Nhân cách và nghị lực

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vừa qua đời. Thầy đã sống trọn cuộc đời đầy nghị lực và đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn lên.

Năm 1992, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tặng thầy danh hiệu “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Không chỉ thế, thầy Ký còn viết sách, sáng tác văn học và lập kỷ lục “Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân”.

Đôi chân kỳ diệu đó đã đưa thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tiến đến những chân trời tri thức, vượt qua buồn tủi, mặc cảm để đạt được mục đích, ý nghĩa cuộc đời và đồng thời “truyền lửa” cho nhiều thế hệ học trò. Nguồn năng lượng tích cực từ thầy được lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống, trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực, bản lĩnh và niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình hoàn toàn có thể sống một cuộc đời “tàn nhưng không phế”, mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Để có được nghị lực lớn lao đó, ngoài ý chí, nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên của người thân, thầy, cô giáo đã kiên trì, bền bỉ đồng hành với cậu bé Nguyễn Ngọc Ký, rồi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong suốt cuộc đời, trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học trò Việt Nam.

Trước sự ra đi của thầy Nguyễn Ngọc Ký, nữ nhà văn Nguyễn Bích Lan, một người mắc bệnh nan y, đã nói: “Tôi có thể sống chung với bệnh nan y một phần là bởi những người đặc biệt thuộc thế hệ trước đầy can đảm và nghị lực như ông. Họ đã gieo cho tôi niềm tin rằng trong mỗi con người đều có nguồn sức mạnh tiềm ẩn lớn lao, để chịu đựng và vượt qua những khó khăn”.

Đúng vậy, trong mỗi chúng ta luôn có sức mạnh tinh thần lớn lao, không chỉ “để chịu đựng và vượt qua những khó khăn”, mà nếu sức mạnh tinh thần đó được chuyển hóa thành hành động tốt, việc làm tốt, nhất định sẽ làm cho ta trở thành người tốt, người có ích.

Những ai không biết, hoặc biết nhưng không làm như vậy thì đã quá lãng phí một nguồn năng lượng của đời mình. Ngược lại, có những người trước khó khăn thì chùn bước, trước cám dỗ vật chất thì bị khuất phục, trước danh lợi thì lung lay, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, phạm lỗi lầm, gây tác hại cho xã hội, buộc phải trả giá.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nữ nhà văn Nguyễn Bích Lan và rất nhiều người khác nữa đã biến nghịch cảnh, sự thiệt thòi của mình trở thành người truyền cảm hứng, được xã hội tiếp nhận, tôn vinh. Họ đã góp phần xây dựng nên biểu tượng của con người Việt Nam trong thời đại mới: Khiêm nhường, nghị lực và tận tâm cống hiến cho cộng đồng.

Đôi chân can đảm đã đưa thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đi hết cuộc đời dài 75 năm. Trong hành trình gian nan đó, thầy đã để lại những dấu ấn khó phai về nhân cách, tâm hồn và thành quả lao động lớn lao. Nhân cách, nghị lực của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng để mỗi chúng ta soi nhìn, cảm nhận và tự hỏi mình có thể làm được điều gì tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội?

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhan-cach-va-nghi-luc-706982