Nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đẩy nhanh hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Từ năm 2019, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT) tạo nền tảng từng bước đổi mới phương thức, cách thức TTKT.
Năm 2021, BHXH Việt Nam xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT). Trên cơ sở đó, tiến hành nâng cấp phần mềm TTKT, bổ sung chức năng xử lý dữ liệu, nhận diện các hành vi vi phạm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngành, Vụ TTKT đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện nhiệm vụ. Hiện phần mềm đã cơ bản hình thành, phục vụ yêu cầu trong công tác quản lý như thường xuyên cập nhật, phân tích dữ liệu đưa ra các chỉ số cảnh bảo có dấu hiệu rủi ro trong nghiệp vụ; phục vụ công tác nghiệp vụ như chọn mẫu, đề xuất các đơn vị, cá nhân cụ thể là nguyên nhân của dấu hiệu rủi ro (có dấu hiệu vi phạm), cung cấp dữ liệu chi tiết để phục vụ đối soát, xử lý nghiệp vụ tổ chức TTKT.
Ngoài ra, phần mềm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, dữ liệu, hạ tầng hiện có của ngành BHXH Việt Nam. Phạm vi phân tích dữ liệu của phần mềm có quy mô toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện, khối tham gia, đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh BHYT…; phục vụ các cấp từ trung ương đến địa phương.
Tại cuộc họp báo cáo về tình hình triển khai phần mềm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHTN, lãnh đạo BHXH Việt Nam đánh giá, với cơ sở dữ liệu rất lớn, đầy đủ ở tất các các mặt nghiệp vụ của ngành, việc triển khai một phần mềm tổng hợp, phân tích nhận diện các dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT là khả thi. Đặc biệt, triển khai phần mềm này sẽ giúp ích rất lớn để ngành BHXH Việt Nam nâng cao chất lượng công tác TTKT, từng bước chuyển đổi từ hình thức TTKT truyền thống sang TTKT điện tử.
Trong năm qua, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, công tác TTKT của ngành BHXH Việt Nam đã từng bước được đổi mới. Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, từ nguồn dữ liệu lớn, xây dựng bộ nhận diện, cùng việc nâng cấp phần mềm đã giúp công tác TTKT của ngành dần chuyển hướng từ hình thức truyền thống sang hình thức điện tử.
"Triển khai TTKT theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và giảm nhân lực, thời gian tiến hành các đoàn TTKT, đặc biệt là rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị" - Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Về phần mềm nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, đây là “chìa khóa” quan trọng trong thực hiện TTKT điện tử của ngành, do đó cần tiếp tục được nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ triển khai đảm bảo yêu cầu về tính bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu; có sự kết nối, sử dụng dữ liệu với các phần mềm, công cụ quản lý nghiệp vụ khác của BHXH Việt Nam; thiết kế đáp ứng xu hướng chuyển đổi số trong tương lai; có thể dễ dàng kết nối với các nguồn thông tin, dữ liệu ngoài ngành; có giao diện trực quan, sinh động dễ sử dụng…
Đặc biệt, theo Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, cùng với sự phát triển, biến động của kinh tế - xã hội, các dấu hiệu, hành vi vi phạm về BHXH, BHTN, BHYT cũng có những sự biến đổi, do đó phần mềm phải có tính “mở” để có thể liên tục cập nhật, bắt kịp thực tế; có những dấu hiệu nhận diện không còn phù hợp nhưng có những dấu hiệu mới cần được bổ sung để làm giàu dấu hiệu nhận diện vi phạm sau mỗi cuộc TTKT.
Bên cạnh đó, phần mềm cũng phải có cơ chế để người dân, người lao động biết, phản ánh về quyền lợi của mình, phát huy vai trò giám sát, từ đó góp phần cùng ngành BHXH Việt Nam phát hiện, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHTN, BHYT ngày càng tốt hơn.
Hoa Quỳnh