Nhân dân kỳ vọng Quốc hội tạo nền tảng pháp lý cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy
Phát biểu tại phiên họp tổ theo chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, chiều 7-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương hợp lòng dân. Việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp có thêm nhiều nguồn lực để phát triển đất nước.
Ai cũng muốn xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 5-6 tháng qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã họp liên tục để thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Để phục vụ cho giai đoạn 2: Sáp nhập xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh thì nhiệm vụ đặt ra là phải sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số luật liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp tổ, chiều 7-5.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dư luận cử tri, nhân dân và cán bộ rất mong đợi kỳ họp này, đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết định của Quốc hội để tạo nền tảng pháp lý cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Ai cũng mong muốn xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Nói về các công việc liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã được các cơ quan triển khai quyết liệt vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự kiến phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ gọn trong 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ sửa để phục vụ cho công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy, không mở rộng ra các nội dung khác để thực hiện ngay.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vừa qua khi Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có phân cấp khá mạnh. Lần này, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương theo đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn công tác tại các địa phương và trong các ngành cần xem xét, góp ý kiến cụ thể để thực sự phân cấp cho địa phương, sao cho “địa phương không phải lên Trung ương nữa mà chủ động thực hiện”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi đã giao dự án, giao tiền cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, địa phương phải quyết, địa phương phải làm, nếu địa phương vẫn phải lên báo cáo với Trung ương thì rất mất thời gian và không hiệu quả. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là nhằm khắc phục tình trạng giải ngân rất chậm ở nhiều địa phương, do thủ tục quy định quá nhiều.
Sắp xếp bộ máy để dành nguồn lực phát triển đất nước
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ Kỳ họp thứ tám, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Nhờ đó, chỉ trong Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua được 18 luật. Tại Kỳ họp thứ chín, dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 34 luật, hơn 10 nghị quyết.

Quang cảnh phiên họp tổ 13, chiều 7-5.
“Chúng ta đổi mới tư duy thì mới làm được như vậy và mới đáp ứng được yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy. Nếu vẫn theo cách làm xưa, không đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì sẽ không làm được. Thể chế thông thoáng thì sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chia sẻ nhờ những quyết sách hết sức nhanh chóng, kịp thời của Quốc hội, đặc biệt là các luật, các nghị quyết từ Kỳ họp thứ bảy đến nay đã góp phần quan trọng để đất nước đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, trong đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên tới 7,09%, quy mô kinh tế hơn 476,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.700 USD...
"Kỳ họp thứ chín này cũng như vậy, phải tạo tiền đề để năm 2025 tăng trưởng khoảng 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo để đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta sẽ là nước thu nhập trung bình khá; đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta sẽ là nước thu nhập cao", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tại Kỳ họp này sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo nền tảng cho sắp xếp bộ máy. Nhờ sắp xếp lại bộ máy mà nước ta đã dành được nguồn lực khoảng 30.000 tỷ đồng để miễn học phí cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Chính sách miễn học phí sẽ được trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp này.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì làm việc với ngành về y tế về lộ trình miễn, giảm viện phí. Mong muốn của Tổng Bí thư là người dân hằng năm phải được khám sức khỏe ít nhất một lần và được miễn phí. Dự kiến nguồn lực theo lãnh đạo Bộ Y tế là khoảng 25.000 tỷ đồng.
“Chính việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo... sẽ giúp chúng ta có thêm các nguồn lực để thực hiện thêm nhiều chính sách an sinh xã hội như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói.