Nhận diện hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Trà Vinh là tỉnh ven biển, có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với đặc thù là nơi có đông người Khmer, hoạt động tôn giáo đa dạng, với 382 cơ sở thờ tự của 9 tôn giáo với trên 560.000 tín đồ, trong đó hầu hết là người Khmer theo Phật giáo Nam tông Khmer, đặt ra những thách thức không nhỏ trong bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer
Được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện nay, 100% các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer đều có đường xe ô tô đến tận nơi, trên 95% đồng bào Khmer có nước sạch sử dụng và có điện sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương còn quan tâm đến việc xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Khmer tham gia hệ thống chính trị các cấp là 23.988 người, 7.096 đảng viên người Khmer, 2 người Khmer là đại biểu Quốc hội khóa XV; 639 người Khmer là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Hội đồng nhân dân tỉnh: 15, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố: 49; đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn: 569).
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng không ngừng được nâng cao, các lễ hội mang bản sắc dân tộc như Chaul Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok, Dâng bông dâng y, đua ghe Ngo, các loại hình sân khấu dân gian... được duy trì tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo sư sãi, phật tử tham gia vui chơi, giải trí và quảng bá hình ảnh tới nhiều du khách. Đặc biệt, các cấp, các ngành của địa phương luôn quan tâm gìn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng của chùa Phật giáo Nam tông Khmer, bảo tồn và phát huy rất tốt kiến trúc cổ kính và lưu giữ di sản văn hóa, lịch sử để tuyên truyền cho thế hệ sau, tạo nên những điều thú vị, dấu ấn đặc biệt để thu hút các du khách đến tham quan, du lịch.
Nhận diện thủ đoạn tuyên truyền chống phá
Trà Vinh cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen như điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển nhanh, bền vững; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn và nhiều tác động khác ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt là thời gian gần đây, các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua trang mạng xã hội, sử dụng báo đài, như VOKK, The Prey Nokor Neww, Khmer-K21, KKCCTV tăng cường thu thập, cung cấp những nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, đưa thông tin một chiều, thông tin sai sự thật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Những thông tin được các đối tượng thu thập, bàn luận, xuyên tạc tập trung nhiều vào những vấn đề nhạy cảm như: “ngày mất đất Khmer Kampuchea Krom 4/6”, ngày người “Khmer Krom nổi dậy 16/11”, việc chậm xây dựng lại cổng chào Trà Vinh, việc xử lý những đối tượng là người dân tộc Khmer có hành vi vi phạm pháp luật; tuyên truyền, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cho rằng địa phương không quan tâm đến đời sống của người dân tộc Khmer...
Ngoài ra, thông qua các diễn đàn, “sự kiện”, nhiều đối tượng có tư tưởng cực đoan đẩy mạnh tuyên truyền về quyền dân tộc bản địa, cho rằng “dân tộc Khmer là dân tộc bản địa nên có quyền tự quyết”, cổ xúy cho những cái gọi là đấu tranh giành lại đất nước “Khmer Kampuchea Krom”, bảo vệ quyền dân tộc bản địa, đòi quyền tự quyết... gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Các báo đài, trang web phản động còn thường xuyên tổ chức diễn đàn, hội luận với những chủ đề nhạy cảm, thu hút nhiều người có tư tưởng cực đoan trong dân tộc Khmer tham gia, qua đó gây sự ngộ nhận, cái nhìn thiếu thiện cảm với chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer. Đặc biệt là các trang mạng xã hội như VOKK, The Prey Nokor New, Khmer-K21, KKCCTV với tần suất phát sóng và tổ chức những cuộc hội luận dày đặc, các đối tượng có điều kiện chia sẻ, cung cấp thông tin sai sự thật được nhiều người theo dõi, trong đó không ít đối tượng vốn có tư tưởng cực đoan, bị tác động, lôi kéo đã bày tỏ sự ủng hộ, từ đó kích thích tinh thần cho các đối tượng hoạt động ngày càng cực đoan, manh động.
Những thông tin trên ít nhiều cũng tác động đến nhận thức của sư sãi, phật tử Khmer, nhất là những người chưa có điều kiện theo dõi, tiếp cận thông tin chính thống, gây ra những dư luận xấu trong sư sãi, phật tử, tạo sự ngộ nhận về vấn đề đất đai, dân tộc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong đồng bào dân tôc Khmer, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh
Để mọi người dân, nhất là tầng lớp sư sãi, trí thức, phật tử Khmer nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng những vấn đề nhạy cảm để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải quan tâm quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong quá trình thực hiện phải xây dựng lộ trình và bước đi phù hợp nhằm từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, trình độ dân trí, tạo sự “miễn nhiễm” cho đồng bào trước sự tuyên truyền, kích động chia rẽ của các đối tượng xấu. Quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay tại cơ sở những vụ việc nảy sinh, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại cơ sở.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã cơ bản được triển khai thực hiện đến tận cơ sở và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và địa phương về dân tộc, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển, những hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá, vi phạm pháp luật trong thời gian qua đều được phát hiện và xử lý kịp thời.