huawei vẫn giữ chính sách này, bổ nhiệm 3 vị phó chủ tịch vào vị trí Tổng giám đốc tập đoàn mỗi 6 tháng. Cả 3 người này đều nắm giữ vị trí quan trọng, như ông Guo Ping phụ trách tài chính, ông Ken Hu nắm nhân sự, và ông Eric Xu lãnh đạo chiến lược kinh doanh. Lúc này, quy mô của Huawei lên đến 170.000 người, ban giám đốc 17 người và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã qua tuổi 70.
Chính sách này được cho rằng là cách để Nhậm Chính Phi tìm ra người xứng đáng, nắm giữ vị trí quan trọng nhất tập đoàn. Ông không chỉ xóa mờ màu sắc, tầm ảnh hưởng của chính mình mà còn không cho phép chế độ “cha truyền con nối” trong đế chế Huawei. “Huawei không phải là công ty của riêng tôi. Kể từ ngày thành lập, đường lối của công ty chính là chọn người hiền tài không phải chọn người thân", ông Nhậm trả lời toàn thể nhân viên vào cuối năm 2010 về vấn đề ai sẽ là người kế nhiệm.
“Có thể chính chế độ luân phiên này vô hình đã cân bằng những mâu thuẫn nhiều mặt”, Nhậm Chi Phi phân tích. Bằng cách này, mỗi cá nhân cảm thấy có trách nhiệm hoàn thiện chính mình hơn để đáp ứng vị trí công việc, sự phó thác của những người đặt niềm tin vào họ và cảm thấy họ thật sự là một phần của tổ chức, có tầm quan trọng trong sự sống còn của Huawei.
Ông Joe Kelly - Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei cho biết, dù ai là người nắm giữ vị trí CEO, những giá trị và quyết sách của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi vẫn sẽ không thay đổi. Bởi đó đã là “xương sống" tạo nên sự khác biệt và sức sống của gã khổng lồ này.