Nhận biết triệu chứng cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống ở trẻ đang có xu hướng gia tăng ở nước ta do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, gây dị dạng thân hình và rối loạn tư thế.
Nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống
Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Cong vẹo cột sống là tình trạng các đốt sống bị cong sang một bên hoặc bị xoay, đây cũng là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ hiện nay, với tỷ lệ mắc bệnh cong vẹo cột sống ở các bé gái cao hơn các bé trai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, trong đó gồm:
Nguyên nhân tự phát ở tuổi vị thành niên: Chiếm 85% các ca mắc bệnh. Yếu tố nguy cơ có thể gây cong vẹo cột sống ở trẻ là tư thế ngồi học không đúng: Lệch vai sang trái hoặc sang phải, cúi đầu quá thấp. Học sinh phải ngồi học trong thời gian quá dài trên những bộ bàn ghế không đúng kích thước. Học sinh có thói quen mang cặp một bên mà không đeo cặp trên hai vai… cũng sẽ gây cong vẹo cột sống.
Không rõ nguyên nhân: Có đến 80% bệnh nhân bị vẹo cột sống mà không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng đa phần là liên quan đến lối sống sinh hoạt, chấn thương hoặc tai nạn. Các bác sĩ cho rằng chấn thương do tai nạn sẽ gây ra sự co thắt cơ. Sau đó do quá trình phát triển của cơ thể quanh vùng cơ đó, chứng cong vẹo sẽ hình thành.
Do hệ thần kinh: Một số căn bệnh như bại não hoặc loạn dưỡng cơ cũng gây nên biến chứng trong dáng đi và co thắt cơ, dẫn đến cột sống bị vẹo.
Do bẩm sinh: Đây là một trường hợp rất hiếm, nhưng vẫn có một số người sinh ra với cột sống không bình thường.
Do chiều dài của chân: Nếu một chân dài hơn chân còn lại, nó sẽ gây lệch khớp hông và trực tiếp dẫn đến vẹo cột sống.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học tin rằng nguồn gốc của chứng vẹo cột sống là do phần cổ hoặc hông bị một chấn thương hoặc tai nạn nhỏ mà không được quan tâm, điều trị đúng mức. Việc này dẫn đến tích tụ áp lực ở một vùng cơ bắp, ảnh hưởng lên hệ cân bằng của cơ thể và dần dần uốn cong cột sống.
Dấu hiệu cong vẹo cột sống ở trẻ
Khi bị cong vẹo cột sống, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:
Hai vai không đều nhau.
Hai bên xương bả vai có sự chênh lệch rõ.
Vùng eo không đều.
Một bên hông cao hơn bên còn lại.
Một bên khung xương sườn bị nhô ra phía trước.
Lưng nhô cao lên khi cúi người về phía trước.
Tuy vậy, có trường hợp nghi ngờ chỉ vẹo cột sống thì cách phát hiện như sau:
Để dễ quan sát người bệnh cởi bớt quần áo, làm sao phần thân và hai chân để hở, tháo bỏ giầy dép, đứng thẳng, hai gót chân chụm vào nhau.
Bác sĩ quan sát hai bờ vai, hai mỏm xương bả vai, mào chậu. Trong trường hợp bị vẹo cột sống, người khám có thể nhìn thấy những bất thường như vai cao vai thấp, hai vai dốc không đều.
Xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; Hai mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao.
Trường hợp này có thể do chân dài chân ngắn, dẫn đến lệch trọng tâm cơ thể và vẹo cột sống do tư thế; Cho người bệnh cúi xuống, dùng ngón tay miết dọc theo các gai đốt sống hoặc dùng bút, thỏi son đánh dấu các gai đốt sống.
Sau đó cho người bệnh đứng thẳng, quan sát các điểm đánh dấu. Trong trường hợp bị vẹo cột sống, các đốt sống ít nhiều bị xoay vặn làm cho các gai đốt sống bị lệch, các điểm đánh dấu không nằm trên một đường thẳng, mà bị lệch sang phải hoặc sang trái.
Đối với phát hiện cong cột sống thì cách phát hiện như sau:
Quan sát tư thế đứng bình thường của người bệnh từ trái qua phải hoặc từ phài qua trái.
Nếu bình thường thì tư thế người bệnh ngay ngắn, thân người được giữ thẳng, đầu ngẩng, hai bờ vai cân đối, bụng hơi căng, chân thẳng. Nếu bị gù thì lưng người bệnh tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ. Nếu bị so vai, đầu ngả về phía trước, hai vai chùng xuống.
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh cong vẹo cột sống không phải bệnh nguy hiểm, không gây tác hại nghiêm trọng tức thời, tuy nhiên bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một thế hệ trong tương lai, như: Gây lệch trọng tâm cơ thể, làm học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết, căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung, dẫn đến ảnh hưởng xấu kết quả học tập; Gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi và sự phát triển của khung xương chậu (đặc biệt đối với em gái sẽ bị ảnh hưởng đến sinh đẻ khi trưởng thành): Cơ thể lệch, bước đi không cân đối, bước đi không đều sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám chẩn đoán xác định và được tư vấn về các biện pháp dự phòng để điều trị kịp thời.