Nhận diện một số vấn đề của công nghiệp dược qua khủng hoảng dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 bùng nổ ở Trung Quốc đã để lại tác động chưa từng thấy về y tế không chỉ với riêng quốc gia đông dân này mà còn với cả thế giới.
Hơn nữa, vụ dịch này còn tác động mạnh mẽ, sâu sắc, đa diện đến nền kinh tế thế giới và bản đồ địa chính trị toàn cầu. Công nghiệp dược và trang thiết bị y tế có nhiệm vụ cung cấp thuốc men, trang thiết bị y tế cũng đang chịu những tác động chưa từng có về nhiều phương diện.
Về nghiên cứu phát triển
thuốc - vắc-xin
Có thể thấy, khả năng nghiên cứu - phát triển các thuốc mới và vắc-xin mới không theo kịp với sự biến chủng của vi khuẩn và sự kháng lại các thuốc đã có (trường hợp kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn) và sự biến chủng của virus mà trường hợp SARS-COV-2 là một trường hợp điển hình.
Peter Marks - Giám đốc Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu thuốc sinh học của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, việc nghiên cứu phát triển một vắc-xin không thể ngăn chặn được một đại dịch và việc tìm ra được một vắc-xin để có thể sẵn sàng đưa vào thử nghiệm cũng không thể chỉ trong vài tháng...
Về phương diện các hóa dược, tập đoàn dược phẩm Gilead (Hoa Kỳ) chuyên nghiên cứu sáng chế và sản xuất các hóa dược kháng virus đang hy vọng hoạt chất remdesivir có khả năng chống lại được Coronavirus và đang được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc và Hoa kỳ. Các hoạt chất favipiravir (Zhejiang, Trung Quốc), umefenovir (OTCPharm, Nga) cũng đang được thử nghiệm. Tuy nhiên, với quy trình thử nghiệm lâm sàng 4 giai đoạn cực kỳ nghiêm ngặt và kéo dài trên một số bệnh nhân tình nguyện, các thuốc này cũng chưa thể đưa ra thị trường một cách cấp tốc bỏ qua một số giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt là để xác định các tác dụng phụ có hại của thuốc khi sử dụng trong ngắn hạn cũng như lâu dài.
Marks cũng đề cập một nguy cơ khác liên quan đến dịch COVID-19 là “chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu sẽ bị phá vỡ vì lý do các hóa chất cơ bản (basic chemicals) dùng để tổng hợp các dược chất (active pharmaceutical ingredient: API) đều do Trung Quốc sản xuất”.
Ngày 25/2/2020, Thanh tra Stephen Hahn (FDA Hoa Kỳ) cảnh báo: “Việc bùng phát dịch COVID-19 sẽ tác động đến chuỗi cung ứng dược phẩm, kể cả việc sẽ thiếu hụt các thuốc thiết yếu ở Hoa Kỳ” tại cuộc họp của Bộ Y tế Hoa Kỳ về chủ đề kiểm soát dịch COVID-19. Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã gửi cho FDA một bức thư bày tỏ lo ngại việc bùng phát dịch sẽ đe dọa sự thiếu hụt khoảng 150 thuốc kê đơn trong đó có các thuốc kháng sinh, thuốc generic và biệt dược không thể tìm thấy sản phẩm thay thế trên thị trường. Josh Hawley cũng yêu cầu FDA Hoa Kỳ có biện pháp cấp bách để đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế chất lượng cao cho nhân dân trong trường hợp xảy ra các khủng hoảng y tế.
Cung ứng thuốc
Vấn đề cung ứng thuốc còn có khả năng sẽ trầm trọng hơn khi một số quốc gia có khả năng nghiên cứu - phát triển và cung cấp dược phẩm bắt đầu có động thái hạn chế xuất khẩu. Mặc dù chưa phải là quốc gia có nhiều người nhiễm COVID-19, Chính phủ Anh đang chuẩn bị để đối phó với sự bùng phát dịch thông qua một loạt biện pháp trong đó có việc Cơ quan Kiểm soát dược phẩm và các sản phẩm y tế (MHRA: Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency) đã ban hành một danh mục các dược phẩm bị cấm xuất khẩu song song (parallel export). Trong Danh mục này có 2 dược phẩm bổ sung đáng chú ý: Thuốc kết hợp liều cố định lopinavir + ritonavir (FDC lopinavir/ritonavir) và cloroquin phosphat - 2 dược phẩm đang được Bộ Khoa học-Công nghệ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới coi là những dược phẩm tiềm năng chống lại SARS-COV-2. Việc cấm xuất khẩu song song 2 dược phẩm nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/2/2020.
Kết hợp điều trị giữa
y học hiện đại với y học cổ truyền
Trong khi nền công nghiệp dược thế giới đang lúng túng và chậm trễ trong việc tìm ra các vắc-xin và hóa dược kháng Coronavirus, Trung Quốc - nơi bùng phát dịch, một quốc gia có nền y học cổ truyền hàng ngàn năm đã sớm quyết đoán áp dụng chính sách kết hợp trung y, trung dược với y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân nhiễm sirus SARS-COV-2.
Theo công bố của Giám đốc Y tế Hồ Bắc, các bệnh viện ở Vũ Hán đã kết hợp trung y với y học hiện đại để điều trị trên 50% bệnh nhân nhiễm SARS-COV-2 và đã có một số kết quả tích cực. Khoảng 2.200 bác sĩ và chuyên gia trung y hàng đầu đã được điều tới Hồ Bắc để nghiên cứu và điều trị bệnh nhân.
Ngày 13/2/2020, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hồ Bắc đã công bố 4 công thức trung dược được phép áp dụng trong điều trị. 1 trong 4 công thức được gọi là “Công thức số 4” gồm 13 vị thuốc, trong đó có: bạch đậu khấu (Cardamom), cam thảo (Licorice), thược dược (Dahlia)... Phác đồ điều trị kết hợp với trung y, trung dược nhằm giảm sốt, ho, chán ăn, nôn và buồn nôn, tiêu chảy và khó thở, mệt mỏi... Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã cho phép kết hợp trung y và tây y trong hướng dẫn điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV-2. Xia Wenguang - bác sĩ ở Bệnh viện kết hợp Trung và Tây y Hồ Bắc cho rằng: “Điều trị bằng Tây y nhằm chống virus và chống nhiễm virus. Trong khi đó, trung y điều trị cho từng bệnh nhân trên cơ sở các triệu chứng của họ”. Tong Xiaolin - Viện sĩ hàn lâm khoa học Trung Quốc, Trưởng nhóm nghiên cứu điều trị của Cục Trung y - Trung dược Trung Quốc cho rằng: Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như: châm cứu, giác hơi, cạo gió (scaping)... cũng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn sau khi xuất viện.
Ở Hàn Quốc - một quốc gia có nền y học cổ truyền khá lâu đời, Choi Hyuk-young - Chủ tịch Hiệp hội Y học Hàn Quốc (AKOM: Association of KoreanMedicine) cho biết, AKOM sẽ thành lập nhóm đặc nhiệm (taskforce) để soạn thảo Hướng dẫn điều trị bằng y học cổ truyền đối với viêm phổi do Coronavirus. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung Hoo cho biết sẽ xem xét sự cần thiết của hướng dẫn điều trị bằng y học cổ truyền.