Nhân chứng lịch sử tham gia giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2024), sáng 15/7, tại Hà Nội, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ bảy khóa IV, tổng kết việc phát huy vai trò 'Nhân chứng lịch sử' tham gia giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong và phong trào 'Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội' giai đoạn 2019 - 2024.

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hồng, Trưởng ban Chính sách và Phong trào kinh tế (Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam) cho biết, với vai trò là nhân chứng lịch sử, giai đoạn 2019 - 2024, các cấp Hội trong cả nước tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng để giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong.

5 năm qua, các cấp Hội trên cả nước đã giải quyết được 19.514 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; 910 trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên; 156.207 trường hợp hưởng bảo hiểm y tế; 18.600 trường hợp từ trần được hưởng trợ cấp mai táng phí; 68 trường hợp hy sinh được công nhận liệt sỹ; 211 trường hợp bị thương được hưởng chế độ như thương binh và 1.001 trường hợp nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ (trong đó có 159 trường hợp là con, cháu thanh niên xung phong).

Hiện các đối tượng tham gia kháng chiến hưởng chế độ theo các quy định, quyết định, nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản được giải quyết. Số tồn đọng khá lớn hiện nay là các trường hợp thanh niên xung phong tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và Lào sau 30/4/1975, theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; cùng một số trường hợp thanh niên xung phong hy sinh, bị thương chưa được công nhận liệt sỹ, thương binh và các trường hợp nhiễm chất độc hóa học.

Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do vẫn còn tồn đọng nhiều trường hợp chưa được giải quyết, trong đó có 275 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận liệt sỹ, 4.928 thanh niên xung phong bị thương chưa được công nhận thương binh; 9.108 thanh niên xung phong và 544 con cháu thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ.

Để thực hiện có hiệu quả hơn việc giải quyết chế độ, chính sách cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, Trung ương Hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy công tác chỉ đạo theo ngành dọc triển khai thực hiện; căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất tổ chức đoàn công tác liên ngành trực tiếp về địa phương để nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các tỉnh, thành Hội đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan...

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim trao Kỷ niệm chương Cựu TNXP Việt Nam cho các đồng chí nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch và hội viên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim trao Kỷ niệm chương Cựu TNXP Việt Nam cho các đồng chí nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch và hội viên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong phong trào "Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội", trong 5 năm (2019 - 2024), cả nước có gần 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh của cựu thanh niên xung phong, trong đó tập trung chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp..., giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, trong đó phần lớn là con cháu cựu thanh niên xung phong, với thu nhập bình quan từ 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.

So với giai đoạn trước, các mô hình phát triển kinh tế của cựu thanh niên xung phong có bước phát triển đa dạng hơn cả về loại hình, quy mô, chất lượng. Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi đã phát huy được tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, các hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương và cho tổ chức Hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, Hội nghị là một trong những hoạt động thiết thực nhân Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7), Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Theo ông Vũ Trọng Kim, thông qua việc phát huy vai trò nhân chứng lịch sử và thực hiện phong trào làm kinh tế giỏi, có thể khẳng định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, thanh niên xung phong vẫn mang tinh thần, nghị lực và truyền thống thanh niên xung phong trên các mặt trận; đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, không những đem lại giá trị về mặt kinh tế mà còn thắt chặt hơn nghĩa tình đồng đội, gắn kết hơn giữa các hội viên, giữa hội viên với tổ chức Hội.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi trong vai trò nhân chứng lịch sử tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, Hội đã thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tạo sự gắn kết ngày càng bền chặt hơn giữa hội viên với tổ chức Hội; đồng thời, giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định xã hội và tham gia phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho các đồng chí nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Hội viên danh dự; công bố quyết định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phát huy vai trò "Nhân chứng lịch sử" tham gia giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nhan-chung-lich-su-tham-gia-giai-quyet-che-do-chinh-sach-cho-thanh-nien-xung-phong-20240715125851199.htm